“Tôi không muốn trở thành doanh nhân nổi tiếng mà điểm dừng là nhà hoạt động xã hội… Tôi đã lên “plan” cho ngày cuối cùng của mình, để mọi thứ được hoàn thành khi ‘nhắm mắt, xuôi tay’”, CEO & Founder Tracybee chia sẻ.
Xuất hiện trên chương trình Shark Tank Việt Nam mùa 6, nhà sáng lập Tracybee – chị Lê Ngọc Thu Trang gây ấn tượng mạnh với các Shark bởi mang đến giải pháp chăm sóc sức khoẻ chủ động cho cộng đồng từ keo ong xanh Brazil. Bằng sự tự tin, phong thái đĩnh đạc cùng khát vọng nhân văn hướng tới sức khỏe cộng đồng nên chị được các “cá mập” đánh giá cao. Cuối cùng, Shark Hùng Anh đồng ý với đề nghị 1 triệu USD cho 15% cổ phần cho Tracybee.
Ít ai biết đằng sau Tracybee là câu chuyện khởi nghiệp thú vị, “thiên nhiên” và hết sức bản năng. Chị Trang từng từ bỏ cơ hội định cư ở Úc để về Việt Nam lập nghiệp với khát khao mang đến cho người dân những sản phẩm chăm sóc sức khỏe tốt nhất tạo nên một cộng đồng bền vững.
Nhân ngày Doanh nhân Việt Nam 13-10, chúng tôi đã có buổi trò chuyện với chị Lê Ngọc Thu Trang – CEO & Founder Tracybee để hiểu hơn về hành trình khởi nghiệp đầy gian nan, cũng như triết lý kinh doanh của chị.
Từ bỏ cơ hội định cư ở Úc về Việt Nam khởi nghiệp vì… thương người dân nghèo
– Điều gì đã thôi thúc chị và ông xã từ bỏ cơ hội định cư ở Úc để quay trở về Việt Nam khởi nghiệp?
Tôi sang Úc du học theo chương trình chất lượng cao trong hơn 1 năm. Đến khi vừa đủ điều kiện định cư thì tôi quyết định về nước. Rất nhiều người thân, bạn bè cho rằng vợ chồng tôi “gàn dở” vì làm việc và sinh sống tại môi trường nước ngoài là niềm mơ ước của bao người. Nhưng tôi lại không nghĩ vậy.
29 tuổi, tôi tự chất vấn bản thân: “Với mình, điều gì là quan trọng nhất. Đó có phải là môi trường hiện đại, cuộc sống sung túc, công việc ổn định, thu nhập cao, có đồ ăn ngon, quần áo hàng hiệu hay không?”. Với tôi như thế là tồn tại, không phải là sống. Tôi cho rằng giá trị và niềm hạnh phúc phải là được ở gần gia đình và được làm những điều có ý nghĩa cho cộng đồng. Việt Nam mới là nơi tôi thuộc về, là nơi tôi cảm thấy thoải mái, tự tin và có thể phát triển hết khả năng. Đó cũng là nơi tôi sẽ được học hỏi, cho đi và nhận về, khai phá bản thân.
Trong cuộc đời mỗi người có nhiều chuyến đi, mỗi chuyến đi lại mang ý nghĩa riêng và tôi cảm ơn lần đi Úc đã giúp tôi thức tỉnh. Tôi nghĩ khi quay về sẽ có nhiều cơ hội giúp đỡ những người dân nghèo có công ăn việc làm, tạo ra nguồn thu nhập xứng đáng với công sức họ bỏ ra. Họ sẽ không phải ra nước ngoài lao động vất vả để tằn tiện, chắt bóp từng đồng gửi về cho gia đình. Với sự quyết tâm như vậy, tôi nói với ông xã: “Mình về rồi cái gì cũng làm được” , và đến nay, những ước mơ của tôi đang dần thành hình hài.
– Lên Shark Tank để gọi vốn, chị chia sẻ xuất thân từ một gia đình nuôi ong năm 1975. Vậy sau khi về nước, chị đã kế thừa và phát triển công việc của gia đình như thế nào?
Nói đúng thì gia đình nhà chồng tôi nuôi ong từ năm 1975, khi di cư vào miền Nam sinh sống, lấy nghề nuôi ong để mưu sinh. Sau khi về nước, tôi chưa kinh doanh ngay mà vẫn đi làm văn phòng tại một ngân hàng với thu nhập cao trong 4 năm. Khi đã tích lũy được kiến thức, kỹ năng quản lý, tư duy quản trị, tinh thần trách nhiệm,… tôi mới nghỉ việc và quyết tâm thành lập doanh nghiệp riêng.
Câu chuyện khởi nghiệp của tôi thuần khiết, “thiên nhiên”, đó là hành trình một người trẻ lớn lên và trưởng thành, lập nghiệp chứ không có nhiều kế hoạch, toan tính. Tất cả đều xuất phát từ việc khám phá bản thân và cống hiến cho xã hội. Từ khi còn bé, tôi đã có những suy nghĩ được đánh giá là khác thường. Có 2 từ luôn xuất hiện trong đầu và tôi vẫn đang chiêm nghiệm hàng ngày là “Bình đẳng”. Tôi muốn tất cả mọi người đều được hưởng cuộc sống công bằng, được tôn trọng.
Chính tư tưởng này kết hợp với việc gia đình có nghề nuôi ong đã thôi thúc tôi tạo nên sản phẩm hữu ích, chất lượng cao để tất cả người dân nghèo được sử dụng, chứ không phải xuất khẩu sang nước ngoài. Nhân sinh quan của tôi là muốn bảo vệ mọi người.
Lý do thứ hai là tôi yêu người đàn ông chung sống với mình, muốn giúp đỡ anh, cùng anh gánh vác công việc. Tình yêu đi kèm với trách nhiệm, tôi muốn sánh vai với người đàn ông của mình chứ không ở thế “hưởng” hay thế thấp hơn. Tôi không có sự phân biệt nam giới – nữ giới, chính điều này là bí quyết giúp gia đình tôi bền vững về kinh tế, các thành viên có trách nhiệm với nhau.
Lý do cuối cùng là vì tôi yêu trẻ em nói chung và các con của tôi nói riêng. Các con tôi lớn lên trong thời kỳ mạng xã hội bùng nổ thông tin, có quá nhiều cách biến tấu kiếm tiền, kiếm tiền phi pháp như đa cấp, lùa gà, lừa đảo,… Đó là điều kinh khủng và tôi sợ các con sẽ bị ảnh hưởng bởi những tư tưởng độc hại đó. Vì thế, tôi muốn trở thành tấm gương sáng cho các con, thành lập doanh nghiệp tử tế, kinh doanh đàng hoàng, tạo ra những giá trị cho xã hội.
– Tự nhận bản thân khởi nghiệp theo hướng thuần khiết, “thiên nhiên”, vậy thời điểm đó, đâu là những khó khăn mà chị phải đối mặt?
Năm 2012, tôi thành lập công ty riêng, sau một năm đổi tên thành Tracybee. Tên gọi lấy ý tưởng từ hình ảnh con ong – đại diện cho những người phụ nữ kiên cường, bản lĩnh, chịu thương chịu khó, giàu lòng yêu thương và sự trắc ẩn.
Còn bàn về khó khăn thì tôi nghĩ không có nhiều vì tính tôi rất lạc quan. Với tôi chẳng có khó khăn lớn, điều gì khúc mắc thì nỗ lực hết sức là sẽ giải quyết được. Mất 5 năm đầu tiên, tôi chỉ buôn bán nhỏ lẻ, không biết mô hình doanh nghiệp, hoạt động kinh doanh bài bản hay branding, marketing ra sao. Tất cả mọi thứ đều theo bản năng, làm từ những việc nhỏ bé nhất.
Sang giai đoạn 2015-2017, tôi biết tới dòng sản phẩm keo ong xanh Brazil, ở Việt Nam chưa khai thác được. Sản phẩm này giải quyết được tình trạng cảm cúm, viêm họng, ho sốt,… ở cả người lớn và trẻ em, nhưng tôi đặc biệt chú trọng đến lợi ích giúp trẻ nâng cao sức đề kháng. Thấy được lợi ích nhưng thời gian đầu, tôi chưa muốn khai thác bởi tính tôi khá truyền thống, đơn giản, không muốn mạo hiểm. Đến khi tìm được lý tưởng tiếp theo, tôi mới đổi mới tư duy.
Giấc mơ Tracybee sẽ “cất cánh”
– Chị có thể chia sẻ về một vài dấu mốc đặc biệt trong hành trình khởi nghiệp của mình?
Năm 2015, tôi biết tới sản phẩm keo ong, sau đó bỏ ra 2 năm nghiên cứu khoa học, thử nghiệm với hơn 100 người và nhận được phản hồi tốt. Sau đó, tôi làm việc với Apis Flora – công ty nắm trong tay công nghệ độc quyền EPP-AF, giúp chiết xuất ra hàm lượng Flavonoid và Artepillin C cao gấp 3 lần công nghệ thông thường. Tại Việt Nam, chỉ keo ong của Tracybee mới thừa hưởng được công nghệ đó và tôi đang hướng đến mua lại công nghệ này.
Bác CEO bên đó lớn tuổi và rất xúc động khi nghe câu chuyện khởi nghiệp của tôi. Bác chia sẻ, hành trình của bác cũng giống tôi, trước là banker, gia đình có nghề truyền thống nuôi ong rồi dần dần phát triển lên. Đến nay, công ty của bác là đơn vị đầu tiên định hình ngành nuôi ong của thế giới. Tôi và bác đều có sự tương đồng tinh thần, văn hóa, năng lượng, sứ mệnh nên bác đã hỗ trợ tôi rất nhiều.
Tại Brazil, người dân không dùng kháng sinh tự do. Cho nên khi họ bị bệnh, vào bất kỳ nhà thuốc nào để mua sản phẩm thì 100% các thành phần chính là keo ong. Người dân Brazil đã tìm ra được giải pháp nên tôi khao khát điều đó cũng sẽ tới với Việt Nam. Chỉ vì thấy con đường đó mà giờ tôi muốn đi tới cùng.
Nhận được sự hợp tác với Apis Flora là điều may mắn lớn của tôi. Tôi mang ơn đến mức độ không bao giờ trả giá. Thứ nhất, tôi thấy họ đưa ra con số hợp lý. Thứ hai, tôi sợ nếu có sự mặc cả sẽ ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm, không tốt như lô hàng mà đối tác cung cấp. Chính vì thế, tôi khéo léo giữ gìn mối quan hệ.
Trong kinh doanh, dù chúng ta là đất nước nghèo hơn nhưng đừng đặt mình ở thế dưới, đừng lấy lòng thương xót và cũng đừng lợi dụng. Chính sự ngang hàng mới khiến đối tác tôn trọng. Tôi cố gắng giữ từ việc nhỏ đến việc lớn để nhận được sự trân trọng, tình cảm trân quý.
– Đâu là những lợi thế để chị tự tin khẳng định Tracybee sẽ là “doanh nghiệp cất cánh” từ doanh thu 100 tỷ, 200 tỷ lên đến hàng ngàn tỷ trong tương lai? Shark Nguyễn Hoà Bình nhận xét rằng chị đang “đếm ong trong lỗ”, điều này có khiến chị chạnh lòng?
Các Shark có mặt đều đầu tư lĩnh vực khác, như bất động sản, giáo dục, công nghệ,… không ai đầu tư về dược phẩm, tập trung vào yếu tố sức khỏe con người nên có thể chưa nhìn ra tiềm năng của sản phẩm. Nếu trong tương lai, khủng hoảng kháng sinh xảy ra thì đâu sẽ là giải pháp thay thế?
Còn về việc Shark Bình nói tôi đang “đếm ong trong lỗ” là không sai, tôi rất cảm ơn, đó là lời cảnh tỉnh giá trị. Chúng ta đang sống trong thời VUCA (volatility – biến động, uncertainty – không chắc chắn, complexity – phức tạp, ambiguity – mơ hồ) và từ kinh nghiệm của bản thân nên Shark Bình mới đưa ra lời khuyên đó.
Tuy nhiên, không vì lời nhận xét đó khiến tôi mất tự tin. Trong công việc, tôi đã lên sẵn lộ trình cụ thể, làm việc có kế hoạch, đủ quyết tâm để bước đi. Và lên Shark Tank tuyên bố như vậy càng giúp tôi có đủ động lực để biến ước mơ thành hiện thực.
– Chia sẻ với các Shark, chị cho rằng “Tracybee không định vị mình chỉ sản xuất những dòng sản phẩm đặc thù về ong, mà sau này sẽ trở thành một công ty có các sản phẩm tự nhiên khác hoặc những thực phẩm rất tốt cho con người, mở rộng danh mục sản phẩm. Đó sẽ là công ty khổng lồ về ngành thực phẩm chức năng”. Đây là một tham vọng lớn, chị xây dựng chiến lược ra sao để đạt được?
Tôi học Kinh tế đối ngoại, là dân Ngoại thương nên khi nhập khẩu một sản phẩm, tôi rất cân nhắc vì ảnh hưởng đến cán cân thương mại. Nhưng khi quyết định đưa keo ong xanh Brazil về Việt Nam, tôi đặt quyền lợi con người lên trên.
Thời gian tới, tôi có kế hoạch xây dựng nhà máy gia công. Tracybee sẽ nhập khẩu nguyên liệu, công nghệ kỹ thuật để sản xuất keo ong phục vụ người dân trong nước, xa hơn nữa là cung cấp ra thị trường quốc tế. Ngoài ra, tôi chú trọng mở rộng nguồn nhiên liệu bởi nhận thấy thị trường đang vô cùng tiềm năng.
– Tham gia chương trình Shark Tank có phải là một cú hích truyền thông của Tracybee không, thưa chị?
Có 3 lý do khiến tôi quyết định tham gia chương trình. Điều đầu tiên, tôi muốn tất cả nhân viên nhìn thấy công ty “cất cánh”, lãnh đạo can đảm làm mọi thứ. Những khách hàng, đối tác sẽ tự hào khi thấy tôi quyết tâm dám nghĩ dám làm. Tôi muốn họ tự hào rằng đây là sản phẩm uy tín, đằng sau đó chứa đựng câu chuyện nhân văn và thông điệp thiêng liêng. Còn đối với những người chưa sử dụng thì lên Shark Tank gọi vốn chính là giải pháp để họ biết tới sản phẩm. Chính vì thế, tôi phải lên Shark Tank “la làng” vì biết bản thân còn thiếu năng lực.
Hiện doanh thu năm cao nhất của Tracybee đạt hơn 120 tỷ đồng, những năm sau thấp hơn cũng đạt con số vài chục tỷ đồng. Tốc độ tăng trưởng là 30 – 50%, đến năm 2027 dự đoán đạt 300 – 400 tỷ đồng/năm. Và trong tương lai không xa, tôi muốn doanh nghiệp cán mốc 1000 tỷ đồng/năm. Trong kinh doanh cũng cần phải có ước mơ, hoài bão lớn.
Lên sẵn “plan” cho ngày cuối cùng, muốn để lại di sản ý nghĩa cho thế hệ sau
– Là doanh nghiệp quan tâm đến vấn đề sức khỏe con người. Vậy Tracybee có đang triển khai các dự án hỗ trợ cộng đồng – xã hội không?
Tôi không muốn trở thành doanh nhân nổi tiếng mà điểm dừng là nhà hoạt động xã hội. Với tất cả những gì kiếm được, tôi sẽ đầu tư vào 2 vấn đề. Điều đầu tiên là mang công nghệ kỹ thuật ở nước ngoài về để giúp bà con nông dân trong lĩnh vực làm nông nghiệp.
Điều thứ hai, tôi muốn 5 – 6 năm nữa sẽ nhận nuôi 100 đứa trẻ mồ côi theo mô hình giáo dục tiên tiến. Nghĩa là sẽ dạy đứa trẻ biết ước mơ, sống nhân văn, vươn tới trở thành công dân toàn cầu để phát triển đất nước. Nuôi một đứa trẻ mồ côi cho ăn học, dạy biết chữ rồi lao động phổ thông thì không tạo ra sự đặc biệt. Tôi muốn làm những điều khác biệt, muốn những đứa trẻ đó trở thành di sản tiếp tục phát triển công việc sau khi tôi mất đi. Tôi đã lên sẵn “plan” cho ngày cuối cùng của mình, để mọi thứ được hoàn thành khi “nhắm mắt, xuôi tay”. Tôi nghĩ đây là điều tích cực chứ không hề bi quan.
– Ông xã là người đã cùng chị từ bỏ cơ hội định cư ở Úc để về Việt Nam, đồng hành cùng chị trong quá trình khởi nghiệp. Vậy chị có thể chia sẻ thêm về “người bạn” đặc biệt này không?
Chồng tôi là người đàn ông đơn thuần, đơn giản, bình dị. Rất xui cho anh khi va phải tôi, phải đi theo con đường của tôi – con đường có quá nhiều hoài bão (cười). Điều quý giá nhất ở anh là sự chính trực, lương thiện, công bằng. Đó là điểm chung giúp chúng tôi hòa hợp.
Chính sự đơn thuần ở anh đã tạo nên lối kinh doanh đơn thuần của Tracybee. Tuy điều này khiến công ty gặp nhiều khó khăn nhưng lại tạo ra chất riêng đặc sắc. Và một điều tương đồng là chúng tôi cho rằng tiền là của xã hội, chúng tôi chỉ được xã hội giao cho quản lý. Nếu quản lý tốt, xã hội lại giao thêm 1 cọc, 2 cọc,… nhưng nếu không làm tốt sẽ mất hết. Như vậy khi càng sở hữu khối tài sản lớn thì trách nhiệm càng lớn.
– Là người phụ nữ khởi nghiệp, vậy theo chị đâu là cái khó của phụ nữ trong công việc kinh doanh?
Người phụ nữ có rất nhiều thế mạnh trong việc kinh doanh. Đặc biệt ở giai đoạn đầu startup – thời điểm rất nhiều doanh nghiệp thất bại thì người phụ nữ lại làm rất tốt bởi có đức tính kiên trì, bền bỉ, không ngại khó, ngại khổ.
Nhưng bước sang giai đoạn tiếp theo – giai đoạn bùng nổ thì họ cần sự hỗ trợ của đàn ông. Tôi nói vậy không có nghĩa là phụ nữ không làm được mà khi kết hợp với người đàn ông sẽ giúp họ “như hổ mọc thêm cánh”. Ở giai đoạn về sau, người phụ nữ thường hay bị chi phối tình cảm dành cho gia đình, con cái nhiều hơn.
Cảm ơn chị vì cuộc trò chuyện!
Theo Ứng Hà Chi-Theo Nhịp sống thị trường