Đây là nhận định của ông Giáp Văn Đại tại phiên thảo luận “Intelligence Transformation in Vietnam: Fad or Fab?” vừa diễn ra tối qua tại Hà Nội.
Intelligence Transformation – Chuyển đổi trí tuệ là một khái niệm mới, đề cập đến quá trình mang lại những hiệu quả tốt hơn trong doanh nghiệp và xã hội dựa trên công nghệ kỹ thuật số (bao gồm dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo và công nghệ đám mây).
Tại Việt Nam, ngày càng có nhiều các doanh nghiệp và startup đang nghiên cứu, áp dụng chuyển đổi trí tuệ để cải thiện bộ máy doanh nghiệp, định hình xã hội và thậm chí phát triển nền kinh tế.
Tuy nhiên, với hiện trạng không đủ tài nguyên, cơ sở vật chất và các chuyên gia trong lĩnh vực như hiện nay, có những lo ngại rằng, việc chuyển đổi trí tuệ chỉ có khả năng đáp ứng các yêu cầu ngắn hạn của doanh nghiệp thay vì phát triển thành những dự án dài hạn.
Chia sẻ về vấn đề này, ông Giáp Văn Đại – Nhà sáng lập Nami Assistant cho biết, về bản chất, khi có một lý thuyết mới được tạo ra thì luôn có những giai đoạn thử nghiệm lý thuyết đó, sau đó áp dụng vào thực tế, từ đó nhận rộng mô hình lên. “Trong câu chuyện này, khái niệm chuyển đổi trí tuệ đã được nhắc đến từ năm 2009. Để phát triển nó thì thường là các tập đoàn mới có đủ sức để chứng minh nó thành công hay thất bại. Thế nhưng để làm điều đó thì không có nhiều tập đoàn dám thử nghiệm” – ông Giáp Văn Đại nhấn mạnh.
Ông Giáp Văn Đại cho biết thêm, cho đến bây giờ, với sự phát triển của trí tuệ nhân tạo, rất nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ đã bắt đầu thử sức để “đi tắt đón đầu”, hoặc muốn di chuyển nhanh hơn so với tập đoàn, đặc biệt đối với các startup – là các công ty nhỏ, dễ quản lý, dễ số mã dữ liệu hơn so với các tập đoàn lớn. “Ví dụ như Facebook, Youtube, Google và Amazon cũng đã chuyển đổi, hay các công ty không phải thuần công nghệ như Starbuck và Walmart cũng đã tiến hành” – ông Giáp Văn Đại chia sẻ.
“Mục tiêu phát triển chuyển đổi trí tuệ thường mang tính chất tầm nhìn hơn là chỉ từng giai đoạn riêng lẻ. Quan điểm dài hạn hay ngắn hạn là thiếu thông tin về tiêu chuẩn của chuyển đổi trí tuệ“ – ông Giáp Văn Đại khẳng định.
Đồng tình với quan điểm trên, ông Nguyễn Việt Tiến – Giám đốc Công nghệ Teko Việt Nam cho biết, trên thực tế, các doanh nghiệp công nghệ và startup sẽ chuyển đổi nhanh hơn. “Bởi các doanh nghiệp công nghệ và startup đó họ có sẵn nguồn nhân lực và có tư duy công nghệ. Còn đối với các doanh nghiệp khác thì họ sẽ phải tốn thêm chi phí để đầu tư thêm cho đội ngũ IT cũng như CEO cần phải có độ hiểu biết nhất định về công nghệ trước khi ra quyết định chuyển đổi số tất cả mọi thứ” – ông Nguyễn Việt Tiến chia sẻ.
Bên cạnh đó, ngoài nguồn vốn, yếu tố tiên quyết cần để thực hiện chuyển đổi, chính là việc người lãnh đạo cần phải có tư duy nhìn nhận được vấn đề bởi bản chất của startup được gây dựng dựa trên vấn đề và giải pháp chứ không chỉ là ý tưởng khởi nghiệp.
Bất kỳ một Founder hay CEO nào cũng phải nhìn ra được vấn đề của bản thân hay của nội tại doanh nghiệp. Tiếp theo là cần phải có mục tiêu rõ ràng, xác định được công ty hay doanh nghiệp mình muốn gì. Thí dụ, làm thế nào để cắt giảm chi phí nhưng vẫn phải tăng lượng người dùng, lượng khách hàng cho doanh nghiệp. “Ban đầu nghe có vẻ phi lý nhưng việc chuyển đổi sẽ giúp cho doanh nghiệp cắt giảm được một khoản chi phí đáng kể” – ông Nguyễn Việt Tiến khẳng định.
Phiên thảo luận “Intelligence Transformation in Vietnam: Fad or Fab?” là màn mở đầu cho chuỗi sự kiện Vietnam Frontier Summit 2019 tại Việt Nam. Sau ba năm tổ chức, Vietnam Frontier Summit 2019 với chủ đề “Intelligence in Motion” hứa hẹn sẽ là sự kiện công nghệ lớn nhất khu vực, đã trở thành sân chơi trí tuệ để những doanh nghiệp, cá nhân trong lĩnh vực AI gặp gỡ, nhìn nhận về tiềm lực của đất nước trong quá trình ứng dụng, phát triển công nghệ này bắt kịp với xu thế trên thế giới.
PV