Dù đã có nhiều cảnh báo và tuyên truyền về việc lừa đảo khi tham gia các hoạt động trên không gian mạng nhưng gần đây, hàng loạt người dân ở Bà Rịa – Vũng Tàu vẫn bị các đối tượng lừa đảo chiếm đoạt nhiều tỷ đồng.
Mất tiền vì muốn kiếm tiền
Bà Đ. T. K. (39 tuổi, trú phường Phú Mỹ, thị xã Phú Mỹ) tham gia nhóm Zalo tên “H28_Phát Triển Ngọn Nến Xanh”. Thông qua nhóm này, bà K. có liên lạc với một tài khoản Zalo tên Đoàn Minh Thiện và Bùi Ngọc Hà. Quá trình nói chuyện, bà K. được tư vấn tham gia đầu tư chứng khoán. Ban đầu, bà K. đầu tư và được lợi nhuận từ việc này.
Sau đó, bà K. đã chuyển số tiền tổng cộng hơn 1 tỷ đồng vào hai số tài khoản do Đoàn Minh Thiện và Bùi Ngọc Hà chỉ định. Sau đó, bà K. phát hiện mình bị lừa đảo nên đã đến cơ quan công an trình báo.
Còn bà N.T.T.H. (42 tuổi, ngụ thị xã Phú Mỹ) tham gia vào trang Facebook với nội dung “Bán hàng trên nền thương mại điện tử Alibaba” và được mời tham gia vào ứng dụng Telegram. Lúc này, người dùng ứng dụng có tên “Phạm Bá Hiệp” giới thiệu là chuyên viên của sàn giao dịch thương mại điện tử Alibaba.
Đối tượng hướng dẫn bà H. tải ứng dụng Alibaba và nạp tiền thanh toán tiền gốc của sản phẩm trước, sau đó từ 3 – 5 ngày sẽ nhận được tiền gốc và tiền lãi. Ban đầu, bà H. nạp tiền và được lợi nhuận. Tuy nhiên, khi nạp tiếp tiền vào Alibaba gần 5 tỷ đồng thì bà H. không rút tiền ra được. Bà H. đã liên hệ với bộ phận chăm sóc khách hàng của ứng dụng nhưng không được giải quyết và còn yêu cầu phải nạp thêm tiền với nhiều lý do.
Vào giữa tháng 8, một người đàn ông ở huyện Long Điền đến cơ quan công an trình báo về việc bị lừa đảo, chiếm đoạt số tiền hơn 800 triệu đồng khi nghe lời dụ dỗ, tham gia bán hàng online kiếm tiền.
Theo đó, ông L.X.B. (54 tuổi) đang truy cập mạng xã hội Facebook thì được một tài khoản tên “Thùy Linh” làm quen và hướng dẫn ông B. kiếm tiền bằng việc thực hiện nhiệm vụ mở cửa hàng trên Công ty Ebay và bán hàng online để kiếm lời.
Ông B. thực hiện các giao dịch bán hàng online như đã được hướng dẫn. Các đối tượng tạo lập cho ông B. ví điện tử Ebay để chuyển tiền lời mà ông kiếm được từ việc bán hàng. Ban đầu, ông B. chuyển số tiền 1,25 triệu đồng vào ví và nhận được tiền lời, số tiền thể hiện trên ví điện tử Ebay.
Từ ngày 6 – 29/7, ông B. nhiều lần chuyển tiền vào ví điện tử Ebay theo yêu cầu của các đối tượng với tổng số tiền 850 triệu đồng nhưng các đối tượng vẫn yêu cầu nộp thêm tiền thì mới có thể rút số tiền đã đóng trước đó.
Giả danh công an
Mới đây nhất, bà T.T.B.P. (44 tuổi, trú tại TP Vũng Tàu) nhận được cuộc gọi tự xưng là cán bộ công an, gọi đến để hướng dẫn bà P. làm hồ sơ dịch vụ định danh thông tin cá nhân. Bà P. đã tin tưởng làm theo hướng dẫn từ người này và lên mạng internet tìm kiếm, cài đặt phần mềm có tên “VneID – Bộ Công An” vào điện thoại cá nhân của mình.
Tuy nhiên, sau đó bà P. phát hiện tiền trong các tài khoản ngân hàng của mình đã bị chuyển đến các tài khoản khác với tổng số tiền bị chiếm đoạt gần 107 triệu đồng. Nghi ngờ bị các đối tượng chiếm quyền sử dụng điện thoại và vào các tài khoản ngân hàng của mình qua ứng dụng Internet banking để chiếm đoạt tiền nên bà P. đã trình báo công an. Hiện tại, Công an TP Vũng Tàu đã lập hồ sơ xác minh, giải quyết tin báo tố giác tội phạm theo quy định.
Công an tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đề nghị người dân tuyệt đối không nghe và làm theo lời dụ dỗ về đầu tư tài chính trên không gian mạng.
Một trường hợp khác là bà Đ.T.H. (74 tuổi) bị đối tượng gọi điện thoại tự xưng là đại úy, công tác tại Công an TP Vũng Tàu, thông báo bà H. đang nợ ngân hàng ở Hà Nội hơn 38 triệu đồng. Sau đó, đối tượng giới thiệu bà H. gặp “một đồng chí khác” bên Bộ Công an. “Người bên Bộ Công an” nói bà H. có liên quan đến một đường dây buôn bán ma túy rất lớn. Ông giám đốc ngân hàng đã bị bắt, khai bà H. bán tài khoản cho người đó với số tiền 100 triệu đồng. Và, ông này còn khai bà H. đòi tiền phần trăm các lần mua bán ma túy…
Sau khi hù dọa, đối tượng này truy hỏi bà H. có tiền trong tài khoản ngân hàng không? Khi biết nạn nhân có sổ tiết kiệm hơn 3 tỷ đồng, đối tượng yêu cầu bà H ra ngân hàng chuyển hết tiền vào tài khoản do đối tượng chỉ định để kiểm tra.
Sau khi chuyển xong hơn 3 tỷ đồng, bà H. mới biết mình bị lừa và đến cơ quan công an trình báo.
Theo Công an tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, lợi dụng yếu tố tâm lý về lợi nhuận, sự thiếu hiểu biết của người dân và một số nhà đầu tư, các đối tượng tự nhận là nhân viên các công ty có tên tuổi, thực hiện cuộc gọi đến và mời người dân tham gia các hội nhóm, các khóa học online về đầu tư chứng khoán.
Khi các nạn nhân đồng ý tham gia các nhóm chat, hội nhóm kín, các đối tượng lừa đảo tiếp tục giới thiệu những cơ hội đầu tư sinh lời cao. Để nhận được các ưu đãi trên, các đối tượng đã hướng dẫn nạn nhân truy cập vào các đường link website hoặc cài đặt các app ứng dụng trên thiết bị di động, do chúng cung cấp.
Công an tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đề nghị người dân tuyệt đối không nghe và làm theo lời dụ dỗ về đầu tư tài chính trên không gian mạng đem lại lợi nhuận cao, nhất là khi bản thân không có kiến thức. Tuyệt đối không tham gia vào các group chat, không đầu tư vào các website, app khi chưa tìm hiểu kỹ thông tin về đơn vị chủ quản.
Trường hợp nghi vấn các đối tượng thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, người dân và nhà đầu tư cần báo ngay cho cơ quan công an gần nhất để được hỗ trợ, xử lý kịp thời…
Theo Duy Quang–Theo tienphong.vn