Trong khi tầm ảnh hưởng của Trung Quốc ngày càng lớn mạnh tại châu Phi, có những quốc gia và lãnh thổ vẫn duy trì sự thận trọng trước mối liên hệ với Bắc Kinh.
Những nơi ở châu Phi cảnh giác trước “bẫy nợ”
Hàng nghìn người dân hồi tuần trước đã tới đăng ký bỏ phiếu bầu cử Quốc hội tại 25 địa điểm ở miền đông Somaliland. Nằm ở phía Bắc của lục địa châu Phi, Somaliland tự tuyên bố độc lập từ năm 1991 nhưng không có trên bản đồ thế giới.
Không được quốc tế công nhận, Somaliland vẫn là một trong những nơi có động thái chống lại các nỗ lực mở rộng tầm ảnh hưởng của Trung Quốc rõ rệt nhất – học giả Michael Rubin từ Viện doanh nghiệp Hoa Kỳ (AEI) nhận định trên tạp chí National Interest (Mỹ).
Vào ngày 1/7/2020, đảo Đài Loan và Somaliland gây bất ngờ cho Bắc Kinh khi thông báo đôi bên ký một thỏa thuận thành lập văn phòng đại diện ở “thủ đô” của nhau. Hội đồng An ninh Quốc gia của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump khi đó bình luận trên Twitter rằng “thật tuyệt vời khi Đài Loan đẩy mạnh các hoạt động ở Đông Phi trong thời điểm rất nhạy cảm như vậy”.
Đại sứ Trung Quốc tại Somalia, ông Qin Jian, đã vội vã đến Somaliland để thuyết phục nhà lãnh đạo Muse Bihi Abdi thu hồi quyết định, nhưng ông này từ chối và bỏ mặc phái đoàn Trung Quốc. Bắc Kinh bối rối và đưa ra những lời đe dọa nhằm vào Somaliland nhưng không thu được kết quả.
Trong khi những khó khăn trong việc di chuyển bằng đường hàng không trong thời gian dịch Covid-19 ảnh hưởng đã làm chậm lại việc trao đổi kinh doanh giữa Đài Loan và Somaliland, cả hai văn phòng đại diện đều đang chuẩn bị gấp rút ngay khi vaccine được tiêm chủng đại trà.
Các quan chức Somaliland nói với tác giả Rubin rằng họ thiết lập quan hệ với Đài Loan vì hòn đảo này chú trọng đầu tư hơn là “giăng bẫy”.
Sự ảnh hưởng của Trung Quốc có thể nhận thấy rõ ràng hơn nhiều ở Kenya. Lái xe ô tô quanh thủ đô Nairobi, không khó để không nhìn thấy các biển hiệu doanh nghiệp, các biển quảng cáo hội chợ thương mại và các dấu hiệu đầu tư khác của Trung Quốc.
Vào hôm 21/1 vừa qua, chính phủ Kenya phải hoàn trả khoản vay 1.4 tỷ USD cho Trung Quốc cho dự án xây dựng tuyến đường sắt từ Nairobi đến Naivasha. Tổng thống Uhuru Kenyatta đang gặp khó khăn lớn để thanh toán khoản nợ này và khoản nợ bổ sung 5 tỷ USD từ Trung Quốc, nhưng Kenya vẫn tương đối may mắn khi khoản nợ 6.4 tỷ USD chỉ chiếm khoảng 10% tổng số nợ của nước này.
Kenya có thể gặp khó khăn về tài chính, nhưng khả năng chi phối của Bắc Kinh tại nước này là có hạn. Báo giới Kenya đã nổ ra nhiều tranh luận và đưa ra cảnh báo về nguy cơ mắc nợ Trung Quốc. Nước này vẫn duy trì các biện pháp kiểm soát quyền lực hiệu quả để không một nguyên thủ nào có thể đơn phương ký kết các thỏa thuận với Trung Quốc nhằm thao túng đất nước.
Điều này cũng đúng với Nam Phi. Tổng số nợ của nước này với Trung Quốc chỉ chiếm khoảng 4% GDP. Nhật báo Maverick (Nam Phi) lưu ý cách thức để đất nước này không rơi với bẫy nợ của Trung Quốc, đồng thời đưa tin về những tác động lâu dài từ sự giận dữ của người dân về tình trạng phân biệt đối xử với người châu Phi trong các đợt phong tỏa chống dịch Covid-19 tại Trung Quốc.
Botswana cũng đang có những khoản nợ với Bắc Kinh ở mức tương đối thấp. Còn ở Tanzania, vào tháng 4/2020, Tổng thống John Magufuli đe dọa chấm dứt dự án trị giá 10 tỷ USD với các điều khoản vay vô cùng bất lợi mà chính phủ tiền nhiệm kí kết với Trung Quốc.
Cơ hội nào cho chính quyền ông Biden?
Trong khi đó, Djibouti – quốc gia Đông Phi nơi Trung Quốc đặt cơ sở quân sự đầu tiên ở nước ngoài – có khoản nợ Bắc Kinh tương đương đến 80% GDP. Thỏa thuận trị giá 3 tỷ USD để mở rộng cảng Djibouti được ký kết trong tháng này được cho là chỉ làm tăng thêm gánh nặng nợ nần của họ.
Angola, Ethiopia hay Somalia cũng lao đao với những khoản nợ đến từ Trung Quốc.
Học giả Michael Rubin cho rằng, Botswana, Nam Phi hay Somaliland đã cho thấy khả năng tự miễn hiệu quả hơn trước tầm ảnh hưởng lớn mạnh của Trung Quốc.
Theo ông, nếu chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden thực sự nghiêm túc với mục tiêu mang đến thịnh vượng, an ninh và ổn định trên toàn cầu cũng như đối đầu với “mối đe dọa” Trung Quốc thì Mỹ cần kết thúc chính sách phân tán và điều phối chính sách để củng cố những tiến bộ đạt được tại những nền kinh tế mới nổi của châu Phi.
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị