Đó là nhận định của ông Phạm Gia Dân, Giám đốc Phát triển kinh doanh của Infobip Việt Nam. Theo ông, đã có khá nhiều doanh nghiệp áp dụng thành công chiến lược này dù vẫn còn tồn tại nhiều doanh nghiệp hiểu sai hoặc sở hữu cái nhìn ngắn hạn về chiến lược.
Infobip là một công ty dẫn đầu toàn cầu về công nghệ truyền thông đa kênh (omni-channel). Infobip vận hành Nền tảng truyền thông toàn khối dưới dạng Dịch vụ (CPaaS) với cơ sở hạ tầng đám mây riêng, kết nối zero-hop với các thiết bị viễn thông trên toàn cầu.
Để hiểu rõ hơn về doanh nghiệp và những điểm mạnh yếu của Infobip cũng như thị trường marketing Việt Nam, chúng tôi đã có buổi nói chuyện với ông Phạm Gia Dân – Giám đốc Phát triển kinh doanh của Infobip Việt Nam.
Infobip đã vào Việt Nam bao lâu? Hành trình scale-up của một startup toàn cầu vào Việt Nam khó hay không?
Infobip chính thức đăng ký công ty tại Việt Nam vào năm 2011 và đến năm 2015 chúng tôi đã có 2 văn phòng tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh.
Trên hành trình từ lúc thành lập công ty, mở rộng quy mô kinh doanh tại thị trường Việt Nam, chúng tôi cũng từng phải trải qua rất nhiều khó khăn về văn hóa bản địa, về sự cạnh tranh khốc liệt của thị trường, đặc biệt là sự cạnh tranh từ các công ty Việt Nam. Để có được những thành công ngày hôm nay, chúng tôi đã nhận thức được những thách thức và khó khăn đó để biến nó thành động lực cho việc thay đổi cũng như thích ứng một cách nhanh nhất, phù hợp nhất với tình hình hiện tại của thị trường.
Infobip khác biệt như thế nào với các doanh nghiệp cùng ngành tại Việt Nam? Đóng góp cụ thể của Infobip vào sự phát triển của ngành tại Việt Nam?
Infobip hoạt động trên thị trường Việt Nam đã được khoảng 10 năm và luôn là một trong những đơn vị tiên phong trong lĩnh vực. 10 năm trước, Infobip là công ty tiên phong giới thiệu dịch vụ tin nhắn thương hiệu SMS Brandname tại thị trường Việt Nam.
Ngày nay, Infobip cũng là một trong những đơn vị tiên phong mang tới những trải nghiệm trên nền tảng omni-channel cho việc tương tác đa kênh và giờ đang trở thành những xu hướng mới tại Việt Nam.
Để có thể tồn tại và phát triển, Infobip luôn chú trọng tạo ra sự khác biệt và coi đó là những lợi thế cạnh tranh của mình so với các doanh nghiệp trong nước.
Theo đó, Infobip tập trung vào nâng cao bảo mật thông tin dữ liệu của khách hàng; đem đến mô hình vận hành HA (High Availability) với hệ thống Data Center theo tiêu chuẩn toàn cầu; cung cấp hệ sinh thái toàn diện trên nền tảng Cloud cho phép doanh nghiệp lựa chọn dịch vụ cần thiết để phục vụ cho việc tương tác với khách hàng một cách đơn giản; hỗ trợ 24/7 bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau, theo múi giờ khác nhau.
Tham vọng của Infobip tại thị trường Việt Nam là gì?
Với khẩu hiệu “We are just starting” (Chúng tôi mới chỉ đang bắt đầu) vốn được sử dụng xuyên suốt trong quá trình hoạt động của Infobip toàn cầu nói chung và Infobip Vietnam nói riêng, chúng tôi luôn làm mọi thứ với tinh thần khởi nghiệp và không hài lòng với hiện tại để hướng tới những đích đến xa hơn. Chúng tôi đang nỗ lực để trở thành công ty hàng đầu trong việc cung cấp các giải pháp tương tác đa kênh trên mọi phương diện (CPaaS, SaaS).
Ông nghĩ gì về chiến lược lấy khách hàng làm trung tâm mà nhiều doanh nghiệp Việt hay nói? Liệu có nhiều doanh nghiệp đã hiểu đúng và thành công khi đi theo chiến lược này?
Ngay từ khi thành lập, Infobip đã xác định rõ việc đặt khách hàng làm trung tâm và nỗ lực phát triển các giải pháp, sản phẩm sao cho phù hợp nhất, mang lại giá trị tốt nhất cho doanh nghiệp, giúp họ bắt kịp xu hướng để tạo ra các lợi thế cạnh tranh trên thị trường.
Theo quan sát của cá nhân tôi, đã có khá nhiều doanh nghiệp áp dụng thành công chiến lược này và có những sự thay đổi, những bước chuyển mình ngoạn mục. Tuy nhiên, bên cạnh đó, còn tồn tại nhiều doanh nghiệp hiểu sai hoặc sở hữu một cái nhìn ngắn hạn về chiến lược này nên chưa đạt được kết quả như kỳ vọng.
Infobip có khuyến nghị nào cho những doanh nghiệp thật sự quyết tâm làm tới cùng?
Với kinh nghiệm cung cấp dịch vụ trên phạm vi toàn cầu, Infobip khuyến nghị các doanh nghiệp nên mạnh dạn “chuyển đổi” và áp dụng công nghệ một cách triệt để theo hướng lâu dài nhằm tạo ra những lợi thế cạnh tranh trong lĩnh vực của mình.
Đồng thời để tiết kiệm chi phí, thời gian, cũng như nguồn lực, điều cần làm là thay đổi tư duy và làm quen với việc sử dụng các dịch vụ trên nền tảng Cloud vì điều này giúp doanh nghiệp của mình “chuyển đổi” và “thích ứng” một cách nhanh nhất và hiệu quả nhất với tình hình mới, đặc biệt là giai đoạn hậu Covid.
Ánh Dương-Theo Nhịp Sống Kinh Tế