Nói sao cho người khác nghe lời, đó không chỉ là phạm trù kỹ xảo, kỹ năng, mà còn là vấn đề ở tầng sâu hơn…
Trong gia đình, công việc cũng như đời sống xã hội, đôi khi chúng ta muốn thuyết phục người khác làm theo ý mình, hoặc khuyên nhủ người khác làm điều đúng đắn, nhưng đối phương lại không thuận theo. Con không nghe lời cha mẹ, cấp dưới không nghe lời cấp trên… Vậy phải làm thế nào?…
Giám đốc Nhật mới nhậm chức vực dậy công ty con đang bên bờ phá sản
Trong cuốn sách “Nhà lãnh đạo thành công”, tác giả Komiya Kazuyoshi kể về một doanh nghiệp vừa và nhỏ sắp phải đóng cửa, được một công ty lớn trong ngành sản xuất của Nhật Bản mua lại, đồng nghĩa với việc cứu 50 nhân viên của công ty nhỏ này. Nhân vật chính là Yamamura được công ty mẹ phái đến công ty con vừa mới mua này làm giám đốc hành chính. Anh nhận trọng trách trong vòng ba năm phải đưa công ty thoát khỏi tình trạng kinh doanh thua lỗ, trở thành kinh doanh có lãi. Năm đầu tiên công ty phải đạt được mục tiêu giảm lỗ một nửa, nếu không sẽ không thể xoay chuyển tình thế, sẽ không thể thực sự cứu sống công ty này. Vì thế, áp lực đặt lên vai Yamamura rất nặng nề.
Khi rời công ty mẹ chuyển tới công ty con này, ngày đầu tiên đi làm, Yamamura đã cảm nhận rõ văn hóa làm việc của công ty vô cùng tệ hại, khiến anh cảm thấy chán ghét, từ đối nhân xử thế cho đến tinh thần, sức lực của các nhân viên đều không bằng công ty mẹ. Nhưng những điều này vẫn không khiến anh bận tâm, nhiệm vụ quan trọng nhất của anh chính là làm sao trong vòng một năm giúp công ty giảm lỗ một nửa. Vì thế, đầu tiên phải tiến hành cải cách các bộ phận, cơ cấu lại nhân sự giống như công ty mẹ, tinh giản từ năm bộ phận thành ba bộ phận. Để công ty con có thể tiếp nhận trợ giúp và chi viện của công ty mẹ thì các bộ phận nghiệp vụ cũng phải thống nhất với nhau, nếu không sẽ không thể cải thiện được tình trạng thua lỗ hiện tại. Đây là nhiệm vụ cấp bách, là kế hoạch đã được định ra ban đầu khi công ty mẹ mua lại công ty này, không thể còn đường nào khác.
Vốn tưởng rằng mọi việc sẽ thuận lợi, nhưng không ngờ khi anh tổ chức cuộc họp với năm trưởng bộ phận và nói rõ phải tinh giản cơ cấu nhân sự của năm bộ phận thành ba bộ phận thì không có trưởng bộ phận nào đồng ý, tất cả đều viện những lý do tiêu cực để chống lại, không có ai nghe theo và phối hợp với anh. Điều này khiến anh rất bất ngờ, vốn đã không có ấn tượng tốt với văn hóa làm việc của công ty, lại thêm cảm giác oán trách rằng công ty mẹ dù sao đã giúp đỡ họ, sao họ lại không biết cảm ơn, còn chống đối lại như vậy. Trong lòng anh rất không vui, cảm thấy những người này tố chất quá kém, mấy lần anh đã nghĩ hay mình cứ ra mệnh lệnh, không cần hỏi ý kiến họ nữa.
Yamamura gặp cấp trên của công ty mẹ để chia sẻ nỗi khổ tâm. Không ngờ, điều đầu tiên cấp trên trách cứ anh không phải là nhân viên công ty con không phối hợp, mà là đánh giá trang phục của Yamamura, ông nói rằng cách ăn mặc sang trọng như thế này không phù hợp với phong cách mộc mạc của công ty con, như thế bằng như nói với họ: tôi đến từ công ty mẹ danh giá, là cấp trên của các vị, đến để chỉ đạo các vị, một thái độ kiêu ngạo, trịch thượng như vậy làm sao có thể hòa hợp với mọi người được.
Lời giáo huấn của cấp trên khiến cho Yamamura bỗng nhiên bừng tỉnh, anh đã không đứng trên lập trường của công ty con để suy xét vấn đề, không thấy được sự bất an của họ. Họ sợ bị sa thải, những trưởng bộ phận lâu năm này tuổi tác đã cao, còn có người nhà phải chăm lo, nếu mình không thể mở nút thắt trong lòng họ thì sao họ có thể tích cực phối hợp và nghe lời được? Thế là Yamamura tìm được vấn đề căn bản là bản thân mình không đủ chín chắn, không biết làm lãnh đạo, không hiểu được cảm nghĩ của họ.
Rất nhanh chóng, Yamamura đổi sang những bộ quần áo giản dị hơn, giống với mọi người, xóa bỏ thái độ ưu việt ngạo mạn cao cao tại thượng, sau đó, suy nghĩ cho cấp dưới, để cho mỗi một trưởng bộ phận đều có thể thoải mái phát biểu ý kiến, hiểu được khúc mắc về hoàn cảnh thực tế và sự lo lắng của họ, nói chuyện riêng với từng người, cùng họ đến những quán ăn ngoài công ty thong thả nói chuyện, kiên nhẫn hỏi thăm. Hỏi về những chuyện gia đình, chuyện con cái, thể hiện sự quan tâm, bắt đầu từ trưởng bộ phận lớn tuổi nhất.
Rất nhanh chóng, các trưởng bộ phận cũng phát hiện Yamamura sống rất có tình người, biết quan tâm đến cuộc sống của họ và những khó khăn trong việc chăm sóc gia đình, vợ con của họ, tự nhiên họ liền thay đổi thái độ, xóa bỏ tâm lý đề phòng, họ đã cởi mở nói ra nỗi lo mất việc của mình, và cũng vô cùng cảm kích trước sự giúp đỡ của công ty mẹ. Cả hai bên bắt đầu chân thành đối đãi với nhau, mở rộng lòng với nhau.
Yamamura cũng giải thích tỉ mỉ lý do tại sao anh muốn điều chỉnh các bộ phận: để có được sự trợ giúp của công ty mẹ, nâng cao hiệu suất, giảm tình trạng lỗ vốn, điều chỉnh bộ phận là một bước cần thiết phải tiến hành, cũng chỉ có làm như vậy mới có thể thực sự tránh được hậu quả sa thải nhân viên. Anh nói rõ việc sắp xếp lại các bộ phận không phải vì để cắt giảm nhân viên, chỉ là muốn việc kinh doanh của công ty ngày càng tốt hơn, anh sẽ không cắt giảm nhân viên. Ngược lại, nếu không nhanh chóng tiến hành điều chỉnh, công ty mẹ sẽ không thể trợ giúp được, rất nhiều công việc kinh doanh sẽ không thể giao cho công ty con, cuối cùng thực sự sẽ không thể khiến cho việc kinh doanh tốt lên, lúc đó dù không muốn cắt giảm nhân viên cũng đành phải nghĩ đến biện pháp cắt giảm nhân viên vậy. Vì thế, anh hy vọng họ quay về thuyết phục các nhân viên cấp dưới để mọi người tích cực phối hợp, cùng đồng tâm hiệp lực vượt qua khó khăn này.
Các trưởng bộ phận đều nhanh chóng thay đổi suy nghĩ chống đối, chủ động phối hợp, thuyết phục cấp dưới, không cần mệnh lệnh cưỡng chế, vấn đề khó khăn này cuối cùng được giải quyết hoàn toàn, thành công ở bước đi đầu tiên. Qua sự việc này Yamamura cũng bắt đầu thực sự được công ty con thừa nhận, giờ đây anh mới thực sự trở thành cấp trên của họ.
Cầm quyền phải coi trọng Đức, lấy mình làm gương
Sau khi kể lại câu chuyện nói trên, tác giả Lưu Như trong loạt bài “Đàm luận về Trinh Quán Chính Yếu” nhận định rằng: “Khổng Tử nói: “Kỳ thân chính, bất lệnh nhi hành; kỳ thân bất chính, tuy lệnh bất tòng” (Bản thân chính đáng, dù không ra lệnh người dưới vẫn chấp hành; Bản thân thiếu ngay thẳng, tuy ra mệnh lệnh người dưới cũng chẳng thi hành) (trích Luận ngữ – Chương Tử Lộ) chính là ý nghĩa đó. Lãnh đạo công ty muốn nhân viên tình nguyện phục tùng, tất phải nhân ái, bản thân phải ngay chính, hiểu được chức trách của mình là chăm lo tốt cho cuộc sống của họ, dùng đức để cảm hóa họ, dùng lý lẽ đúng đắn, hành động thiện để hướng dẫn, dạy dỗ họ, trở thành tấm gương của công ty, như vậy nhân viên tự nhiên sẽ vui vẻ nghe và làm theo”.
Có thể thấy câu: “Vi chính dĩ đức – cầm quyền phải coi trọng đức” mà Khổng Tử giảng có thể ứng dụng trong bất cứ thời đại nào, cốt lõi của đế vương học chính là bốn chữ này, cốt lõi của giáo dục cũng là một chữ “Đức” này. Mấy nghìn năm qua, giáo dục chính thống của chúng ta là giáo dục cách làm người, trong gia đình cha mẹ phải có lời nói và việc làm mẫu mực, nuôi mà không dạy con cái là lỗi của cha mẹ. Lời nói cử chỉ của cha mẹ chính là hình mẫu cho con cái, bản thân cha mẹ mà ngay chính thì gia đình yên ấm, con cái hiếu thảo; đế vương là quốc phụ, thần dân là con, đế vương đối đãi với thần dân phải yêu dân như con, lấy mình làm gương, cũng cần phải giữ lời nói và việc làm đều mẫu mực, nhân ái, từ bi mà nghiêm khắc. Như thế tự nhiên trên nói dưới sẽ nghe theo”.
Một người phụ nữ hiện đại từng chia sẻ trải nghiệm thực tế của cô như sau: “Thấy con phàn nàn về sự chểnh mảng học tập của các cháu, mẹ bảo: “Con giục các cháu đi học bài, mà vợ chồng con cứ ngồi xem ti vi. Con chê các cháu lười học tiếng Anh mà bản thân con cũng không biết ngoại ngữ thì dạy bảo chúng nó thế nào!”. Ngẫm kỹ lời mẹ nói, con đã quyết định đi học lớp tiếng Anh buổi tối cùng cháu. Tối về, mẹ con trao đổi bài rôm rả. Đúng như mẹ nói, khi thấy cả bố và mẹ đều miệt mài làm việc, các cháu cũng tự động lấy sách ra làm bài. Đến nay chúng con rất yên tâm về việc học hành của các cháu. Sao có mỗi bài học đơn giản rằng muốn con chăm thì mẹ phải siêng; muốn con hiền thì mẹ phải thảo mà con không nhớ, phải để mẹ nhắc nhở!”
Quả là như vậy, giáo dục tốt nhất không gì bằng lấy mình làm gương, hay còn gọi là “thân giáo”.
Trong kinh điển giáo dục truyền thống “Đệ Tử Quy” có đoạn:
“Với người dưới, thân đoan chính
Tuy đoan chính, lòng độ lượng
Thế phục người, tâm không phục,
Lý phục người, tâm mới phục”…
Mấy câu trên quả là đã khái quát đạo lý tu thân xử thế của người trên đối với người dưới vậy!
Là bề trên muốn người dưới vâng lời thì cần nhân ái, lấy mình làm gương, thế còn là người dưới muốn khuyên nhủ bề trên thì làm thế nào?
Tú Trinh khuyên mẹ cứu em gái
Vào thời nhà Minh, mẹ của Dương Tú Trinh sinh liền 3 người con gái, không có con trai. Sinh người con thứ 4 cũng vẫn là gái. Bà tức giận lắm, muốn dìm chết đứa trẻ sơ sinh.
Khi đó Dương Tú Trinh 13 tuổi, cô vội vàng chạy đến ôm lấy em gái rồi quỳ xuống cầu xin mẹ: “Mẹ à, vì con trai mà sát hại con gái thì càng không thể có được con trai đâu. Nếu mẹ phiền não vì phải lo của hồi môn sau này thì hãy lấy con làm của hồi môn cho em gái này”.
Bà nội chửi cô không hiểu sự đời, Tú Trinh quỳ xuống thưa với bà nội rằng: “Bà nội ngày ngày niệm Phật, bây giờ thấy người sắp chết mà không cứu thì niệm Phật để làm gì?”.
Bà nội cảm động và đã minh bạch ra, thế là giữ bé gái sơ sinh lại nuôi. Hai năm sau, mẹ Tú Trinh quả nhiên đã sinh được một bé trai.
Khi mẹ sinh em trai, cha Tú Trinh mộng thấy ông nội nói với cha rằng: “Nếu đứa con gái thứ 4 mà không giữ lại thì đứa con trai này nhất định không thể nào sinh được”.
Chính vì những lời Tú Trinh năm xưa quỳ xuống cầu xin khuyên can, lòng chí hiếu đã cảm động đến Thượng Thiên nên nhà họ Dương mới có được người nối dõi.
Trên đây là điển tích nổi tiếng được trích dẫn trong cuốn sách “Đệ Tử Quy”, mấy câu để minh hoạ cho đoạn kinh văn là:
“Cha mẹ lỗi, khuyên thay đổi
Mặt ta vui, lời ta dịu
Khuyên không nghe, vui can tiếp
Dùng khóc khuyên, đánh không giận”.
Vậy đó, khi chúng ta muốn khuyên cha mẹ, can gián bậc bề trên, thì chẳng những cần có biểu hiện vui vẻ, dịu dàng, lựa lúc cha mẹ tâm trạng tốt mà khuyên, mà đôi khi còn phải dùng tiếng khóc chân thành để động lòng cha mẹ.
Thay cho lời kết…
Các câu chuyện trên đây dù diễn ra ở thời đại nào, trong quan hệ nào, thì đạo lý đằng sau cũng đều như nhau. Nếu muốn khuyên nhủ, thuyết phục người khác, thì trước tiên cần tu sửa bản thân, giữ cho mình ngay chính, hành vi mẫu mực, có Đạo Đức. Sau đó, dùng thái độ khiêm tốn, chân thành để giảng giải đạo lý cho người ta, nhẫn nại lắng nghe và thấu hiểu đối phương; không trịch thượng, áp đặt; thì người ấy sẽ dễ dàng tiếp nhận. Nếu một người thật lòng muốn tốt cho người khác, không mang bất cứ mục đích tự tư tự lợi nào, thì lời nói ra sẽ cảm động tấm lòng người khác.
Ngoài ra, trong tình huống người bề dưới khuyên nhủ người bề trên, thái độ cần phải đặc biệt kính trọng. Thiếu đi một phần kính trọng, thì những điều ta nói dù có đúng đắn đến đâu, cũng sẽ khó được người bề trên tiếp nhận.
Sinh thời, đức Khổng Tử cũng từng giảng rằng: “Quân tử lấy ngôn ngữ mà giáo hóa người, và lấy hành động của mình làm gương để ngăn cấm người. Vì vậy ngôn ngữ phải suy nghĩ kỹ trước sau, hành động phải xét kỹ những chỗ sai sót, như vậy ắt dân sẽ cẩn trọng ở ngôn ngữ và nghiêm túc ở hành động”.
Dĩ nhiên, trong thực tế đời sống có những tình huống phức tạp, nan giải, khó có thể áp dụng rập khuôn một lý thuyết nào, khi ấy chúng ta có thể nhớ tới một câu cổ huấn, rằng: “Cảnh tùy tâm chuyển”. Rất nhiều khi, vấn đề xuất hiện ở người khác lại chính là tấm gương soi giúp bản thân mỗi chúng ta nhận ra thiếu sót của chính mình. Khi ta biết hướng vào nội tâm mình, xem xem bản thân có chỗ nào chưa đúng và tu sửa nó, thì vấn đề bên ngoài cũng tự dưng được giải quyết.
Theo FVN News/ Tác giả: Thuỳ Linh