Với hơn 20 năm kinh nghiệm trồng dứa, ông Hà Văn Tươi (59 tuổi, tổ 2, phường Tây Sơn, thành phố Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình) lúc nào cũng được mùa. Ông Tươi tiết lộ bí mật trong nghề trồng dứa đẹp như trong phim, năng suất đạt gần 50 tấn/ha chỉ nhờ bí kíp rất giản đơn.
Năng suất dứa “khủng” đạt gần 50 tấn/ha
Gia đình ông Hà Văn Tươi (tổ 2, phường Tây Sơn, thành phố Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình) hiện tại có 4 ha đất trồng dứa (khóm), mỗi năm quay vòng cũng thu lời 200 triệu đồng/ha. Việc ông Tươi dùng mùn mía để bón cho cây dứa xanh tốt, quả to đều ai đi qua ruộng cũng tấm tắc khen ngợi.
Ông Hà Văn Tươi bật mí cách trồng dứa với phóng viên Báo điện tử DANVIET.VN như sau: “Cây dứa trồng được trên nhiều chất đất, là cây có thể chịu hạn, đất trũng phèn,…chi phí đầu tư ban đầu thấp, ít tốn công chăm sóc. Như gia đình tôi trồng dứa một năm thu lời cũng 200 triệu đồng/ha”.
“Để cây dứa đạt năng suất gần 50 tấn/ha, tôi thường đi mua, gom mùn mía (cây mía sau khi đã ép lấy mật, đường) từ Thanh Hóa. Tôi về trộn với phân hữu cơ bón cho cây dứa. Chính mùn mía sẽ tạo cho đất trồng dứa tơi xốp, lá dứa xanh tốt, quả to đều…”, ông Hà Văn Tươi chia sẻ thêm.
Nói đến việc gia đình ông Tươi trồng 4 ha dứa nhưng tổng lời 200 triệu đồng/năm, nhiều người thắc mắc. Thông thường cây dứa từ lúc trồng đến lúc thu hoạch, nếu đất tốt khoảng 15-18 tháng. Sau khi thu hoạch dứa phải cày đất xốp lên và để “đất nghỉ” thời gian 6 tháng mới trồng vụ dứa mới.
Ông Tươi lưu ý, khi làm đất để trồng dứa cho vụ tiếp theo, thường khối lượng thân lá dứa tương đối lớn, từ 100-200 tấn/ha, lại có nhiều xơ nên phải dùng dao băm thành từng đoạn nhỏ rải xuống ruộng để làm phân.
Kỹ thuật chăm sóc cây dứa
Dứa được ông Tươi trồng cách nhau 30 cm, mật độ khoảng 55.000 cây/ha. Trên mặt đất, gia đình ông Tươi sử dụng che phủ nilon nhằm hạn chế được cỏ dại, sâu bệnh tự nhiên, giảm chi phí thuốc bảo vệ thực vật, đồng thời, tăng hiệu quả sử dụng phân bón, giữ độ ẩm và giảm xói mòn đất.
Việc phủ màng nilon lên mặt đất sau khi đã bón phân cho cây dứa giúp gia đình ông Tươi tiết kiệm chi phí thuê người làm cỏ. Ngoài ra, để tăng năng suất quả dứa phải tiến hành tỉa chồi, nhất là với các giống dứa nhóm Queen (nhóm dứa hoàng hậu) và dứa Tây Ban Nha (Spanish) thường ra nhiều chồi, tranh chấp dinh dưỡng của quả. Chồi cần tỉa bỏ trước hết là chồi ngọn và chồi cuống vì những chồi này không dùng làm giống được.
Cũng theo ông Hà Văn Tươi, việc tỉa chồi cuống tương đối đơn giản, chỉ cần dùng tay hoặc dao tách nhẹ ra khỏi cuống từ phía trên xuống. Và tiếp theo bón phân lót cho dứa khi trồng vụ đầu hoặc sau mỗi vụ thu hoạch là rất cần thiết, có tính chất quyết định đến sự sinh trưởng và năng suất cây.
Phân dùng bón lót cho cây dứa, ông Tươi thường dùng chủ yếu là phân hữu cơ (phân chuồng, phân vi sinh, phân rác, phân xanh, phân lân và vôi). Lượng phân hữu cơ bón là từ 10-15 tấn/ha.
Chưa một lần phải “giải cứu” dứa
Với 20 năm kinh nghiệm trồng dứa ở nơi được cho là “thủ phủ” dứa lớn nhất ở tỉnh Ninh Bình, gia đình ông Hà Văn Tươi chưa một lần phải nhờ đến phao cứu sinh “giải cứu” dứa, năm nào gia đình ông Tươi trồng dứa cũng năng suất, bán được giá.
Hiện tại, ông Tươi đang trồng dứa trên đất nông trường Đồng Giao (thành phố Tam Điệp), theo hợp đồng ký kết với Công ty Cổ phần Thực phẩm Xuất khẩu Đồng Giao, 1 ha dứa bán cho công ty 18-20 tấn, với đơn giá 4.200 đồng/kg.
Ông Hà Văn Tươi cho biết: “Vì chúng tôi trồng dứa trên đất nông trường nên đã thống nhất giá bán, mua như thế. Số dứa còn được bán cho các thương lái đến tận vườn mua trực tiếp mua dao động khá cao từ 7.500-10.000 đồng/kg”.
Bình quân, chi phí đầu tư 1 ha dứa trồng mới như: Mua giống, phủ nilon trên mặt đất, xử lý quả…khoảng 150-200 triệu đồng. Trừ mọi chi phí gia đình ông Tươi lời khoảng 200 triệu đồng trên tổng diện tích 4 ha dứa.
Năm 2015, dứa Đồng Giao được Cục Sở hữu trí tuệ cấp chứng nhận bảo hộ chỉ dẫn địa lý và lọt vào danh sách 50 thứ quả đặc sản nổi tiếng của Việt Nam. Cùng với cá rô Tổng Trường, thịt dê, cơm cháy, quả dứa Đồng Giao trở thành một trong những đặc sản của vùng đất Ninh Bình. Các sản phẩm dứa Đồng Giao chế biến hiện nay không chỉ cung cấp cho thị trường trong nước mà còn xuất khẩu đi EU, Nhật, Hàn Quốc, Mỹ, góp phần nâng cao vị thế cho nông sản Việt Nam trên trường quốc tế.
DV