Các nhân sự trong lĩnh vực công nghệ đang bắt đầu hoang mang về khả năng AI sẽ thay thế công việc của họ.
Kể từ khi ChatGPT gây chú ý vào cuối năm ngoái, nhiều nhân sự trong mảng công nghệ, bao gồm nhiều lập trình viên, đã sử dụng mạng xã hội ẩn danh Blind để đặt câu hỏi liệu AI có khiến họ trở nên thất nghiệp hay không. Theo đó, đã có hàng loạt bài vết được đăng tải trên Blind thảo luận về vấn đề này, bao gồm các cuộc thăm dò về thời điểm AI sẽ thay thế họ cho đến việc thừa nhận rằng thời kỳ hoàng kim của nghề lập trình đã qua.
“Kỹ sư phần mềm là một nghề sắp đi vào dĩ vãng,” một kỹ sư của Microsoft đã viết trong một bài đăng Blind từ đầu tuần này. Bài viết có tiêu đề “Đối mặt với nó, thời hoàng kim đã qua.“
Bài đăng nói trên đã nhận được gần 500 phản hồi khác nhau. Một người khẳng định, “nghề này vẫn ổn”, trong khi một thành viên khác nhận định “mọi công việc văn phòng về cơ bản đang dần chấm hết“.
Trong một bài đăng riêng biệt, một người dùng Blind đã tạo một cuộc thăm dò hỏi liệu các kỹ sư phần mềm trẻ tuổi sắp rơi vào ‘thảm cảnh’ hay không. Cuộc khảo sát đã thu hút hơn 12.000 phiếu bầu. 41,3% số người được hỏi đã bỏ phiếu đồng ý, trong khi 37% bỏ phiếu rằng cơ hội vẫn không thay đổi và 21,7% khác nói rằng hiện có nhiều cơ hội hơn.
Một số nhân viên khác của Blind nói rằng họ “lo lắng” về tương lai của AI nói chung. Một kỹ sư của Google cho biết họ tự hỏi liệu đã đến lúc bắt đầu lại sự nghiệp của mình “từ đầu”.
Một nhân viên của Amazon cho biết họ cảm thấy nghề mà họ đã lặn lộn trong suốt 15 năm đang thay đổi. “Hôm qua tôi đã thử nghịch một chút với GPT-4. Sức mạnh của AI này khiến tôi cảm thấy sợ hãi và buồn bã“, người này viết.
Sự lo lắng này xuất hiện trong bối cảnh các công ty công nghệ đang đặt cược lớn vào tương lai của AI để thay thế các vị trí do con người đảm nhiệm, bao gồm lập trình viên.
Đầu năm nay, chính ‘cha đẻ’ của ChatGPT là OpenAI đã tuyển dụng hàng loạt cộng tác viên để huấn luyện khả năng lập trình cho chatbot AI này – một động thái có thể khiến các công việc lập trình cấp thấp biến mất.
Theo Semafor, OpenAI đang tuyển dụng gần 1.000 các cộng tác viên lập trình – phần lớn trong số họ sống “ở những khu vực như châu Mỹ La tinh và Đông Âu” – trong vòng 6 tháng qua. Khoảng 60% lực lượng này sẽ làm công việc dán nhãn dữ liệu, trong khi 40% còn lại là các lập trình viên máy tính có nhiệm vụ tạo các bộ dữ liệu về kỹ thuật lập trình để huấn luyện các mô hình của OpenAI. Hiện tại, OpenAI đã có sẵn Codex, một AI có khả năng chuyển đổi các đoạn văn bản thành ngôn ngữ lập trình máy tính. Động thái tuyển dụng các cộng tác viên lập trình này cho thấy OpenAI thực sự mong muốn đưa khả năng lập trình của AI lên một tầm cao mới.
Trước đó, ChatGPT từng được cho là đủ giỏi để vào làm việc tại Google ở vị trí kĩ sư phần mềm bậc 3, sau khi chatbot AI này vượt qua mọi câu hỏi phỏng vấn cho mảng lập trình viên, hứa hẹn về khả năng thay thế các nhân sự là con người. Trong khi đó, giám đốc điều hành của Stability AI, Emad Mostaque thậm đã dự đoán sẽ “không có lập trình viên nào trong 5 năm nữa”.
AI chưa làm gì, lập trình viên đã bị sa thải hàng loạt
Trên thực tế, ngay khi AI chưa kịp mang tới sự đe dọa hiện hữu, bản thân các nhân sự trong lĩnh vực công nghệ đang phải vật lộn với tình trạng sa thải hàng loạt và đặt câu hỏi liệu bản thân sẽ còn tiếp tục được hưởng mức lương khổng lồ của mình hay không.
Đầu tuần này, tờ Vox đã báo cáo rằng các kỹ sư phần mềm là đối tượng bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi việc cắt giảm nhân sự của các công ty công nghệ – thay đổi hoàn toàn quan niệm cho rằng lập trình viên là nghề có sự ổn định và đảm bảo cao trong ngành công nghệ.
Kĩ sư phần mềm là vị trí bị sa thải nhiều nhất trong ngành công nghệ tính tới hiện tại của năm 2023, chiếm đa số so vói các vị trí ngành nghề khác. Ảnh: Revelio Labs
Theo dữ liệu từ Revelio Labs, một công ty tổng hợp dữ liệu lực lượng lao động có sẵn công khai, các kỹ sư phần mềm có thể là một trong số những đối tượng đầu tiên phải ra đi trong bối cảnh ngành công nghệ sa thải nhân sự trên diện rộng. Trong số 170.000 nhân sự bị các công ty công nghệ sa thải trong năm nay, các kĩ sư phần mềm chiếm gần 20% trong số này. Đây là một con số nói lên nhiều vấn đề, khi nghề kĩ sư phần mềm chỉ chiếm khoảng 14% tổng số nhân lực toàn ngành, theo dữ liệu từ Revelio Labs.
Tuy nhiên, một số người dùng lạc quan rằng AI sẽ mang tới nhiều lợi ích hơn trong việc trợ giúp cho các kỹ sư phần mềm. Một thành viên của mạng xã hội Blind hiện làm việc tại Shopify đã so sánh “sự diệt vong và u ám mà ChatGPT mang tới” với những dư luận tiêu cực xung quanh 5G, công nghệ blockchain và Web3. Một thành viên khác đặt câu hỏi về việc liệu hầu hết các công ty công nghệ liệu đã đủ tiên tiến để áp dụng và tích hợp AI thay nhân sự là con người hay không.
“Mọi người sẽ ổn thôi, hãy coi AI như một công cụ tăng năng suất chứ không phải kẻ thù. Chúng ta tạo ra nó, nó không tạo ra chúng ta”, một nhân viên Microsoft trấn an những thành viên khác, vốn đang lo lắng về số phận của các kỹ sư phần mềm.
Theo Anh Việt-Theo TTVH