Chỉ bằng cách hái chín, đưa cà phê lên giàn, lửng lơ trên mặt đất thay vì phơi trên sân xi măng theo cách truyền thống từ bao đời nay của bà con Tây Nguyên, chàng kỹ sư cơ khí Đoàn Anh Tuấn ở thôn 1, xã Nam Yang (Đăk Đoa – Gia Lai) đã nâng giá bán cà phê lên gấp hai lần ngay trong cơn “khủng hoảng” giá mấy năm nay chưa được khắc phục.
Trước khi là một sinh viên ngành cơ khí, Đại học Bách khoa TP.Hồ Chí Minh, Đoàn Anh Tuấn (sinh năm 1996) là một cậu bé Tây Nguyên sống trong hương vị cà phê mà lớn lên, những mùa cà phê nở hoa trắng xóa trên rẫy, những sân phơi cà phê đen bóng là sân chơi, là cuộc sống, là tâm hồn của Tuấn.
Sau này, khi rời xa buôn làng lên thành phố học đại học, Tuấn vẫn luôn nhớ hương cà phê thơm đậm của buôn làng, nhưng điều làm chàng trai 9X trăn trở hơn là cuộc sống của người dân vẫn gặp rất nhiều khó khăn, giá cà phê bấp bênh, một phần do cung – cầu thị trường, một phần do phương pháp sơ chế của bà con từ bao đời nay khiến chất lượng hạt cà phê Đăk Đoa giảm đi đáng kể.
“Trong quá trình học ngành cơ khí trong trường đại học, tôi có dịp được tìm hiểu các dây chuyền chế biến nông sản rất hiện đại, vừa giúp nâng cao chất lượng sản phẩm vừa giảm ô nhiễm môi trường, không làm ảnh hưởng đến sức khỏe người dân. Khi đi thực tập, tôi được tiếp xúc với dây chuyền chế biến điều, cà phê rất hiện đại, giúp nâng cao chất lượng sản phẩm, từ đó cải thiện giá bán đáng kể” – Tuấn chia sẻ.
Nhìn những hạt cà phê nhân được chế biến trên dây chuyền hiện đại được bán với giá cao, trong khi sản phẩm bà con mình làm ra phải long đong tìm thị trường, Tuấn rất trăn trở. Đó là chưa kể, làm theo cách cũ: hái đồng loạt, phơi khô trên sân, sau đó xay xát tách vỏ đã thải ra môi trường lượng bụi lớn, ảnh hưởng đến sức khỏe người nông dân.
Vậy là học xong, Tuấn khăn gói quay trở lại bản làng Nam Yang mà không tìm cho mình cơ hội ở thành phố lớn. Dù nhiều người tỏ ra nghi ngại cho sự trở về này nhưng Tuấn tự tin với quyết định của mình và hy vọng những kiến thức mình đã học trong trường sẽ góp phần giúp người dân Nam Yang từng bước thay đổi phương thức sản xuất, nâng cao giá trị sản phẩm.
“Ở Đà Lạt – Lâm Đồng, người dân áp dụng phương pháp hái chín, sơ chế đúng cách nên chất lượng cà phê rất tốt, tôi muốn mình cũng tạo ra những hạt cà phê đặc biệt như vậy” – Tuấn nói.
Nhưng những thử nghiệm của Tuấn ngay từ đầu đã vấp phải sự phản đối của gia đình, nhất là bố Tuấn. Ông không tin những kiến thức có vẻ xa vời ấy sẽ giúp nâng giá cà phê lên gấp đôi, nhất là trong bối cảnh thị trường cà phê đang “khủng hoảng thừa”, giá cả mấy năm nay rất bấp bênh, ảnh hưởng đến cuộc sống của bà con. Dù vậy, Tuấn vẫn kiên trì thuyết phục bố mẹ cho thử nghiệm.
“Bà con lo lắng nếu chỉ hái quả chín thì sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của cây, chưa kể còn bị mất trộm nên hay thu hái đồng loạt. Nhưng để không làm ảnh hưởng đến cây, chỉ cần trước khi thu hái tưới nước, bón một đợt phân hữu cơ là đảm bảo” – Tuấn nêu những khó khăn trong việc áp dụng cách làm mới.
“Thực ra, cách làm của tôi không có gì khó, chỉ cần bà con lựa chọn những quả chín để hái thay vì hái đồng loạt, đưa cà phê lên phơi trên giàn thay vì phơi trực tiếp xuống mặt đất, quá trình phơi đảm bảo độ ẩm của cà phê khoảng 11 – 12% chứ không phải 15 – 16% như thông thường. Làm theo cách này, cà phê sẽ loại bỏ được tạp chất, chống ẩm mốc” – Tuấn chia sẻ.
Trong niên vụ cà phê vừa qua, Tuấn thử áp dụng cách phơi sấy mới với 3 tấn cà phê trong tổng số 15 tấn cà phê của gia đình. “Nhờ làm theo cách này, sản phẩm cà phê nhân của tôi đã được nhiều nhà rang xay cà phê ở TP.Hồ Chí Minh đặt mua với giá 60.000 đồng/kg, trong khi cà phê bình thường giá chỉ 32.000 đồng/kg” – Tuấn hồ hởi chia sẻ.
Ngay trong vụ đầu tiên, chỉ với 3 tấn cà phê làm theo cách mới, Tuấn đã thu được 180 triệu đồng, giá cà phê gấp đôi so với sản phẩm sơ chế theo cách thông thường. Thấy được hiệu quả, bố mẹ Tuấn đã quyết định áp dụng cách làm mới trên toàn bộ diện tích cà phê.
Thời điểm này, Tuấn có thêm một trọng trách mới, đó là Giám đốc Điều hành Hợp tác xã Nông nghiệp và dịch vụ Nam Yang với sản phẩm chủ lực là tiêu Lệ Chí, một sản phẩm truyền thống của địa phương. Những người trẻ như Tuấn đang được kỳ vọng sẽ mang lại diện mạo mới cho nông nghiệp địa phương.
Dù vậy, Tuấn vẫn có ý định thành lập một nhóm liên kết sản xuất, chế biến cà phê theo cách mới để nâng cao giá trị gia tăng, sau khi tổ hoạt động ổn định sẽ gia nhập hợp tác xã để đa dạng hóa ngành nghề, nâng cao sức mạnh tập thể trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm.
“Nhưng tôi không muốn làm ồ ạt, mở rộng quá nhanh, năm nay tôi đặt mục tiêu chế biến được 10 tấn cà phê theo phương pháp mới với hy vọng giúp bà con dần thay đổi nhận thức, tư duy canh tác để áp dụng vào thực tế sản xuất, nâng cao hơn nữa giá cà phê” – Tuấn nói.
Theo Dân Việt