Câu chuyện CEO Sam Altman của OpenAI – công ty đứng đằng sau ChatGPT – bị sa thải khiến nhiều người thắc mắc vì sao lại gây xôn xao đến vậy. Đây là lời giải thích dễ hiểu nhất.
OpenAI – công ty đứng sau công cụ trí tuệ nhân tạo nổi tiếng khắp toàn cầu ChatGPT – là tâm điểm chú ý trên truyền thông nhiều ngày qua.
Mọi chuyện bắt đầu từ việc CEO Sam Altman của công ty bị sa thải bất ngờ, kéo theo những hệ lụy liên quan đến tương lai của ngành công nghệ.
Mọi tin tức đều xoay quanh OpenAI và Sam Altman. Cả hai trở thành đề tài gây sốt khắp mặt báo, thậm chí nhiều đến mức khó chịu.
Nhiều người thắc mắc câu chuyện này có gì mà lại xôn xao đến vậy và người Việt có cần quan tâm đến sự kiện này hay không?
Dưới đây là lời giải thích dễ hiểu nhất cho toàn bộ những gì đã diễn ra vài ngày qua.
Chuyện gì đã xảy ra với OpenAI?
Công ty công nghệ hot nhất thế giới đang sụp đổ sau vụ sa thải gây sốc đối với CEO Sam Altman với lý do mà đến lúc này vẫn còn là bí ẩn.
Giờ đây, OpenAI đang đứng trước nguy cơ mất đa số – nếu không muốn nói là tất cả – nhân viên đã giúp công ty đạt giá trị 80 tỷ USD chỉ trong vài năm ngắn ngủi.
Thông báo về việc chấm dứt hợp đồng của Altman đã dẫn đến sự hỗn loạn ngay lập tức vào cuối tuần trước. Trong hai ngày tiếp theo, các nhân viên của OpenAI cũng như Microsoft, một đối tác và nhà đầu tư của OpenAI, đã nỗ lực đưa Altman trở lại.
Diễn biến sau đó đầy những cú ngoặt bất ngờ. Hội đồng quản trị đạt được thỏa thuận để đưa Altman quay trở lại văn phòng OpenAI và dường như việc anh ngồi lại vị trí CEO chỉ còn là vấn đề thời gian.
Nhưng điều đó đã không xảy ra. Đến sáng thứ Hai, OpenAI có CEO mới và Altman cũng có một công việc khác tại Microsoft. Các nhân viên của OpenAI hiện đang nổi dậy công khai, gần như tất cả họ đều đe dọa nghỉ việc và gia nhập cùng Altman.
Trong tuyên bố mới nhất hôm 22/11, OpenAI lại một lần nữa cho biết đã đạt được thỏa thuận để Sam Altman trở lại làm CEO vài ngày sau khi bị lật đổ, chấm dứt những đồn đoán về tương lai của công ty khởi nghiệp trí tuệ nhân tạo.
Lý do Sam Altman bị sa thải là gì?
Câu trả lời ngắn gọn là không ai biết. Hiện vẫn chưa rõ lý do hội đồng quản trị OpenAI quyết định loại Altman khỏi công ty.
Trước đó, hội đồng quản trị chỉ nói rằng quyết định của họ là kết quả của “quá trình xem xét có chủ ý, kết luận Altman không nhất quán thẳng thắn trong giao tiếp với hội đồng quản trị, cản trở khả năng thực hiện trách nhiệm. Hội đồng quản trị không còn tin tưởng vào khả năng tiếp tục dẫn dắt OpenAI của Altman nữa”.
Microsoft, nhà đầu tư lớn nhất của OpenAI, nhanh chóng tuyên bố đã thuê Altman để lãnh đạo nghiên cứu mảng AI. Công ty cũng thuê cựu chủ tịch OpenAI Greg Brockman. Người này đã từ chức khỏi OpenAI vào tuần trước như một động thái ủng hộ Altman.
Vì sao Sam Altman bị sa thải gây phẫn nộ?
OpenAI là câu chuyện thành công ở Thung lũng Silicon trong thời điểm ngành công nghệ đang trì trệ với hàng nghìn nhân sự bị sa thải trong năm qua. AI và ChatGPT mang tính đột phá xuất hiện, công nghệ mới thú vị và hấp dẫn đối với tất cả mọi người đã giúp công ty phát triển chóng mặt.
Microsoft đã háo hức tham gia cùng đội ngũ OpenAI và Altman, người đã trở thành gương mặt đại diện cho cuộc cách mạng AI trị giá hàng tỷ đô la.
Trước khi đứng đầu OpenAI, Altman cũng là CEO của công ty khởi nghiệp Y Combinator rất nổi tiếng ở Thung lũng Silicon.
Khi OpenAI được coi là công ty tiên phong trong cuộc cách mạng công nghệ mới, Altman đã nắm vai trò là đại sứ trẻ trung, thân thiện, giúp công chúng hiểu rõ hơn về trí tuệ nhân tạo.
Với tư cách là giám đốc điều hành, ông đi khắp thế giới để nói về AI, kề cận và thuyết phục các nhà lãnh đạo toàn cầu về cách tốt nhất để quản lý công nghệ này theo những hướng đi phục vụ lợi ích con người.
Nói một cách đơn giản, Altman tạo được tầm ảnh hưởng lớn và đóng góp không nhỏ cho việc phổ biến AI trên thế giới.
Vì sao vụ sa thải Sam Altman thành cơn sốt truyền thông?
Sam Altman là nhà đầu tư tài ba và giàu có. Ông có mối quan hệ rất tốt với giới công nghệ. Vì vậy, không ngạc nhiên khi tin tức về việc Altman bị sa thải nhanh chóng trở thành câu chuyện về sự kém cỏi của hội đồng quản trị OpenAI thay vì cảm giác về một sai lầm nào đó của vị cựu giám đốc điều hành này.
Việc các nhân viên còn lại của OpenAI, từ các quản lý điều hành hàng đầu cho đến nhân viên đã nghỉ việc hoặc đe dọa nghỉ việc đều đoàn kết cũng giúp sự ủng hộ của công chúng đối với Altman gia tăng.
Điều gì sẽ xảy ra với OpenAI nếu tất cả nhân viên nghỉ việc?
Hơn 700 nhân viên trong tổng số 770 nhân viên của OpenAI đã lên tiếng phản đối quyết định sa thải Altman và sự ra đi sau đó của Brockman. Họ đã ký một lá thư kêu gọi hội đồng quản trị hiện tại từ chức và phục hồi chức vụ cho Altman, bằng không tất cả sẽ rời công ty.
Nếu các nhân viên theo Altman đến Microsoft hoặc đơn giản là đến một công ty khác, OpenAI sẽ sụp đổ. Đây có lẽ là lý do ban lãnh đạo OpenAI cần chấp nhận chào đón Altman trở lại.
Theo Mạnh Kiên-Theo doisongphapluat.nguoiduatin.vn