Có người bằng nỗ lực, tài năng hoặc gặp thời gặp thế mà phát đại tài, nhưng không thể giữ được, lại có người có thể giữ được, là vì nguyên nhân nào? Là chuyện ngẫu nhiên, hay là có tính tất yếu nội tại? Điều này có liên quan đến phúc phận trong mệnh của người đó.
Phúc phận của một cá nhân đã được chủ định ngay từ khi sinh ra, nếu sinh mệnh con người được ví như một con thuyền, có người mà con thuyền sinh mệnh của họ chỉ có thể chở được 50 tấn, lại có người mà thuyền sinh mệnh có thể chở được 500 tấn, đương nhiên cũng có thuyền sinh mệnh có thể chở được 5 ngàn hoặc 5 vạn tấn. Nếu mệnh của một cá nhân là chủ định chỉ chở được 50 tấn, nhưng vì nỗ lực, tài năng hoặc gặp thời cơ, thời thế mà phát đại tài phú ngàn tấn, tài nặng mà thuyền nhẹ, con thuyền như thế không thể đi xa, nếu có gió mưa, chắc chắn sẽ bị lật, tài phú ngàn vạn kiếm được sẽ như nước đựng trong giỏ tre, dùng làm món quà cho người khác. Câu chuyện dưới đây là một ví dụ:
Vào thời nhà Minh, có một người buôn muối họ Tiêu ở Dương Châu, gia đình làm nghề muối qua nhiều thế hệ. Tiêu ông thích chiêu đãi những thư sinh, vì điều này mà tiêu tốn vạn tiền, kết quả là gia đạo sa sút, cuối cùng Tiêu ông u uất mà chết. Con trai cả của Tiêu ông là Tiêu Hi Thánh, từ nhỏ đã giao du với danh sĩ, học hành thành đạt, thi đỗ tiến sĩ, sau đó được điều động đi ngoại tỉnh nhậm chức, đầu tiên được bổ nhiệm làm thái thú Đại Lý, Vân Nam.
Tiêu Hi Thánh mang theo thái phu nhân và em trai Tiêu Hi Hiền đến nhậm chức. Tiêu Hi Hiền là do thái phu nhân sinh ra ở tuổi trung niên, nên thái phu nhân rất nuông chiều anh chàng, dù đã hai mươi tuổi mà vẫn không chịu học hành. Thái thú vì mẹ như vậy nên cũng không trách cứ hay đốc thúc Tiêu Hi Hiền.
Khi Tiêu Hi Hiền ở nha môn, anh chàng rất thích đàm luận về pháp thuật luyện đan với các quan lại và tân khách trong phủ. Một vị khách cho biết, hồ Điền Trì ở Vân Nam là nơi có nhiều khoáng thạch, chỉ cần nhìn thảo mộc sinh trưởng trong núi thế nào liền có thể biết trong núi có mỏ bạc hay không và có bao nhiêu, thường thường có người bỏ ra mấy chục lượng bạc bao một ngọn núi vì để tìm mỏ bạc, phát tài gấp ngàn lần, do đó trên một nửa số du dân đã từ ngoài vào đây kinh doanh gia nghiệp. Tiêu Hi Hiền nghe được điều này, vô cùng ngưỡng mộ họ, nên đã cùng vị khách của mình ngày ngày đi khắp vùng núi, hy vọng tìm được một mỏ bạc để phát tài, nhưng sau khi tìm kiếm hơn một năm vẫn không có thu hoạch gì.
Vì đã lâu không tìm được mỏ bạc, để trốn tránh trách nhiệm, vị khách đã tùy tiện chỉ vào một đỉnh núi, nói rằng khoáng sản ở đây vô cùng dồi dào. Tiêu Hi Hiền tin lời, nên đã thương lượng giá cả với chủ núi, dùng một trăm lạng bạc để mua ngọn núi này, sau đó muốn tập trung dân phu để khai thác. Thái thú cố gắng hết sức để ngăn cản em trai, nhưng anh chàng không những không chịu nghe lời, mà còn cậy vào sự chiều chuộng của thái phu nhân, sai bảo nhân viên thuộc hạ của anh trai mình đi giúp. Mọi người vì muốn lấy lòng huynh đệ nhà quan, nên không có ai là không nguyện ý đi theo Tiêu Hi Hiền. Họ cùng nhau hợp lực làm việc, cưa gỗ đục núi, khoét đá đào đất. Tiêu Hi Hiền đi đi lại lại giám sát công việc, chưa bao giờ lộ ra thần sắc chán nản, cứ như thế trong năm sáu năm, lãng phí hàng ngàn hàng vạn công nhật mà vẫn không thu được kết quả gì.
Vì Tiêu Hi Thánh đã hết nhiệm kỳ, phải về Bắc Kinh báo cáo, mang theo cả gia đình đi, nên đã khuyên em trai đi cùng. Tiêu Hi Hiền nói trong nước mắt: “Sự nghiệp cả đời của em là tại đây, công trình còn chưa hoàn thành, chi phí bỏ ra cũng không nhỏ, nếu giữa chừng bỏ cuộc thế này, em chết cũng không cam tâm”. Thái phu nhân không nhẫn tâm cản trở tâm nguyện của con, liền bảo Tiêu Hi Thánh đem số tài vật mấy năm làm quan có được, lấy ra đưa một nửa cho em trai, nói: “Con trai, tạm thời sẽ đưa số tiền này cho con, nếu trong nội một hai năm nữa mà vẫn không tìm thấy mỏ bạc, thì con hãy dũng số bạc hai trăm lượng này làm chi phí để về nhà, nhất thiết không được trầm mê ở đây nữa, đừng để mẹ và anh trai con phải lo lắng cho con”. Nói xong, mọi người rời đi trong nước mắt.
Sau khi thái thú rời đi, những nhân viên thuộc hạ của ông cũng phân ly tứ xứ, Tiêu Hi Hiền phải tự mình chiêu mộ công nhân, làm việc từ sáng sớm đến tối muộn trong vài năm nữa. Tết Trung thu năm đó phải trả thù lao cho công nhân, quản đốc đã thúc giục việc này nhiều lần. Nhưng Tiêu Hi Hiền trong túi chỉ còn hơn mười lạng bạc, không nghĩ ra cách nào đối phó, bèn sai người hầu dùng số bạc còn lại để mua rượu, thịt chiêu đãi mọi người, an ủi họ rằng: “Đêm qua tôi trong mơ thấy Thần nhân nói với tôi rằng sắp đào được một mỏ lớn. Chúng ta phải cùng nhau đào về hướng đông nam. Mấy ngày nữa là đào được! Lúc đó tôi sẽ trả lương gấp bội”. Mọi người reo hò nhiệt tình, sau khi dùng bữa ngon lành lại đi làm.
Tiêu Hi Hiền đích thân lên đỉnh để kiểm tra, chỉ nghe thấy âm thanh đào bới ồn ào, mọi người cùng nhau làm việc. Anh chàng không khỏi thở dài than vãn: “Mình đã lừa dối những công nhân này. Mình cũng đã kiệt sức về tinh thần và thể xác, số tiền nợ trước đây mình còn không trả được, hiện tại lại lừa dối họ, khi họ phát hiện ra, họ nhất định sẽ vũ nhục mình, lưu lại ở đây thì không cách nào sinh tồn, muốn trốn đi cũng không có năng lực, thà chết quách cho rồi”. Theo đó, Tiêu Hi Hiền cởi thắt lưng treo lên cây. Đúng lúc đang khóc lóc hối lỗi, bái lạy mẹ và anh trai mình từ xa, thì đột nhiên nhìn thấy người hầu và đốc công chạy lại, may chưa ném mình vào thòng lọng tự vẫn, liền đến gặp họ và hỏi là chuyện gì. Hai người hổn hển khấu đầu, nói chúc mừng: “Dự ngôn của Thần nhân quả không sai, đã tìm thấy mỏ lớn, thỉnh ông chủ đi bái tế”. Tiêu Hi Hiền vui mừng khôn xiết, vội vàng chạy đến xem, chỉ thấy có một cái hố lớn mở ra, bên trong có những khối quặng màu đen lớn nhỏ to cỡ nắm tay. Mọi người đều khấu đầu xin thưởng, tiếng reo hò như sấm. Những người biết đều nói: “Đây là loại quặng màu xanh đậm khó tìm nhất. Nguồn quặng ở rất xa và chất lượng rất cao, nếu không phải là người có đại phúc thì làm sao tìm được nó!”
Tiêu Hi Hiền mừng quá không biết phải nói gì, sai người hầu đi tìm hết những người bạn cũ của mình, có người phụ trách ghi chép hộ tịch, có người phụ trách kế toán, có người làm quản đốc, hoặc phụ trách tiếp đãi khách, tùy theo chuyên môn của mỗi người mà phân bổ chức vụ. Mọi người thảo luận về việc báo cáo với quan phủ, xây dựng một xưởng luyện bạc và nộp thuế cho triều đình. Tổng lĩnh phái binh sĩ đến phòng thủ ở đây, quan văn từ trung thừa trở xuống cũng tham gia, thanh thế của mỏ bạc nhất thời lan xa. Tiêu Hi Hiền xây một ngôi nhà gỗ ở lối vào khu khai thác mỏ, nắm đại quyền chưởng quản, cân đong đo đếm, một trăm cân khoáng thạch làm một xe, công nhân đến vận chuyển, thợ chế tác trong xưởng phụ trách tiếp nhận. Hơn trăm lò nung đồng thời đốt lửa luyện bạc, quặng bạc đều được nấu chảy thành thỏi vuông, mỗi thỏi vuông nặng tới năm trăm lượng để đề phòng kẻ trộm. Từ gần đến xa trong khu vực khai thác, xung quanh ngọn núi xây đầy những xưởng luyện bạc, nhưng quặng bạc trong hang động vẫn chưa khai thác hết.
Tiêu Hi Hiền bận rộn ứng phó, xử lý công việc cũng rất vất vả, nhưng nghĩ đến nguyện vọng phát tài của mình đã được thỏa mãn, bước tiếp theo là làm cách nào để vận chuyển số bạc về quê hương để anh trai và mẹ có thể an hưởng cả đời. Điều anh chàng lo lắng là đường về xa xôi, sợ gặp phải đạo tặc. Lúc đó lại tình cờ gặp được một quận thủ họ Tiêu, ông ấy đang canh gác địa phương khác với thân phận giám sát ngự sử, là người can đảm và nhiều mưu kế, có thể đảm nhiệm việc lớn. Tiêu Hi Hiền liền kết giao tộc phả với quận thủ, giao vãng rất thân ái hữu hảo, họ thương lượng về việc dùng một số tiền lớn để hối lộ các quan viên cơ mật, phá cách đề bạt Tiêu Hi Hiền nhậm chức đại viên triều đình bảy tỉnh. Đây là chức quan có quyền thế nhất vào cuối triều Minh. Tiêu Hi Hiền đi qua địa phương nào, quan viên văn võ ở đó đều phải cung kính thận trọng nghênh tống. Tiêu Hi Hiền dựa vào uy thế này để hộ tống một lượng bạc lớn về quê hương.
Sau khi Tiêu Hi Hiền về đến nhà, anh chàng nhìn thấy trước của đình treo phướn trắng, một người hầu già mặc áo tang, Tiêu Hi Hiền thập phần sợ hãi, bước vào trong đường. Chỉ thấy chị dâu tay ẵm con nhỏ cũng mặc áo tang, đang khóc lóc, rồi vừa khóc vừa kể: “Sau khi đại ca của chú tiến kinh báo cáo kết thúc nhiệm kỳ, lại được bổ nhiệm làm quan sát sứ Đông Hà. Tuy nhiên, năm ngoái vì mắc bệnh trọng đã qua đời, thái phu nhân thương con quá độ, gần đây cũng vì bi thống mà chết. Chúng tôi hai người cô nhi quả mẫu không biết dựa vào đâu, may mắn thay chú hiện tại đã trở lại, thật là quá tốt rồi”.
Tiêu Hi Hiền khóc lớn: “Sao chị dâu không báo tang cho em?” Chị dâu nói: “Bức thư đã được chuyển đi hàng trăm lần, ngờ là không thể chuyển được vì đạo tặc hoành hành ở Trung Châu, đường xá cản trở, do đó không thể truyền đạt”. Tiêu Hi Hiền nói: “Chị dâu không phải lo lắng. Số bạc em mang về nhiều đến mức không thể đếm được, điều em lo lắng là nhà cũ không thể chứa được. Nghề muối vẫn cần kinh doanh, số bạc còn dư dùng để kinh doanh tiệm cầm đồ, mua thêm đất để xây nhà ở, trăm đời cũng không dùng hết”.
Khi những người thân và bạn bè xung quanh nhìn thấy Tiêu Hi Hiền mang theo tài sản trở về, họ đều đến thăm, tranh nhau đôn đáo phục vụ, trăm phương ngàn kế lấy lòng anh chàng. Họ biết Tiêu Hi Hiền vẫn chưa lấy vợ, nên người thì tặng những nữ tỳ xinh đẹp, người thì tìm mỹ thiếp cho chàng, hoặc tìm kiếm hôn nhân với danh môn vọng tộc cho chàng. Đương thời, có một thượng thư họ Trịnh đã nghỉ hưu ngưỡng mộ sự giàu có của gia đình Tiêu Hi Hiền, đã gả con gái của mình cho chàng.
Tiêu Hi Hiền ban ngày bận việc công việc tư, ban đêm trái ôm phải ấp những kiều thê mỹ thiếp, lao khổ quá độ, không lâu sau đó đã qua đời vì bệnh lao khi chưa đầy ba mươi tuổi, cũng chưa có con. Vì con trai cả Tiêu Hi Thánh trong gia tộc chỉ có một con trai, nên các thành viên trong gia tộc không được phép nhận đứa con trai này làm con nuôi, dẫn đến tài sản của Tiêu Hi Hiền không có người thừa kế. Vì thế mọi người tranh giành nhau toàn bộ tài sản của chàng. May mắn thay, thượng thư họ Trịnh đã vì chàng mà khiếu nại lên quan phủ, để cháu trai của chàng (con trai của anh cả) không phải thoát ly gia đình mình, mà còn được làm người thừa kế, thừa kế gia sản của Tiêu Hi Hiền.
Có thể thấy, tiền tài của một người không phải là càng nhiều càng tốt, nó phải tương ứng với phúc phận trong mệnh của người đó. Phúc phận trong mệnh của một cá nhân như thế nào? Có thể thông qua phân tích bát tự mà ra. Nếu không biết bát tự của mình, thì phương pháp tắt nhất là: phàm hành sự cần thuận theo tự nhiên, bởi đó là tố pháp hợp nhất với bản mệnh của bạn, những gì nên có sẽ có, những gì không nên có mà có sẽ đến lúc mất đi.
(Nguồn: “Khách song nhàn thoại”)-Theo Epoch Times–Hương Thảo biên dịch