Khi đại quân Mông Cổ tung hoành chinh phục khắp thế giới thì thiên tượng cho thấy sao sáng hội tụ ở phương Nam, vậy nên nơi ấy tất có Thánh nhân xuất sinh. Bởi vậy, một vị tiến sỹ triều Tống xuống phương Nam nương náu Nhà Trần
(Chuyện này được ghi chép trong “Đông A di sự”, một cuốn sách cổ của chính người trong dòng tộc nhà Trần ghi chép lại, do Trần Triều Bình Chương Quốc Sư, Băng Hồ Tướng Công Trần Nguyên Đán chắp bút.)
Khi nhà Tống đang phải chống lại cuộc xâm lăng từ phía Bắc của quân Mông Cổ, đây là đội quân hùng mạnh nhất thế giới thời bấy giờ. Năm 1257 vào dịp tết Nguyên Đán tại triều đình nhà Tống, rất nhiều đại thần có mặt chúc Tết Hoàng Đế, trong số các đại thần có Hoàng Bính vốn là một vị quan đậu tiến sĩ thông tỏ thiên văn, tử vi và tướng pháp.
Sau khi chúc tết Hoàng Đế xong, Hoàng Bính liền ghé đến tòa Khâm Thiên Giám thăm bạn bè của mình, là những người giỏi tử vi. Họ cùng bàn luận tử vi của các thân vương, đại thần trong triều đình. Rồi cùng thấy một điều đặc biệt, đó là những người sẽ mất trước năm Kỷ Mão 1279 thì bình thường; nhưng nhiều người đều mất trong năm 1279, lại mất cùng một thời điểm và rất thê thảm.
Hoàng Bính xem kỹ tử vi của Hoàng Đế cùng chư Vương, Thái tử, Tam công, Cửu khanh, thì thấy vận cùng cả rồi. Từ đó Hoàng Bính đoán rằng nhà Tống có lẽ sẽ bị diệt vào năm 1279. Đêm hôm đó ông lên đài thiên văn quan sát thì thấy sát khí trùm lên các vùng thuộc đất Tống; quỷ tinh chiếu xuống vùng Mông Cổ, mạnh bất khả đương.
Trở về nhà, Hoàng Bính lo lắng không yên, thường quan sát thiên văn. Một lần ông nhìn về phương Nam thấy sao tử vi (ứng vào vua) sáng chói, các quần tinh xung quanh sáng rực rỡ, thịnh đến hơn trăm năm. Từ đó ông cho rằng Mông Cổ sẽ diệt nhà Tống, nhưng đến phương Nam sẽ bị chặn lại.
Thế là ngay trong năm 1257, Hoàng Bính đưa toàn bộ gia tộc khoảng 3.000 người xuống phía Nam đến nương thân ở Đại Việt.
Tiết lộ thiên tượng về thánh nhân
Thế nhưng nhà Trần lúc đó lo ngại nếu để Hoàng Bính ở lại thì có thể gây hiềm khích với nhà Tống. “Đông A di sự” có chép về cuộc đối thoại của vua Trần Thái Tông và Hoàng Bính như sau:
Vua Trần Thái Tông hỏi: “Khanh từng đỗ đệ nhị giáp Tiến sĩ, đã lĩnh chức Thị độc học sĩ triều Tống. Gần đây được ưu ái ban cho lĩnh An phủ sứ châu Tư minh. Thực là hồng ân bao la. Thế sao khanh lại chạy sang xứ thấp nhiệt của quả nhân, xin kiều ngụ?”.
Hoàng Bính đáp rằng: “Khắp gầm trời này, đâu cũng là thiên hạ cả. Đức Khổng tử không hề phân biệt cương giới. Thế thì kẻ vô tài, bất đức như hạ thần đâu dám nghĩ đến Đại Việt, Đại Tống khác nhau? Bảo Hựu hoàng đế Đại Tống trọng đãi thần, thần thực thâm cảm, nguyện kết cỏ ngậm vành. Nhưng, thiên mệnh đã an bài, toàn thể Trung-quốc phải chịu mấy trăm năm dưới ách ác quỷ; khí số nhà Đại-Tống đã hết rồi. Vì vậy, thần mới quan sát thiên văn, tìm nơi mà ác quỷ không thể tác họa, lại có thánh hiền giáng sinh mà ẩn thân.”
Rồi ông chỉ lên trời: “Trời Nam là nơi con cháu Viêm đế trị vì, linh khí ngùn ngụt, thánh nhân giáng trần, cầm gươm đuổi ác quỷ, đó là nơi có thể an thân. Vì vậy thần mới đem tông tộc sang xin bệ hạ cho núp bóng hoàng long”.
Cuối cùng, nhờ có sự giúp sức của cô con gái út là Hoàng Chu Linh, sau này chính là Huệ Túc Phu Nhân mà Hoàng Bính được triều đình nhà Trần cho phép nương tựa.
Cần nói thêm, Hoàng Bính cho rằng phương Nam sao tử vi (ứng vào vua) sáng chói, các quần tinh xung quanh sáng rực rỡ; trời Nam linh khí ngùn ngụt, thánh nhân giáng trần, cầm gươm đuổi ác quỷ. Điều này chính là ứng với những chuyện kỳ lạ về việc giáng sinh của những anh hùng nhà Trần có công lớn 3 lần đánh đuổi quân Mông Cổ, trong đó phải kể đến Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn và Chiêu Văn Vương Trần Nhật Duật.
Sự giáng sinh của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn
Tương truyền mẹ của Trần Quốc Tuấn nằm mơ thấy có một vị thiên thần tinh vàng tướng ngọc, tự xưng là Thanh Tiên Đồng Tử sẽ xuống đầu thai, lúc ông vừa được sinh ra có hào quang tỏa sáng rực cả nhà, mùi hương thơm ngào ngạt.
Thấy con mình khôi ngô tuấn tú bà liền đặt tên cho con mình là Trần Quốc Tuấn. Lớn lên chính Trần Quốc Tuấn là người chỉ huy quân Đại Việt 3 lần đánh bại quân Mông Cổ, danh tiếng lừng lẫy khắp thế giới
Trong Đông A Di Sự của Trần Nguyên Đán có chép rằng khi thấy vua Trần e ngại trao binh quyền cho Trần Quốc Tuấn, bản thân Huệ Túc Phu Nhân có xem lá số tử vi của Trần Quốc Tuấn và bàn với vua như sau:
Tuổi Nhâm Thìn thuộc mệnh thủy, cung mệnh lại nằm ở Hợi cũng là hành thủy, nơi lập mệnh là nơi chỗ đứng con người, cùng là hành thủy nên cuộc đời lúc nào cũng được thuận tiện.
Cục là bước đi dài ngắn khác nhau, lá số này thuộc kim cục, mà kim sinh thủy, nên cục sinh mệnh lại đồng thời cũng sinh ra hành của cung mệnh, thì từ bản chất, tới chỗ đứng, được bước đi sinh ra. Như vậy không bao giờ thất bại, cũng không bao giờ chết bất đắc kỳ tử. Nếu trao bình quyền cho người này thì chỉ có thắng hoặc hòa chứ không bao giờ bại.
Tử vi, Thất sát thủ mệnh, được Hóa quyền, Văn khúc, Trường sinh phù tá thì đây là số của một bậc tể thần, làm lên sự nghiệp vang lừng khắp hoàn vũ, muôn dân trông chờ, nghìn vạn năm sau còn tôn kính. Nói khác đi, mệnh của vương là mệnh của bậc thánh nhân. Như vậy thì bệ hạ còn trì nghi gì nữa mà không ban chỉ trao quyền Tiết chế cho vương, để vương kịp thời chuẩn bị phá giặc.
Vậy nên mệnh của Hưng Đạo Vương chính là mệnh của bậc Thánh nhân bất bại.
Sự giáng sinh của Chiêu Văn Vương Trần Nhật Duật
Vào năm Kỷ Hợi (1239), vua Trần Thái Tông đi tuần du qua phủ Thiên Trường, xa giá dừng lại nghỉ ở làng Miêu. Nghe tin Vua đến, dân chúng nơi đây liền đến cùng với lễ vật để tỏ lòng thành kính.
Khi nhà Vua hỏi chuyện thì lạ thay, người trả lời không phải là các bô lão hay chức dịch trong làng mà là cô gái trẻ tên Vũ Thị Vượng. Đây là cô gái vừa đẹp người lại đẹp nết, chuyên nghề canh cửi, ruộng đồng. Thấy cô gái đối đáp thông mình lại có hiểu biết, Vua liền đón về cung lập làm Phi gọi là Vũ Phi.
Thế nhưng nhập cung đã 10 năm nhưng Vũ Phi vẫn chưa có con, vì thế liền xin Vua cho làm lễ cúng bách Thần để cầu tự, Vua liền đồng ý ngay.
Lễ cầu tự diễn ra 21 ngày, sau đấy một đêm Vũ Phi nằm mộng thấy ngôi sao lớn từ trên không rơi xuống giường nằm của mình, từ đấy bà có mang. Đến giờ Ngọ ngày mồng 10 tháng 4 năm Ất Mão (1255), Vũ Phi sinh một hoàng tử, dung mạo khác thường, đặt tên là Trần Nhật Duật.
Về chuyện này Đại Việt sử ký toàn thư có ghi chép như sau:
Đạo sĩ cung Thái Thanh tên là Thậm cầu tự cho vua. Đọc sớ xong tâu với vua: “Thượng đế đã y lời sớ tấu, sắp sai Chiêu Văn đồng tử giáng sinh, ở trần thế bốn kỷ”. Thế rồi hậu cung có mang. Sau quả nhiên sinh con trai, hai cánh tay có chữ “Chiêu Văn đồng tử”, nét chữ rất rõ, vì thế đặt hiệu là Chiêu Văn (tức là Nhật Duật). Lớn lên, nét chữ mới mất đi.
Biết con mình không giống như những đứa trẻ khác, Vũ Phi hết lòng dạy bảo con từ nhỏ. Trần Nhật Duật vốn hiếu học, lại có trí nhớ tuyệt vời, lớn lên hiểu biết rộng, lại có thể thông thạo tiếng dân tộc khác cũng như tiếng các nước lân bang.
Trần Nhật Duật góp công lớn trong cuộc chiến chống quân Mông cổ lần thứ 2 (năm 1285) và lần thứ 3 (1288 – 1289). Khi về già ông muốn khi mất được chôn gần mộ mẹ ở quê ngoại. Năm 1330 ông mất, linh cữu được chôn ở mảnh đất “song ngư” gần mộ mẹ. Tại đền thờ hai mẹ con còn có bức đại tự nhắc đến sự huyền ảo khi bà Vũ phi hạ sinh Trần Nhật Duật: “Thiên giáng phúc tinh” (Sao phúc từ trên trời xuống).
Trần Hưng