Sống và trải nghiệm nhiều đất nước trên thế giới, trở thành Thạc sỹ ngành Khoa học môi trường tại Thụy Sĩ, nhưng cuối cùng Ngọc Anh lại tìm thấy giá trị và hạnh phúc thực sự của đời mình trong nghề thiết kế.
Cảm hứng từ những chú chuồn chuồn
Mình theo nghiệp cha, học ngành Hoá do bố dạy trong trường đại học. Mình được sinh ra sau khi chiến tranh kết thúc được hai năm, lúc nước mình còn rất nghèo. Những người đi học ngành nghệ thuật thời đó rất khó khăn và phải làm thêm các nghề khác để có kế sinh nhai. Về sau, khi mà kinh tế xã hội phát triển, mọi người làm công việc nghệ thuật mới có những cơ hội để hành nghề. Việt Nam sau này hội nhập với thế giới, những tác phẩm nghệ thuật mới được quan tâm nhiều hơn và dần dần có một chỗ đứng trong thị trường.
Khi mình đột ngột chuyển sang ngành thời trang, rất nhiều người cho là hão huyền. Họ nói là mình học và làm công việc nghiên cứu lâu vậy, tại sao giờ lại đi bỏ, để đi làm một công việc không liên quan gì. Nhưng, đến một giai đoạn nào đó trong cuộc đời, mình không còn quá để ý đến những lời bàn tán của những người xung quanh nữa. Nếu không dám thay đổi thì mình sẽ đứng mãi ở đó. Mình cũng không có định hướng hay mong muốn rằng mình phải thành công bằng mọi giá. Đối với mình được làm điều mình thích đã là thành công rồi.
Mình rất thích chuồn chuồn, vì nó giống tính cách của mình, chẳng đậu ở đâu lâu cả. Hơn nữa, con chuồn chuồn ở phương Tây được nhìn như một biểu tượng của Á Đông. Vài năm trước, khi đến Tokyo, mình thấy rất nhiều hình vẽ và những con dấu vuông xinh xắn. Sau chuyến đi đó, ý tưởng logo con chuồn chuồn trên một hình vuông được phác hoạ và La Phạm chính thức ra đời.
…Và những chuyến đi vòng quanh thế giới
Mình thích khám phá văn hoá, đời sống của rất nhiều miền đất khác nhau. Các chuyến đi là nguồn ý tưởng vô tận truyền cảm hứng cho mình trong ngành thiết kế. Mỗi lần trở về từ nơi nào đó trên bản đồ địa cầu, mình lại đầy ắp ý tưởng.
Bởi vậy, các thiết kế của mình sâu xa là những nét độc đáo, truyền thống của các nơi mình đã đặt chân đến kết hợp với truyền thống Việt Nam. Giống như là Đông Tây, cổ kim hội tụ.
Năm ngoái, mình đã có chuyến đi Ma-rốc cùng một số người bạn. Ở đó, mình khám phá ra người Ma-rốc rất thích mặc những chiếc áo Djeballa được thêu thủ công rất đẹp và được mặc kết hợp với quần giống như mặc áo dài Việt Nam. Khi trở về nhà, mình đã cho ra đời một thiết kế dựa trên chiếc dáng áo Djeballa của Ma-rốc và kết hợp với thổ cẩm ở Sapa. Đấy là một thiết kế mới độc đáo kết hợp giữa văn hoá Việt Nam và văn hoá người Ma-rốc.
Một thiết kế có âm hưởng văn hoá người Ma-rốc
Hoặc là khi đến Tây Ban Nha, mình rất thích những điệu nhảy Flamenco. Họ sử dụng rất nhiều tua rua, hoặc là bèo nhún để tạo ra chuyển động và hiệu ứng tuyệt đẹp khi người phụ nữ uyển chuyển cơ thể theo điệu nhạc Flamenco. Khi về nhà, mình đã kết hợp chi tiết này trong những bộ áo dài để có một chút văn hoá của Tây Ban Nha và hồn của điệu nhảy Flamenco. Ngoài ra, mình rất thích mua phụ kiện ở những nước Pháp, Ý, Bồ Đào Nha và Nga, là những nơi có truyền thống về thời trang lâu đời. Khi đến đó, mình lại tìm được nhiều cảm hứng bởi cách ăn mặc rất thanh lịch và giàu văn hoá của họ. Đến các nước Mỹ, Hong Kong, mình lại tìm được những phụ kiện vui mắt và có ảnh hưởng từ thế giới phim ảnh.
Trân trọng giá trị truyền thống
Lúc trẻ, mình hay để ý đến hình thức bề ngoài. Càng trưởng thành, càng đi và trải nghiệm nhiều thì mình mới thấy rằng để hiểu một sự việc, một con người nào đó, mình phải dành thời gian và tâm huyết cho nó.
Với tinh thần đó, mình muốn làm những gì có giá trị thực và lâu dài. Vì thế, khi làm những bộ áo dài, bất cứ một thiết kế hay một sản phẩm nào, mình cũng đặt rất nhiều giá trị từ bên trong. Nó cũng như vẻ đẹp nội tâm của con người. Có những người phụ nữ mình gặp một lần chưa thấy đẹp ngay nhưng khi càng tiếp xúc lại càng thấy họ đẹp. Mình muốn các thiết kế của mình cũng như vậy, càng nhìn sâu vào bên trong mới càng khám phá ra vẻ đẹp của nó. Nó không phải là cái đẹp đập ngay vào mắt.
Có nhiều chiếc áo dài mình chọn vải bên trong còn đẹp và đắt hơn bên ngoài bởi vì nó sát với làn da, người mặc cũng phải cảm nhận được cái đẹp chứ không phải chỉ là mặc cho người khác nhìn. Mình tin rằng, khi chúng ta thấy bản thân đẹp từ bên trong thì chúng ta sẽ thấy mọi thứ xung quanh cũng trở nên đẹp hơn.
Mình chú trọng từng đường may bên trong. Vì nó là giá trị thực, chứ không phải chỉ hào nhoáng bên ngoài. Khi lật ra, đường kim mũi chỉ phải tỉ mỉ, phải mượt, không có đường vắt sổ nào, trái phải như một.
Mình tập trung mua nguồn vải từ Việt Nam, và hạn chế các sản phẩm của Trung Quốc. Việt Nam bé nhỏ nhưng cũng có bản sắc riêng. Xã hội Việt Nam phát triển không đồng đều sau chiến tranh, ai cũng muốn cho con đi học đại học. Những công việc đòi hỏi sự khéo léo như đầu bếp, thợ may càng ngày càng ít đi. Mình mất rất nhiều thời gian mới tìm được người thợ may nhung lụa giàu kinh nghiệm bởi những chất liệu đó may rất khó và vất vả. Cũng vì thế, phần lớn doanh nghiệp muốn may dây chuyền kiểu công nghiệp để nhanh hơn và kiếm được nhiều tiền hơn. Các làng nghề may dệt thủ công của mình dần dần mất đi và La Phạm muốn bảo tồn những nét truyền thống đó. Mỗi mét vải sẽ tạo công ăn việc làm cho biết bao gia đình, dù biết giá thành sẽ đắt hơn vải nhập từ Trung Quốc.
Một sản phẩm thiết kế thể hiện tâm hồn của người sáng tạo, người dựng mẫu, người thợ may và cả những người chụp ảnh hay mẫu thể hiện nó.
Tập trung làm tốt việc của mình, thành quả sẽ tới
Từ bé đến lớn, mình đã từng sống ở 3 đất nước, học 4 ngôn ngữ khác nhau: Việt Nam, Thuỵ Sỹ (vùng tiếng Đức và Pháp), và Mỹ; chuyển nhà không biết bao nhiêu lần, không biết bao thay đổi, áp lực và cả những lúc cô đơn nơi đất khách. Quá trình sống cũng phải mất nhiều năng lượng để hoà nhập. Có lúc phải làm 2-3 công việc một lúc để nuôi con. Cuộc sống càng khó khăn thì càng cho mình nhiều bài học, mình hiểu hơn giá trị cuộc sống và học cách chấp nhận những điều không như ý.
Từ lúc về Việt Nam và bắt đầu với La Phạm, mình không xuất hiện nhiều trên báo chí và sự kiện. Mình yêu thích việc mình làm, cứ tập trung làm rồi sẽ có nhiều người dần dần hiểu mình đang làm gì. Mình nghĩ rằng, nếu cứ làm tốt việc của mình, thành quả sẽ tới.
Mình mong muốn mang giá trị thực trong những mẫu thiết kế, không làm cửa hàng xịn, nhưng càng ngày càng được nhiều khách hàng tìm tới. Mình ưu tiên đầu tư nhiều tiền vải và chất lượng sản phẩm hơn truyền thông. Con đường thành công có thể rất chậm nhưng chắc.
Hồi năm ngoái có Hội nghị APEC, hoa hậu Ngô Phương Lan là MC chương trình. Lan đã chọn 2 chiếc áo dài của mình. Sau đó, nhiều người biết đến La Phạm hơn. Lan tính rất đơn giản, không thích cầu kỳ. Mình thường mời những người mẫu nào có chiều sâu về tâm hồn và những người trải qua sóng gió.
Ngày trước, mình thích ăn mặc sành điệu nhưng sau khi làm thời trang, mình giản dị đi nhiều. Mình cũng dần hiểu vì sao các NTK khi lên sân khấu chào khán giả họ thường mặc rất giản dị. Họ chỉ mặc chiếc T-shirt một màu và quần jeans, bởi họ chúi đầu vào làm việc suốt ngày, không còn thời gian đâu mà làm đẹp cho bản thân nữa. Họ mang năng lượng đó để làm đẹp cho người khác.
Khi còn trẻ, mình mơ ước phải kiếm được nhiều tiền, có nhà to và xe đẹp. Đến tuổi này, mình thấy mọi thứ trở nên hão huyền, trải nghiệm cuộc sống là cái giá trị lớn nhất của con người bởi khi chết đi cũng chẳng mang được gì. Cuộc sống ngắn lắm, mình tự nhủ hãy sống sao cho có ý nghĩa.
Thiên An