Trung Quốc đã phóng nhiều tên lửa nhất trong 3 năm qua. Vào năm 2020, nước này đã thực hiện 39 lần phóng lên quỹ đạo trong khi Mỹ thực hiện 36 lần và Nga thực hiện 16 lần.
Những mảnh vỡ chết người ngoài vũ trụ
Ít ai lại nghĩ rằng sân nhà họ lại có rác rơi xuống từ vũ trụ, kể cả sau khi một số bộ phận của một trong những tên lửa lớn nhất thế giới rơi gần Maldives vào tháng này và từ một tên lửa khác rơi xuống Bờ Biển Ngà năm ngoái.
Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo rằng không phải lúc nào cũng sẽ may mắn như vậy. Các mảnh vỡ từ tên lửa Trường Chinh 5B của Trung Quốc đã lao xuống Ấn Độ Dương vào ngày 9/5, nhưng nó có thể ở bất cứ nơi nào trong khu vực giữa 41.5 độ Bắc và Nam của đường xích đạo, theo như quỹ đạo của tên lửa được phóng vào ngày 29/4 với mục đích phát triển trạm vũ trụ thường trực đầu tiên của Trung Quốc.
Trung Quốc đã phóng nhiều tên lửa nhất trong 3 năm qua. Vào năm 2020, nước này đã thực hiện 39 lần phóng lên quỹ đạo trong khi Mỹ thực hiện 36 lần và Nga thực hiện 16 lần, theo Gunter’s Space Page. Các vụ phóng tên lửa được kết hợp từ tất cả các quốc gia khiến nhiều người lo ngại.
Nobu Okada, Giám đốc điều hành của Astroscale (Nhật Bản) cho biết: “Những lời kêu gọi dự kiến sẽ tăng tới trên phạm vi quốc tế về việc phóng tên lửa không điều khiển vào khí quyển trái đất.”
Astroscale – chuyên loại bỏ rác không gian quay quanh trái đất – lo lắng về việc các mảnh vỡ gây hại cho vệ tinh và phi hành gia ngày càng gia tăng. Vấn đề thực sự được đưa ra ánh sáng sau khi Trung Quốc nhận được sự phản đối kịch liệt trên toàn thế giới vào năm 2007 do phá hủy một trong những vệ tinh của chính nước này bằng tên lửa, làm tăng thêm nhiều mảnh vỡ chết người, khiến tổng số mảnh vỡ của những vệ tinh đang bay quanh trái đất tăng lên 17%.
Sự xuất hiện trở lại của Trường Chinh 5B đã khiến Trung Quốc được chú ý tới một lần nữa, nhưng bây giờ là sự chú ý liên quan đến vấn đề xử lý an toàn các tên lửa lớn.
Cập nhật công ước
Đối với một số người, sự cố mới nhất đã nhấn mạnh về việc cấp thiết trong việc phải cập nhật các quy tắc quốc tế về quản lý không gian. Công ước về trách nhiệm trong không gian năm 1972 quy định, các quốc gia phóng tên lửa phải chịu trách nhiệm về thiệt hại và Trung Quốc là thành viên đã ký kết. Nikkei Asia nhận định, công ước này cần được sửa đổi để phản ánh thực tế ngày nay. Lời hứa về việc bồi thường cho các bên bị vi phạm không còn đủ: Các quốc gia hiện được kỳ vọng sẽ giảm thiểu tai nạn ngay từ đầu.
Các chuyên gia cho biết nguy cơ các mảnh vỡ tên lửa thực sự đáp xuống khu vực đông dân cư là rất nhỏ. Nhưng khi số lượng tên lửa phóng lên vũ trụ tăng lên, thì rủi ro đi kèm cũng thế.
Okada cho biết: “Vì số lượng các vụ phóng tên lửa vào quỹ đạo dự kiến sẽ tăng lên, chúng tôi hy vọng có nhiều quốc gia thực hiện các hành động phù hợp,” chẳng hạn như yêu cầu các nhà điều hành bệ phóng thực hiện các bước để giảm thiểu tai nạn như Mỹ, Châu Âu và Nhật Bản đã làm.
Trở ngại mang tên: chính trị
Tuy nhiên, chính trị có thể là một trở ngại.
Trung Quốc và Mỹ đang tham gia vào một cuộc chạy đua khốc liệt vào không gian. Cuối tuần trước, Trung Quốc trở thành quốc gia thứ ba hạ cánh trên sao Hỏa sau Mỹ và Nga.
Trung Quốc cũng đang xây dựng trạm vũ trụ thường trực của mình với sự hỗ trợ của một hạm đội tên lửa hùng hậu. Tuy nhiên, Mỹ không có kế hoạch thay thế liên quan đến quỹ đạo trái đất sau khi Trạm Vũ trụ Quốc tế dự kiến sẽ đóng cửa vào năm 2024. Do đó, Trung Quốc có thể coi những lời chỉ trích của Mỹ về các mảnh vỡ tên lửa là những cản trở, giáo sư Hiroaki Akiyama tại Đại học Wakayama cho biết. Ông là người từng làm việc cho các dự án vũ trụ của Nhật Bản trước đây,
NASA cho biết hôm 9/5 rằng, “rõ ràng là Trung Quốc đang không đáp ứng các tiêu chuẩn có trách nhiệm liên quan đến các mảnh vỡ trong không gian của họ”. Ngay hôm sau, Bắc Kinh lên tiếng phản đối, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói rằng Mỹ đang “thổi phồng” vấn đề và “khi nói đến Trung Quốc, giọng điệu hoàn toàn khác”.
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị