Theo ông Lương Văn Hùng – TGĐ CTCP nông trại chia sẻ Sharefarm Hà Nội, Sharefarm đang áp dụng mô hình khép kín Farm to Table giúp đảm bảo thực phẩm sạch, an toàn và tươi mới.
“Các bạn cứ đi làm việc, bếp núc có Sharefarm lo” – ông Hùng nhấn mạnh.
Trao đổi với Báo Diễn đàn Doanh nghiệp, ông Lương Văn Hùng cho biết, điểm nổi bật của nông trại chia sẻ ShareFarm nằm ở mô hình Farm to Table. Đây là mô hình khép kín của ShareFarm nên không có thời gian lưu kho, lưu bãi qua các đơn vị trung gian nên chất lượng là tốt nhất và đảm bảo yếu tố minh bạch làm niềm tin.
Đảm bảo an toàn và minh bạch
“Sharefarm nhận được những phản hồi tích cực đầu tiên của khách hàng về giá thành và chất lượng sản phẩm. Với sản phẩm của Sharefarm, khách hàng không phải qua khâu trung gian, liên quan đến bảo quản, sơ chế, tái sơ chế, khi khách hàng đặt sản phẩm, ngay lập tức Sharefarm đưa đến cho khách hàng chất lượng thực phẩm ở mức cao nhất so với mua ở cửa hàng, ở siêu thị”, ông Hùng cho biết.
Hiện tại, Sharefarm có khoảng 60 – 70 mã sản phẩm khác nhau để phục vụ khách hàng, với các nhóm sản phẩm thực phẩm: Thịt bò, lợn, thịt gà, cá, trứng, các sản phẩm rau theo mùa và có các sản phẩm chế biến…
Bên cạnh đó, với mô hình kinh tế chia sẻ, ShareFarm không có một ông chủ. Mỗi một thành viên tham gia thông qua vốn đóng góp họ sẽ sở hữu chung toàn bộ hệ thống qua cơ chế cổ phần, trở thành cổ đông của ShareFarm.
Và với cơ chế này, mọi cổ đông đều nhận được cam kết của ShareFarm về chất lượng sản phẩm. “Cổ đông nhận được cam kết của ban lãnh đạo công ty chịu trách nhiệm thực phẩm đảm bảo thường xuyên liên tục theo cam kết với các cổ đông tham gia” – ông Lương Văn Hùng nhấn mạnh.
Cũng theo chia sẻ của Tổng giám đốc Lương Văn Hùng, sẽ có sự khác biệt giữa giá bán cho khách hàng bên ngoài và cho các cổ đông của ShareFarm.
“Sharefarm là mô hình cung cấp thực phẩm hữu cơ tạo nền tảng cho du lịch trải nghiệm do vậy những khách hàng mà mua sản phẩm sẽ phải trả tiền cao hơn những cổ đông. Nhưng với những người thuộc hệ thống Sharefarm sẽ được hưởng giá gốc, minh bạch tất cả các yếu tố và đặc biệt họ đến với tư cách là người chủ, hưởng mọi dịch vụ cũng như hệ sinh thái mà Sharefarm cung cấp” – ông Hùng cho biết.
Tuy mới đi vào hoạt động từ đầu năm 2018, nhưng Sharefarm có gần 100 cổ đông đang tương tác, sử dụng sản phẩm và cùng anh Hùng quản trị, hoàn thiện quy trình. Bên cạnh đó, có gần 100 khách hàng mua sản phẩm của Sharefarm nằm trong gói trả trước 3 tháng, 6 tháng, 1 năm… Thực phẩm của Sharefarm ship đến tận nhà cho các khách hàng tuần 2 lần, định kỳ theo nhu cầu.
Rào cản về chính sách
Chia sẻ về những khó khăn của doanh nghiệp khi triển khai mô hình nông trại chia sẻ ShareFarm, ông Lương Văn Hùng cho biết. Hiện nhu cầu từ thị trường rất lớn, ngoài các thành phố lớn, ở các tỉnh hiện cũng có nhu cầu áp dụng mô hình du lịch trải nghiệm kết hợp cung cấp thực phẩm sạch, nên mô hình như ShareFarm rất có tiềm năng nhân rộng ra cả nước.
Chúng tôi đang định hướng mở rộng nhưng đang vướng một số rào cản chủ yếu là hành lang pháp lý của nước ta chưa đồng bộ” – ông Hùng cho biết.
Hiện chính sách chưa đồng bộ về đất đai, quy hoạch nông nghiệp đang là rào cản cho dự án. ShareFarm đang nhận được sự giúp đỡ và ủng hộ rất nhiệt tình của cơ quan chính quyền địa phương, kể cả cộng đồng dân cư. Đến nay ShareFarm là dự án duy nhất ở địa phương chưa nhận bất cứ khiếu nại nào từ người dân về đất đai, môi trường.
“Nhưng chúng tôi vẫn đang gặp phải rào cản pháp lý đòi hỏi người đứng đầu có đủ tầm để giải quyết. Ví dụ gặp cơ quan quản lý nhà nước về đất đai lại không thống nhất về dự án phát triển kinh tế nông nghiệp nông thôn. Chính sách chưa đồng bộ đang là rào cản cho phát triển dự án” – ông Lương Văn Hùng cho hay.
ShareFarm mong muốn sau khi có được chính sách thống nhất về phát triển, với mô hình du lịch trải nghiệm kết hợp cung cấp thực phẩm sạch như “Farm to table” thì như TP Hà Nội sẽ cần đến 500 đến 1000 nông trại để cung ứng đủ cho nội thành chứ chưa nói đến mở rộng ra các tỉnh.
DĐDN