Samuel Leeds đã tìm ra những khuôn mẫu và bắt đầu thay đổi thói quen giống triệu phú. Kết quả là anh đã trở thành triệu phú tự thân ở tuổi 25.
Bạn không cần siêu năng lực để trở thành triệu phú. Khi còn là thiếu niên, Samuel Leeds bắt đầu nghiên cứu về những người giàu: Hành vi của họ và điều gì khiến họ thành công hơn những người khác.
Luôn tích cực trong mọi tình huống
Thông thường, khi điều tồi tệ xảy ra, chúng ta có xu hướng tập trung vào mặt tiêu cực. Chẳng hạn khi thị trường sụp đổ, hầu hết sẽ trở nên tiêu cực với những cơ hội đầu tư và chờ thị trường “sống lại”.
Đây không phải là cách các triệu phú hành động khi gặp thử thách. Theo Samual Leeds, điều bạn cần nhớ là dù tình huống tồi tệ đến đâu, bạn nên giữ thái độ lạc quan và nhìn vào mặt tích cực.
Tích cực là sự lựa chọn và có thể trở thành thói quen. Là nhà đầu tư bất động sản, Samuel Leeds luôn tìm kiếm những cơ hội đầu tư sinh lợi. Điều này không chỉ áp dụng với các khoản đầu tư, mà còn về con người. Người giàu trở nên giàu có nhờ tập trung vào các giải pháp thay vì vấn đề. Khi nhìn vào mặt tích cực, bạn sẽ làm việc hiệu quả hơn..
Ngừng quan tâm đến ý kiến của người khác
Không ít người đã từ bỏ ước mơ của bản thân vì sợ bị đánh giá. Khi Samuel Leeds bắt đầu mua bất động sản và dành toàn thởi gian để làm nhà kinh doanh, nhiều bạn học cũ cũng như người thân đã nghĩ anh bị điên. Họ hỏi Samuel Leeds tại sao không tìm “công việc thích hợp” và cảnh báo anh về các rủi ro liên quan.
Một khi Samuel Leeds tạo ra lợi nhuận, nhiều người đã thay đổi ý kiến và cổ vũ anh. Dẫu vậy, vẫn có một số người đánh giá và nói Samuel Leeds quá “hám tiền”. Tuy nhiên, Samuel Leeds đã thể hiện sự cứng rắn trong kinh doanh, tập trung vào công việc của bản thân.
Yêu những gì bạn làm
Không có cách nào giúp bạn trở thành triệu phú trong nháy mắt. Bạn cần dành cả thời gian và tâm huyết vào công việc.
Khi bắt đầu kinh doanh bất động sản, Samuel Leeds từng làm việc hơn 100 giờ mỗi tuần, dù có thời điểm anh thua lỗ. Nếu không có tình yêu với công việc, Samuel Leeds sẽ không thể chịu đựng được những thử thách và nhanh chóng bỏ cuộc. Anh dành hàng giờ để xem bất động sản, thực hiện giao dịch và biến những ngôi nhà xuống cấp thành nơi ở mới ấm cúng.
Biết cách “thay thế” chính mình
Theo kinh nghiệm của Samuel Leeds, bạn cần người để quản lý hoạt động hàng ngày của doanh nghiệp. Nhờ đó, bạn mới có thời gian để mở rộng quy mô. Lúc có trong tay 6 bất động sản, Samuel Leeds bắt đầu thay thế bản thân bằng cách chia việc cho nhân viên.
Một khi hệ thống hóa công việc kinh doanh, Samuel Leeds có thời gian để tập trung phát triển công ty. Theo doanh nhân người Anh, bạn sẽ không thể trở thành triệu phú nếu thiếu đi đội ngũ nhân sự chuyên nghiệp.
Thể hiện lòng biết ơn
Theo Samuel Leeds, bạn nên tạo thói quen biết ơn với những điều tốt đẹp xảy ra trong công việc kinh doanh cũng như cuộc sống. Khi bạn thể hiện sự biết ơn, nhiều điều tốt đẹp sẽ đến với bạn.
Samuel Leeds chia sẻ rằng nhiều đối thủ kinh doanh của anh từng kể về khách hàng nhưng theo giọng điệu tiêu cực. Họ “dị ứng” với những khách thuê nhà – người giúp đem lại lợi nhuận cho công ty.
Samuel Leeds quyết định rèn luyện thói quen thể hiện sự biết ơn với khách hàng. Sau đó, anh nhận thấy ngày càng có nhiều khách hàng trung thành và trả tiền thuê nhà đúng hạn.
Triệu phú tự thân cho biết lòng biết ơn giúp anh thấy hạnh phúc, khách hàng quay lại thường xuyên và nhân viên làm việc chăm chỉ hơn.
Samuel Leeds (sinh năm 1991) được biết đến là tác giả có sách bán chạy, nhà đầu tư bất động sản người Anh. Anh là người thành lập Property Investors, một trong những công ty lớn nhất ở Anh. Công ty đã thực hiện hơn 300 thương vụ mua bán bất động sản, trong đó có lâu đài 20 phòng ngủ với hơn 1.000 năm lịch sử.
Ngay từ nhỏ, anh đã luôn muốn kiếm tiền để tạo thu nhập riêng. Cha Samuel Leeds là nhà ảo thuật gia, còn mẹ anh là thợ cắt tóc. Đôi khi, anh cũng làm ảo thuật để hỗ trợ cha. Trong thời gian đó, Samuel Leeds tìm thấy niềm đam mê là đạt tự do tài chính, thông qua đầu tư tài sản để giúp đỡ những người kém may mắn. Tư duy kinh doanh từ nhỏ đã giúp Samuel Leeds thành lập công ty riêng và đạt được thành công dù còn trẻ.
Theo Entrepreneur-Theo Nhịp sống thị trường