Nói thật thường làm mất lòng người, cho nên bạn bè nói thật càng ngày càng ít, ai cũng nói tốt và lời hay ý đẹp.
Nếu ai đó hỏi, bạn có thích nghe sự thật không? Bạn sẽ trả lời ra sao?
Có người trốn tránh không muốn nghe, có người từ chối thẳng thừng, cũng có người sẵn lòng lắng nghe. Khi bị người nào đó chỉ ra lỗi lầm, trong lòng bạn sẽ không tránh khỏi cảm giác khó chịu, thậm chí còn nổi giận vì điều này quá “nói trúng tim đen”.
Sự thật mất lòng, đó là lý do khiến nhiều người không hề muốn nghe lời thật lòng hoặc nhận xét công tâm về bản thân. Song thái độ đối với vấn đề này cũng thể hiện một phần con người của bạn.
Sự thật mất lòng
Sự thật mặc dù đau đớn, trần trụi nhưng không nên bài trừ nó, mà hãy tiếp nhận bằng trái tim rộng mở. Chỉ như thế, chúng ta mới tiến bộ từng ngày, nhìn nhận đúng cách chúng ta sống và đối xử với thế giới.
Người xưa thường nói, bạn bè cũng là người thầy giỏi. Vì thời gian giao tiếp nhiều hơn nên họ có đủ cơ hội để nhìn thấu bản chất của chúng ta. Nhưng đôi khi, bạn bè nói lời thật lòng về mình, chúng ta thường tức giận, bất mãn, cho dù đối phương nói đúng, chưa chắc bản thân đã chấp nhận. Ngay cả khi nhận ra những thiếu sót, bạn cũng sẽ giận vì đã khiến mình mất thể diện, lòng tự tôn bị phá hủy.
Một cư dân mạng đã chia sẻ câu chuyện ở chốn công sở của mình lên Zhihu (nền tảng tâm sự và hỏi đáp ở Trung Quốc):
Nhớ cách đây hơn 10 năm, tôi làm việc trong một công ty, lúc đó mỗi lần họp, đồng nghiệp khen ngợi lẫn nhau, mặc dù vấn đề tồn đọng trước mắt chưa được giải quyết, mỗi người đều có khuyết điểm cần phải sửa chữa để công việc diễn ra tốt hơn. Chỉ có mình tôi hoàn toàn chỉ nói về công việc, vì tôi thực sự không thể nói ra những lời giả lả, không một chút giá trị này. Thế là tôi đã bị gắn với cái mác “quá nghiêm túc, EQ không cao”.
Dần dần, tôi thấy rằng công ty này không phù hợp với người “chưa hiểu những quy tắc bất thành văn nơi công sở” như tôi. Thế là tôi quyết định ra đi.
Không lâu sau, đồng nghiệp cũ khi xưa cũng khá thân với tôi kể rằng bộ phận đã tan rã vì nhân viên không hoàn thành công việc, lỗi lầm xảy ra thường xuyên”.
Nhận xét công tâm đôi khi khiến chúng ta mất đi nhiều người bạn vốn nghĩ rằng có thể đi cùng mình thêm đoạn đường rất xa. Nhưng khi động chạm đến lòng tự trọng thì ít ai có thể tỉnh táo để nhìn nhận đúng vấn đề.
Biết nghe lời trần trụi cũng là cách sống thông minh
Có một câu chuyện ngụ ngôn kể rằng, từ xa xưa, “dối trá” và “sự thật” cùng tắm trên cùng một dòng sông.
“Dối trá” tắm xong trước và mặc bộ quần áo của “sự thật” rồi đi mất, nhưng “sự thật” không chịu mặc bộ quần áo của “dối trá”.
Sau này trong mắt mọi người chỉ có thể tiếp nhận những lời nói dối đội lốt nói thật chứ khó mà chấp nhận được sự thật trần trụi “không mặc quần áo” kia.
Bởi lẽ, trái tim con người vô cùng phức tạp. Nói thật thường làm mất lòng người, cho nên bạn bè nói thật càng ngày càng ít, ai cũng nói tốt và lời hay ý đẹp.
Người chỉ thích nghe điều tốt chẳng khác nào thích nói dối, mình nói dối cũng ép người khác nói dối theo. Hỏi người khác: “Bạn cảm thấy tôi là người như thế nào”. Câu trả lời lúc này có thể quyết định mối quan hệ có được bền lâu hay không. Đương nhiên ở đây chúng ta đặt trong trường hợp người chỉ thích nghe lời nói tốt, nếu với người dung dị và cầu thị thì mọi chuyện đã không có vấn đề gì xảy ra.
Biết ca ngợi, biết khuyến khích người khác là một biểu hiện của người có EQ cao. Nhưng không phải luôn khen ngợi thì được xem là biết cách cư xử. Lắm lúc, người luôn ca tụng, khen ngợi bạn không xuất phát từ thật lòng, mà là muốn lấy lòng bạn. Người dám nói ra những khuyết điểm của bạn, mặc dù có nguy cơ phá hủy mối quan hệ, nhưng đây mới là người bạn thật sự.
Kết giao với người không ngại chỉ ra những thiếu sót của bạn cũng là một sự khôn ngoan và trí tuệ. Bởi lẽ bạn bè không nhất thiết lúc nào cũng phải khen ngợi, nói tốt về nhau.
Người vui mừng khi được nghe những điều tốt đẹp về mình và chán ghét khi nghe sự thật, tất cả đều đang sống trong sự dối trá và bị lừa dối. Chỉ những ai có can đảm nhận phê bình, chê trách, dám đối mặt với khuyết điểm thì mới có thể sửa chữa, hiểu đúng về mình, mới không bị nhiều sự bất ổn trong thế giới ngoài kia quật ngã.
Không sống bằng suy nghĩ của người khác và đạt được sự tự do của tâm hồn là cách sống của người trí tuệ.
Theo Trung Hạ-Theo phunuvietnam