Theo truyền thông quốc tế, Indonesia, Việt Nam và Thái Lan đang ở trong tầm mắt của nhiều tập đoàn khi bắt đầu triển khai các cơ sở sản xuất mới.
Động thái nằm trong nỗ lực giảm rủi ro chuỗi cung ứng khi căng thẳng địa chính trị giữa phương Tây và Bắc Kinh ngày càng tăng.
Các công ty cấp tập dồn về Đông Nam Á
Financial Times đưa tin, Tập đoàn Siemens của Đức đang “lùng sục” khắp Đông Nam Á để tìm kiếm các thỏa thuận.
Tập đoàn của Đức, một trong những tập đoàn công nghiệp lớn nhất thế giới, đang tuyển nhân viên và xem xét bổ sung các nhà máy tại các nền kinh tế đang phát triển nhanh bao gồm Indonesia, Việt Nam và Thái Lan – Judith Wiese, Giám đốc nhân sự của Siemens, cho biết trong một cuộc phỏng vấn.
Đó là một khu vực rất đa dạng và có nhiều tiềm năng, bà Wiese nói thêm.
Các chuỗi cung ứng đang bị ảnh hưởng trong bối cảnh Mỹ nỗ lực hạn chế khả năng tiếp cận công nghệ tiên tiến của Trung Quốc, cộng thêm hệ quả từ dịch Covid-19 trước đây tại nước này cũng như tốc độ tăng trưởng chậm lại.
Bên cạnh đó, tờ Nikkei (Nhật Bản) đưa tin, tập đoàn Keppel của Singapore đang khai thác các thị trường mới nổi như Việt Nam để tăng trưởng.
Nikkei viết, Việt Nam đang có sức hút như một trung tâm sản xuất cho các nhà đầu tư đang tìm cách đa dạng hóa chuỗi cung ứng.
Giám đốc điều hành của công ty, Loh Chin Hua, đã lưu ý trong một cuộc phỏng vấn với Nikkei Asia rằng các doanh nghiệp đang nghiêng về chiến lược “Trung Quốc + 1” – nỗ lực nhằm đa dạng hóa các khoản đầu tư từ Đại lục sang các điểm đến thay thế để giảm rủi ro.
Các công ty công nghệ đã bắt đầu vào Việt Nam, coi Việt Nam là một cơ sở sản xuất khả thi, ông Loh nói.
“Chúng tôi đang ở một vị trí rất tốt để… đầu tư nhiều hơn nữa vào Việt Nam. Chúng tôi cũng nhận thấy rất nhiều cơ hội ở Việt Nam trong quá trình chuyển đổi năng lượng,” Loh nói thêm.
Tập đoàn Singapore đang xem xét các khả năng kinh doanh từ chất thải thành năng lượng tại Việt Nam và tất nhiên là cả các trung tâm dữ liệu, lĩnh vực mà tập đoàn Keppel khá mạnh – theo Nikkei. Ngoài Việt Nam, công ty đang để mắt đến các thị trường khác trong ASEAN như Indonesia, Thái Lan [và] Malaysia.
Chiến lược “Trung Quốc + 1” đang thành hiện thực
Một số công ty đa quốc gia đang trong chiến lược sản xuất “Trung Quốc + 1”. Sony, Apple, Samsung và Adidas nằm trong số các doanh nghiệp đã chuyển sản xuất từ Trung Quốc sang Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam và Thái Lan – tờ Financial Time cho hay.
Một luật sư ở Singapore cho biết, các công ty châu Âu đã chậm hơn trong việc chuyển chuỗi cung ứng sang Đông Nam Á, nhưng xu hướng này sẽ đẩy nhanh ngay bây giờ.
Ấn Độ cũng hưởng lợi tương tự từ việc các công ty chuyển hoặc bổ sung dây chuyền sản xuất ra khỏi Trung Quốc.
Ấn Độ là một thị trường lớn và được cho là có tiềm năng tái lập các điều kiện đã giúp Trung Quốc trở thành cường quốc sản xuất của thế giới.
Bà Wiese nói rằng mặc dù Trung Quốc vẫn là trung tâm sản xuất chính của châu Á, nhưng dễ dàng bị thay thế hơn khi những nơi khác phát triển.
Đông Nam Á “có cơ hội với tư cách là một thị trường cũng như từ góc độ sản xuất”, bà nhấn mạnh.
Các đại gia công nghiệp Đức phải chịu áp lực ngày càng tăng để xem xét lại sự phụ thuộc của họ vào Trung Quốc.
Philip Buller, nhà phân tích tại Berenberg, cho biết động lực đằng sau quyết định đầu tư của Siemens, là triển vọng về nhu cầu và tăng trưởng. Ông nói thêm: “Trong vài thập kỷ, Trung Quốc là động lực tăng trưởng, nhưng điều đó hiện đang giảm dần”.
Dan Harris, thành viên sáng lập của Harris Bricken – công ty luật quốc tế thường đại diện cho các công ty kinh doanh tại các thị trường mới nổi – cho rằng “Trung Quốc + 1” hiện đang quay trở lại và trở lại mạnh mẽ.
Theo ông, mong muốn của các công ty chuyển ra khỏi Trung Quốc ngày nay mạnh mẽ và cấp bách hơn so với năm 2014-2015, khi chính sách này mới được nhắc đến.
Khi nhiều công ty chuyển hoạt động sản xuất ra khỏi Trung Quốc, thì càng có nhiều nhà sản xuất phụ tùng linh kiện đang và sẽ tiếp tục chuyển hoạt động sản xuất của họ ra khỏi Trung Quốc.
Ông cũng nhận thấy sự gia tăng mạnh mẽ các nhà sản xuất linh kiện ở Trung Quốc chuyển hoạt động sản xuất sang những nơi như Việt Nam và Mexico.
Điều này đã xảy ra trong một số ngành công nghiệp, nhưng còn chậm, ông nói thêm.
Theo Minh Khôi–Nhịp sống thị trường