Những doanh nhân Việt thành công vang dội xuất thân từ ngành y
Nữ tướng ngành dược Phạm Thị Việt Nga
Theo Kiến thức và Đầu tư, bà Phạm Thị Việt Nga sinh ngày 20/12/1951, là Tiến sĩ Kinh tế – Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh và có bằng Dược sĩ Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh. Bà được mệnh danh là người phụ nữ của thời đại mới, người đưa Dược Hậu Giang trở thành thương hiệu dược hàng đầu Việt Nam.
Bà được coi là “linh hồn” của Dược Hậu Giang với 30 năm gắn bó cùng công ty từ những ngày khó khăn cho đến khi trở thành thương hiệu dược số một tại Việt Nam. Tuy nhiên, doanh nhân Phạm Thị Việt Nga đã rời chức vụ Tổng giám đốc tại CTCP Dược Hậu Giang từ ngày 1/9/2017.
Bà Nga gia nhập Dược Hậu Giang từ năm 1988 với cương vị Tổng giám đốc. Kể từ khi Xí nghiệp liên hợp Dược Hậu Giang được cổ phần hóa vào năm 2004, bà Nga giữ cả hai chức vụ quan trọng nhất trong HĐQT và Ban điều hành là Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc công ty.
Dược Hậu Giang không phải doanh nghiệp dược ra đời sớm nhất trên thị trường nhưng lại là thương hiệu dược tiên phong trong công tác Marketing, quảng bá sản phẩm và đầu tư hệ thống phân phối khắp cả nước. Nhờ những nền móng mà bà Nga cùng các cộng sự đặt ra từ những năm 90, Dược Hậu Giang đến nay đã có một vị trí vững chắc trên thị trường.
Bà Vũ Thị Thuận – “linh hồn” của Traphaco
Doanh nhân Vũ Thị Thuận sinh năm 1956, trong một gia đình có truyền thống ngành Đông dược. Thời phổ thông, bà Thuận rất đam mê môn hóa học nên đã đăng ký thi vào Trường Đại học Dược Hà Nội.
Sau khi ra trường và trải qua nhiều nỗ lực với các vị trí khác nhau, cuối cùng bà Thuận được bổ nhiệm làm Chủ tịch HĐQT CTCP Traphaco từ tháng 5/2013 cho đến nay.
Suốt 40 năm gắn bó với Traphaco, bà Thuận được coi là “linh hồn” của công ty, góp công lớn tạo nên công ty dược Traphaco vững mạnh hiện nay. Bà đã nhận được nhiều phần thưởng cao quý của Nhà nước trong đó có danh hiệu Thầy thuốc Ưu tú.
Bà ghi dấu ấn khi dẫn dắt Traphaco chuyển đổi từ doanh nghiệp nhà nước sang doanh nghiệp cổ phần. Sau đó, với chiến lược khác biệt, tập trung vào mảng đông dược, bà đưa Traphaco từ một doanh nghiệp nhỏ thành công ty sản xuất đông dược lớn nhất Việt Nam. 40 năm gắn bó với Traphaco, bà Thuận được coi là linh hồn của công ty, góp công lớn tạo nên công ty dược Traphaco vững mạnh hiện nay.
Nữ tướng điện lạnh Nguyễn Thị Mai Thanh
Theo tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp, xuất thân từ một gia đình có truyền thống quân đội, năm 16 tuổi bà Mai Thanh gia nhập quân ngũ với nhiệm vụ đầu tiên là tham gia khóa học đào tạo dược tá. Công việc của một người lính quân y theo bà suốt 6 năm trước khi bà được cử ra Bắc học văn hóa vào năm 1973.
Năm 1982, sau khi tốt nghiệp Đại học Kỹ thuật Karl Marx Stadt (Đức), bà Mai Thanh trở về làm việc tại Xí nghiệp liên hợp Thiết bị Lạnh với vị trí kỹ sư. Năm 1985, bà Thanh được bổ nhiệm làm Phó giám đốc, và trở thành Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc REE sau đó 10 năm.
Dưới sự lãnh đạo của bà Thanh, REE đã phát triển từ một xí nghiệp cơ khí cũ kỹ, sản xuất thiết bị điện lạnh cho các nhà máy nước đá, thành một thương hiệu trị giá 200 triệu USD.
Khi được hỏi liệu rằng làm quá lâu tại một doanh nghiệp có là giới hạn hay không, bà Thanh thành thật: “Đôi khi tôi phải suy nghĩ về chuyện bản thân là một người phụ nữ và gắn với REE hơn 30 năm chẳng thay đổi”. Bà quan niệm trên vai trò một lãnh đạo, tố chất cần thiết trong các ngành nghề là thứ luôn thay đổi theo thời gian, vậy nên ta phải tôi rèn những phẩm chất khác nhau.
Chưa kể, là một phụ nữ, bản thân bà dù tự thấy không có nhiều cản trở trong con đường thành lãnh đạo, nhưng so với đàn ông thì phải khó khăn hơn. “Ví dụ, nếu phụ nữ chưa được sự đồng ý của người chồng, thì khó mà làm lãnh đạo. Phải làm sao người bạn đời hiểu mình, hỗ trợ mình thì là cả một nghệ thuật”, bà Thanh nói.
Doanh nhân Đặng Lê Nguyên Vũ
Sinh năm 1971 trong một gia đình nghèo, người sáng lập, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn cà phê Trung Nguyên Đặng Lê Nguyên Vũ đã trải qua một tuổi thơ cơ cực. Dù vậy, ông vẫn học rất giỏi và thi đậu Đại học Y Tây Nguyên.
Tuy nhiên, khi đang học năm thứ ba, ông nhận ra mình không muốn trở thành bác sĩ, nên đã bỏ học để theo đuổi sự nghiệp kinh doanh cà phê.
Năm 1996, ông bắt tay cùng ba người bạn lập nên “Hãng Cà phê Trung Nguyên”, với cơ sở ban đầu chỉ rộng vài m2, một chiếc máy rang thủ công cũ kỹ, một quán cà phê nhỏ ở Buôn Mê Thuột.
Hai năm sau, Trung Nguyên mở cơ sở tại TP.HCM, rồi dần được biết đến như doanh nghiệp đầu tiên kinh doanh mô hình nhượng quyền thương hiệu, các quán cà phê nhượng quyền thương hiệu Trung Nguyên cũng xuất hiện từ đó.
Hai lần vực dậy Nutifood của bà Trần Thị Lệ
Xuất thân là một bác sĩ, nhưng với nỗ lực và tâm huyết, nữ doanh nhân Trần Thị Lệ – CEO NutiFood đã dẫn dắt công ty từng bước vươn lên vị trí số 1 thị trường nội địa về dòng sữa đặc trị.
Theo Doanh nhân và Pháp luật, nhắc tới NutiFood, chắc hẳn người tiêu dùng đều chẳng còn xa lạ với câu chuyện cảm động của thương hiệu này; nhưng ít ai biết rằng đó chính là câu chuyện thực dựa trên những trải nghiệm của bà Trần Thị Lệ – CEO của NutiFood – tiền thân là một bác sĩ tại trung tâm dinh dưỡng.
Vào những năm 90, tại vị trí công tác của mình, bà Lệ nhận thấy: cứ 10 trẻ đến nhập viện thì có 2-3 trẻ tử vong vì bị suy dinh dưỡng, không thể đáp ứng được yêu cầu điều trị. Lúc áy, có một vị bác sĩ đã mày mò kết hợp các loại thực phẩm, cho vào máy xay sinh tố xay nhuyễn cùng men tiêu hoá và nuôi các em ăn qua ống thông dạ dày. Việc làm tưởng chừng đơn giản này đã cứu sống hàng ngàn trẻ em vào thời điểm đó.
Tuy nhiên, biện pháp này chỉ là tức thời, các bác sĩ trong trung tâm cảm thấy cần phải có một cơ sở sản xuất thực phẩm dinh dưỡng dành riêng cho trẻ em. Từ đó, họ cùng nhau nghiên cứu và lập nên một cơ sở với cái tên rất ý nghĩa: Đồng Tâm. Bác sĩ Trần Thị Lệ khi đó vừa yêu thích nghiên cứu dinh dưỡng, vừa có năng khiếu kinh doanh nên được phân công làm trợ lý cho chủ nhiệm cơ sở Đồng Tâm – tiền thân của NutiFood ngày nay.
Làm việc với tinh thần cống hiến của một người bác sĩ sản xuất sữa đặc trị cho trẻ em suy dinh dưỡng, bà Lệ luôn hết mình với công việc. Kết hợp giữa nền tảng kiến thức y khoa cũng như cái tâm vì người tiêu dùng, suốt nhiều năm liền bà vừa tham gia nghiên cứu, sản xuất, vừa đi học thêm quản trị doanh nghiệp, marketing… đến nỗi mỗi ngày chỉ ngủ chưa tới 5 tiếng.
Năm 2000, bà Lệ được mời về làm Giám đốc của cơ sở Đồng Tâm. Khi đó, quy mô doanh nghiệp còn rất nhỏ, bản thân bà Lệ cũng chưa hiểu biết nhiều về kinh doanh nhưng đã nung nấu tham vọng đưa thương hiệu vươn tầm quốc tế. Với định hướng đó, bà đổi tên cơ sở thực phẩm Đồng Tâm thành NutiFood. Năm 2003, ở tuổi 30, bà Lệ trở thành cổ đông lớn nhất của NutiFood và là Tổng Gám đốc kiêm Chủ tịch HĐQT của công ty.
Theo Vân Anh (T/h)-Theo ĐSPL