Triển vọng và thành công của Trung Quốc phần lớn phụ thuộc vào thành công của Mỹ.
Trung Quốc hiện đã trỗi dậy, trở thành nền kinh tế lớn thứ hai với khả năng quân sự gần ngang hàng Mỹ và có khả năng đặt ra một mối đe dọa thay thế vị trí lãnh đạo của Washington trên trường quốc tế.
Tuy nhiên, theo NI (Mỹ), triển vọng và thành công của Trung Quốc vẫn phần lớn phụ thuộc vào thành công của Mỹ xét từ nhiều khía cạnh.
Về cơ cấu kinh tế, trong biểu đồ tròn thể hiện cơ cấu kinh tế Trung Quốc, nông nghiệp chiếm tỷ trọng 7%; công nghiệp, 39%; và dịch vụ, 54%. Lĩnh vực dịch vụ của nước này vẫn thua kém Mỹ (77% GDP) và Nhật Bản (69% GDP).
Để thúc đẩy tăng trưởng, hồi tháng 5/2020, Bắc Kinh công bố mô hình “Tuần hoàn kép”; nói một cách đơn giản theo Chủ tịch Tập Cận Bình thì “lưu thông nội bộ” sẽ được hỗ trợ bởi “lưu thông bên ngoài”. Trong khi Mỹ sẽ rất mạnh tay trong việc kích thích lưu thông bên ngoài này.
Lĩnh vực xuất khẩu của Trung Quốc chiếm khoảng 1/5 GDP và Mỹ vẫn là thị trường xuất khẩu đơn lẻ lớn nhất của nước này với 17%, tương đương 419 tỷ USD. Dấu ấn của Mỹ là rất khó, thậm chí là không thể, thay thế. Ngay cả trong chiến tranh thương mại, xuất khẩu sang Mỹ của Trung Quốc giảm 16% nhưng tổng thương mại hàng hóa và dịch vụ song phương vẫn đạt 637 tỷ USD.
Khi lĩnh vực sản xuất của Trung Quốc chấp nhận chuyển đổi sang công nghệ cao hơn, sự thay đổi này nâng cao vị thế của Trung Quốc và có khả năng sẽ tăng cường giao thương với người tiêu dùng công nghệ cao, mà lớn nhất là Mỹ. Như hiện tại, các mặt hàng xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ chủ yếu bao gồm máy tính, điện tử và thiết bị điện.
TQ khó “tách rời” khỏi Mỹ
Các nhà lãnh đạo hai bên đã nhắc quá nhiều đến thuật ngữ “tách rời”. Nhưng xem xét kỹ hơn sẽ thấy rằng hầu hết các công ty lớn không sẵn sàng làm điều đó. Năm 2012, Tổng thống Mỹ lúc đó là Barack Obama hỏi Steve Jobs rằng iPhone có thể được sản xuất tại Mỹ hay không; câu trả lời của Jobs là “Không”, và Giám đốc điều hành Apple Tim Cook cũng đồng ý với quan điểm này.
Từ những năm 1980, các tập đoàn quốc tế đã thiết lập cơ sở hạ tầng và chuỗi cung ứng đủ năng lực để đáp ứng nhu cầu. Phá vỡ hệ sinh thái này đồng nghĩa với việc tổ chức lại một phần lớn sản xuất toàn cầu. Vào năm 2020, trong bối cảnh chiến tranh thương mại và cựu Tổng thống Donald Trump buộc các công ty đưa sản xuất trở về Mỹ, Phòng Thương mại Mỹ tại Thượng Hải đã báo cáo rằng chỉ gần 4% các công ty đang chuyển cơ sở sản xuất về nước và hơn 70% không có ý định làm như vậy.
Đối với sự phụ thuộc của Trung Quốc vào Mỹ, nó vượt ra ngoài khái niệm thị trường tiêu dùng lớn nhất trên thế giới. Các mặt hàng nhập khẩu chủ chốt từ Mỹ thúc đẩy hệ thống của Trung Quốc nói chung. Mỹ là đối tác xuất khẩu lớn thứ 6 của Trung Quốc, với khoảng 110 tỷ USD hàng hóa như máy bay thương mại, đậu tương, ô tô và chất bán dẫn, trong đó Trung Quốc phụ thuộc rất nhiều vào Mỹ trong việc nhập khẩu đậu tương và chất bán dẫn.
Trung Quốc là nước tiêu thụ đậu tương và thịt lớn nhất thế giới. Đậu tương không chỉ được chế biến thành thực phẩm, mà phần lớn được sử dụng làm thức ăn gia súc cho ngành chăn nuôi khổng lồ của nước này. Do diện tích đất canh tác hạn chế, Trung Quốc dựa vào nhập khẩu nông sản để cung cấp nguyên liệu cho ngành công nghiệp thịt của họ. Nhập khẩu đậu tương từ Mỹ lên tới hơn 8 tỷ USD hàng năm và chỉ đứng sau Brazil. Tuy nhiên, Trung Quốc dựa vào tất cả các thị trường sẵn có để đáp ứng nhu cầu. Mặt hàng nhập khẩu chính này, mặc dù nhỏ hơn về mặt tài chính so với các sản phẩm và lĩnh vực khác, nhưng rất quan trọng đối với hệ sinh thái nội địa lớn hơn của Trung Quốc, và là mặt hàng khó có thể thay thế nếu không có Mỹ.
Về chất bán dẫn, Trung Quốc phụ thuộc rất nhiều vào đầu vào nước ngoài, đặc biệt là từ Mỹ. Hàng năm, Trung Quốc nhập khẩu khoảng 300 tỷ USD chất bán dẫn. Về phía Mỹ, khoảng 25% doanh số từ các công ty bán dẫn của Mỹ là ở thị trường Trung Quốc. Mặc dù Trung Quốc coi trọng sự độc lập về công nghệ, nhưng họ vẫn đang và có khả năng vẫn sẽ đứng sau các nước dẫn đầu trong lĩnh vực này trên thế giới. Có những công ty sản xuất bộ xử lý đồ họa (GPU) Trung Quốc, nhưng thị phần của họ về cơ bản bằng không. Một ví dụ khác là công ty TSMC của đảo Đài Loan, công ty dẫn đầu toàn cầu về mảng đúc trong suốt 33 năm. Công ty chip lớn nhất Trung Quốc SMIC, đối thủ của TSMC, mặc dù đã đầu tư 20 năm, vẫn chậm hơn 4-5 năm.
Nhìn chung, hàng chục tỷ USD đã được chi, nhưng tình thế tiến thoái lưỡng nan về chất bán dẫn nội địa của Trung Quốc không được cải thiện đáng kể và hầu như không thay đổi kể từ năm 2014. Các công ty bán dẫn Trung Quốc vẫn bị tụt hậu hàng thập kỷ trong một số lĩnh vực sản xuất chất bán dẫn quan trọng nhất. Trung Quốc không thể độc lập về công nghệ trong trung hạn và cũng khó có thể đạt được điều đó trong dài hạn. Mặc dù Trung Quốc có thể bổ sung những thiếu hụt thương mại giữa Mỹ với các thị trường khác, nhưng điều này có thể sẽ không bền vững. Thêm vào đó, loại hàng hóa được giao dịch có thể sẽ không đáp ứng được các mục tiêu chiến lược kinh tế của Trung Quốc.
Trung Quốc phụ thuộc quá nhiều vào đầu vào từ Mỹ và việc sai lệch quá nhiều so với tiêu chuẩn này, nghĩa là sự giảm mạnh quyền lực cứng và mềm của Mỹ, sẽ ảnh hưởng nặng nề đến hệ sinh thái của Trung Quốc. Nói một cách đơn giản, trong khi Trung Quốc có thể phát triển và thống trị một số lĩnh vực nhất định, thì sự tăng trưởng và thống trị của họ vẫn bắt nguồn từ sự khéo léo và các sản phẩm của Mỹ.
Trung Quốc trả 21 tỷ USD mỗi năm cho việc sử dụng sở hữu trí tuệ nước ngoài, và hơn 8 tỷ USD trong số đó là cho Mỹ. Ngược lại, Trung Quốc kiếm được dưới 900 triệu USD mỗi năm từ các quốc gia sử dụng sở hữu trí tuệ của mình.
Nếu không có môi trường trong nước để đổi mới, Trung Quốc có thể sẽ tiếp tục dựa vào Mỹ. Trò chơi cân bằng nằm trong tay họ: Thách thức sự thống trị của Mỹ, nhưng không đủ để phá vỡ hệ sinh thái hiện tại.
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị