Đối với nhân viên, điều họ sợ nhất là đi theo nhầm người lãnh đạo. Một người sếp “tệ” không chỉ làm giảm nhiệt huyết của nhân viên mà còn tiềm ẩn những rủi ro cho sự phát triển lâu dài của công ty. Vậy, theo bạn kiểu sếp nào là “tệ” nhất?
Theo kinh nghiệm của tôi, 3 kiểu sếp sau đây thường bị nhiều nhân viên ghét nhất và cũng có “lượt bình chọn” là sếp tệ nhiều nhất.
- Sếp thiếu quyết đoán
Có nhiều lý do gây nên sự thiếu quyết đoán ở các sếp. Một số sếp có thể là người cầu toàn và chỉ đưa ra quyết định sau khi đã nắm rõ tất cả dữ liệu; cũng có một số người thật sự không có năng lực đưa ra quyết định; nhưng đa phần còn lại đều là những người thích an phận.
Nhưng cho dù là lý do gì thì những người sếp như vậy cũng không được lòng nhân viên. Vì chúng ta có thể sửa chữa một quyết định sai lầm, nhưng chúng ta không thể nào xóa nhòa hậu quả do việc thiếu quyết đoán gây ra.
Thay vì chờ đợi sự chủ động từ một người sếp thiếu quyết đoán, chi bằng chúng ta hãy là người ra tay giải quyết nhược điểm này. Sau đây là một số cách hữu hiệu:
Đầu tiên, hãy để những người sếp thiếu quyết đoán xác định vấn đề thay vì yêu cầu họ tìm kiếm một giải pháp hay ra một quyết định. Einstein từng nói: “Nếu tôi có một tuần để giải quyết một vấn đề tưởng chừng như không thể, tôi sẽ dành sáu ngày để xác định nó. Và cứ thế, giải pháp sẽ ngày một hiện rõ hơn.”
Một cách giúp chúng ta tiến gần hơn đến một quyết định đó là hãy đặt thật nhiều câu hỏi. Những câu hỏi này sẽ mở ra những con đường thông tin mới và giúp ta đưa ra quyết định dễ dàng hơn cho cấp trên của mình.
Thứ 2, hành trình vạn dặm, bắt đầu từ một bước chân. Các quyết định lớn có thể được chia ra thành một loạt các quyết định nhỏ hơn. Nhà tâm lý học Gary Klein đã nghiên cứu phương pháp ra quyết định của lính cứu hỏa và nhân viên y tế. Nhóm người này đặc biệt thường không có nhiều thời gian để cân nhắc đầy đủ những ưu và khuyết điểm trước khi hành động. Và kết luận của ông là: “Họ thử từng khả năng một cho đến khi tìm ra giải pháp hiệu quả. Họ trao dồi khả năng ra quyết định của mình thông qua việc học các kiến thức chuyên môn. Vì vậy lựa chọn đầu tiên của họ không hề là ngẫu nhiên, mà là lựa chọn có nhiều khả năng thành công nhất.”
Cho nên, hãy để sếp của bạn đưa ra các quyết định nhỏ trước khi tiến đến một giải pháp lớn hơn.
Cuối cùng là xây dựng lòng tin. Các sếp thiếu quyết đoán thường tìm kiếm những đồng nghiệp mà họ tin tưởng để nói chuyện và tham khảo ý kiến trước khi đưa ra quyết định. Vì vậy, hãy trở thành người mà sếp tin tưởng để bạn có thể giúp họ đưa ra quyết định nhanh chóng.
- Sếp thiếu cảm giác an toàn
Các sếp nên học cách động viên nhân viên chứ không phải là cạnh tranh với họ. Tuy nhiên, cũng có nhiều sếp đã ngăn cản những nhân viên tài năng và những ý tưởng tốt chỉ vì sự bất an của mình. Và sau đây là cách đối phó với một người sếp thiếu cảm giác an toàn:
Đầu tiên, hiểu nguyên nhân gốc rễ. Hãy lùi lại và nhìn vào bức tranh lớn. Nhiều yếu tố chẳng hạn như các mục tiêu cuối năm hoặc các dự án chưa hoàn thành, có thể là nguồn gây lo lắng cho các sếp. Vì lẽ đó, sẽ tốt hơn khi bạn chọn tìm hiểu họ thay vì ghét bỏ hay cạnh tranh với họ.
Thứ hai, hãy cởi mở và minh bạch hơn. Những người sếp nghi ngờ bản thân thường sợ hãi những điều chưa biết và có xu hướng suy nghĩ lung tung. Thuốc giải duy nhất cho căn bệnh này là niềm tin. Và niềm tin thì được xây dựng dựa trên sự cởi mở và minh bạch. Bạn cần chia sẻ càng nhiều thông tin càng tốt, cho dù có mất bao nhiêu thời gian và công sức.
Tôi từng quen biết một người sếp thiếu cảm giác an toàn giống như vậy. Người đó thường xuyên phàn nàn về một nhân viên làm việc rất hiệu quả của mình, chỉ vì anh ta nghi ngờ rằng nhân viên đó đang gièm pha anh ấy trước mặt lãnh đạo cấp cao. Nhưng sau một thời gian, tôi không còn nghe anh ta phàn nàn về nhân viên đó nữa. Khi đó tôi thắc mắc và tìm đến nhân viên kia để hỏi chuyện gì đã xảy ra. Cô ấy nói với tôi rằng cô ấy đã tìm ra cách để trấn an sếp của mình: hàng tháng, cô ấy sẽ gửi cho sếp hóa đơn điện thoại di động, trong đó bao gồm tất cả các cuộc gọi của cô ấy. Điều đó chứng minh rằng cô ấy không hề tọc mạch với lãnh đạo cấp cao về sếp. Từ đó hóa giải một hiểu lầm khiến mối quan hệ giữa hai người trở nên căng thẳng.
Cuối cùng là khen ngợi những ưu điểm của sếp. Thiếu an toàn thường là biểu hiện của sự thiếu tự tin, vì vậy với tư cách là cấp dưới, bạn phải chú ý đến những ưu điểm của sếp nhiều hơn. Cốt là để giúp sếp của bạn tập trung vào việc phát huy điểm mạnh của anh ấy (hoặc cô ấy) hơn thay vì cứ liên tục cảm thấy mình bị đe dọa bởi những điểm yếu.2
- Sếp tự nhận bản thân cái gì cũng biết
Một số sếp nghĩ rằng họ biết tất cả. Họ nghĩ rằng họ là những người thông minh nhất, cảm thấy như họ là những người duy nhất có khả năng thành công. Họ cũng cho rằng nếu không có họ, mọi thứ sẽ sụp đổ. Những người sếp như vậy không phải ai cũng đều tệ, nhưng điều mà nhân viên muốn vẫn luôn là sự tin tưởng, lắng nghe và hòa nhập. Nếu tình trạng độc đoán này cứ tiếp diễn thì có thần tiên cũng không chịu nổi. Với những sếp như vậy, bạn có thể đối phó bằng những cách sau:
Đầu tiên, hãy để sếp tự khám phá ra ý tưởng của bạn. Nếu bạn trình bày ý tưởng của mình như một giải pháp, một người sếp có cái tôi cao sẽ thách thức quan điểm của bạn và tranh luận với bạn bằng mọi giá. Nhưng ngược lại, nếu bạn để họ tự mình khám phá ra những ý tưởng hay từ bạn, thì họ sẽ hứng thú hơn.
Bạn có thể giả vờ rằng bản thân còn chưa chắc chắn về ý tưởng này, có lẽ nó còn nhiều thiếu sót. Khi đó, vì muốn thể hiện tầm hiểu biết của mình, họ sẽ phản biện lại và công nhận ý tưởng của bạn. Hãy cứ để họ là người đội vinh quang đó lên đầu, như thể chính họ đã khám phá ra được một ý tưởng tuyệt vời.
Thứ hai, để sếp trải nghiệm tình huống thực tế. Tôi nhớ cách đây vài năm, giám đốc kinh doanh của HCL Technologies tại Pháp tin rằng công ty nên đầu tư gấp đôi vào thị trường Pháp. Anh ấy đã cố gắng hết sức để trình bày quan điểm của mình với sếp nhưng sếp phớt lờ nên cuối cùng anh ấy đành miễn cưỡng từ chức.
Biết được tình hình, vị giám đốc mới đã khôn ngoan mời sếp của mình sang Pháp để giúp ông triển khai công việc. Khi người sếp đó đến Paris, ông phát hiện lịch trình của mình đã kín mít trong ba ngày. Sau khi đến thăm các công ty và nói chuyện với các giám đốc điều hành, ông ấy đã trực tiếp trải nghiệm những cơ hội tiềm năng tại thị trường Pháp. Mặc dù vị giám đốc kinh doanh mới này không đưa ra bất kỳ yêu cầu gì với sếp, nhưng cuối cùng, người sếp đó đã chủ động kéo dài chuyến công tác ở Pháp, bắt đầu soạn thảo kế hoạch đầu tư vào thị trường Pháp.
Nhiều người trong chúng ta có thể cảm thấy rằng sửa chữa những sai sót của sếp vốn không phải là nhiệm vụ của chúng ta, mà đó là nhiệm vụ của các cấp lãnh đạo cao hơn. Nhưng trên thực tế, bạn chỉ có hai lựa chọn: đợi lãnh đạo cấp cao sửa chữa hoặc tự mình tìm giải pháp. Nếu bạn tự mình giải quyết vấn đề, dù chỉ là những phương pháp nhỏ nhất thì cũng đã giúp ít rất nhiều cho sếp và chính bản thân mình rồi.
Trần Anh–Theo Phụ nữ Việt Nam