Nắm trong tay tới 60 khách sạn cùng hàng chục dự án bất động sản lớn nhỏ trên toàn quốc nhưng khởi đầu của đại gia điếu cày lại từ một công chức bỏ ngang với hai bàn tay trắng.
Từ cán bộ nhà nước…
Ông Lê Thanh Thản (SN 1949 tại Diễn Châu, Nghệ An). Năm 1974, khi chuẩn bị tốt nghiệp cấp 3, ông ngưng việc học và nhập ngũ trong những năm cuối cùng của cuộc chiến chống Mỹ với vai trò là chiến sĩ thông tin.
Sau ngày thống nhất đất nước, ông Lê Thanh Thản được cấp trên điều đi học rồi phân công tăng cường cho tỉnh Lai Châu. Ông Thản về làm việc tại Văn phòng Tỉnh ủy Lai Châu và đến năm 1984 được điều động về làm Phó Chánh Văn phòng Huyện ủy Mường Lay.
Tới đầu những năm 1990, ông Thản thành lập Xí nghiệp Xây dựng tư nhân số 1 Lai Châu, (sau đổi thành Doanh nghiệp Tư nhân xây dựng số 1 Lai Châu, và nay là Doanh nghiệp Tư nhân xây dựng số 1 tỉnh Điện Biên), có trụ sở tại Điện Biên.
Sau khi thành lập, doanh nghiệp tư nhân của ông Thản mở rộng thị trường xây dựng không chỉ tại tỉnh Lai Châu (tỉnh Điện Biên và tỉnh Lai Châu hiện nay) mà còn ký kết được những gói thầu lớn ở nhiều tỉnh khác trong nước và cả Lào.
Năm 1997, khách sạn đầu tiên mang thương hiệu Mường Thanh được thành lập tại thành phố Điện Biên. Từ đó đến nay, hàng loạt khách sạn mang thương hiệu Mường Thanh đã lần lượt xuất hiện trên khắp các tỉnh thành dọc theo chiều dài đất nước.
Năm 2000, ông Thản bắt đầu hoạt động kinh doanh đầu tiên tại Hà Nội, khởi đầu bằng việc mua một mảnh đất nhỏ trong khu đô thị Linh Đàm để xây khách sạn Mường Thanh và khu căn hộ nhỏ.
Từ đây, hàng loạt các dự án nhà giá rẻ tại Hà Nội của ông Thản đã ra đời và được bán nhanh đến chóng mặt. Trong số đó phải kể đến các dự án như khu đô thị Xa La (Hà Đông), Linh Đàm (Hoàng Mai), Kim Văn Kim Lũ (Hoàng Mai), Đại Thanh (Thanh Trì), Thanh Hà (Thanh Oai)…
Tháng 10/2012, Công ty Cổ phần Tập đoàn Mường Thanh được đăng ký kinh doanh lần đầu với vốn điều lệ 200 tỉ đồng.
Năm 2013, Lê Thị Hoàng Yến (SN 1987) – con gái của ông Lê Thanh Thản chính thức trở thành Tổng Giám đốc chuỗi khách sạn Mường Thanh sau 7 năm tu nghiệp tại nước Anh. Lê Thị Hoàng Yến đã đảm nhận toàn bộ việc quản lý và vận hành chuỗi khách sạn Mường Thanh.
Tính đến 2015, Công ty Tập đoàn Mường Thanh đều thuộc sở hữu của gia đình ông Lê Thanh Thản. Trong đó ông Lê Thanh Thản nắm 70%, bà Lê Thị Hoàng Yến nắm giữ 20% và ông Đỗ Trung Kiên (chồng bà Yến) nắm giữ 10%.
Tới “ông trùm” nhà ở giá rẻ
Trở lại với hành trình kinh doanh nhà giá rẻ của vị đại gia điếu cày Lê Thanh Thản. Từ năm 2000, ông Thản bắt đầu được nhiều người biết đến khi ông đặt chân vào thị trường bất động sản Hà Nội. Khi đó, ông Thản đã mua 1 mảnh đất ở khu đô thị Linh Đàm, xây khách sạn Mường Thanh và khu căn hộ nhỏ.
Sau thâu tóm 21ha đất ở Xa La, Hà Đông, Hà Nội để xây dựng khu đô thị Xa La thì tên tuổi của ông Lê Thanh Thản tại Hà Nội bắt đầu được chú ý hơn. Khi đó, doanh nghiệp của ông Thản đã đưa ra thị trường những căn hộ giá rẻ chỉ 10 triệu đồng/m2.
Tại thời điểm năm 2012, khi thị trường bất động sản đóng băng, việc ông Thản đưa ra chiến lược nhà giá rẻ 10 triệu đồng/m2, nhiều người đã không tin và cho rằng, đây chỉ là chiêu trò của ông Thản.
Lĩnh vực bất động sản của tập đoàn Mường Thanh chủ yếu tập trung ở Hà Nội với tiêu chí là xây nhà giá rẻ, từ khi thành công với khu đô thị Xa La (Hà Đông), đại gia này tiếp tục đầu tư xây dựng một số chung cư, điển hình, trong đó có, khu đô thị Đại Thanh, tổ hợp 12 tòa nhà HH Linh Đàm, Kim Văn Kim Lũ, VP Linh Đàm và mới nhất là Thanh Hà Cienco 5.
Các dự án này ít nhiều cũng đã giải quyết được nhu cầu nhà ở cho người có thu nhập thấp, phải kể đến khu đô thị đại Thanh, Kim Văn – Kim Lũ và khu HH Linh Đàm, giá nhà được bán thấp bằng với nhà ở xã hội còn được vay ưu đãi gói vay 30.000 tỷ đồng.
Tuy nhiên, theo nhận định của một số khách hàng đã mua nhà tại các dự án của đại gia Lê Thanh Thản, có thể việc thi công quá nhanh nên chất lượng thấp, cộng thêm đó là việc chủ đầu tư xây dựng vượt tầng dẫn đến hạ tầng không đáp ứng được bởi mật độ dân số quá đông.
Theo Nhịp sống thị trường