Tất cả đều không hề hay biết việc Sea sẽ đóng cửa hoạt động thương mại điện tử tại Ấn Độ, chỉ vài tháng sau khi ra mắt vào tháng 10 năm ngoái.
Theo Tech in Asia, Shopee Ấn Độ sẽ sa thải hơn 300 nhân viên sau khi quyết định dừng hoạt động tại quốc gia tỷ dân. Thông tin trên khiến toàn bộ nhân sự của gã khổng lồ này sửng sốt vì không hề hay biết việc Sea sẽ đóng cửa hoạt động thương mại điện tử tại Ấn Độ, chỉ vài tháng sau khi ra mắt vào tháng 10 năm ngoái.
Một nguồn tin thân cận khác cho biết Shopee tại Ấn Độ có khoảng 300 nhân sự vào tháng 12/2021, song con số thực tế hiện khoảng 350 người. Cho tới nay, phần lớn trong số đó đều đang làm việc từ xa mặc dù Shopee có một văn phòng tạm thời tại không gian làm việc chung ở Bengaluru.
Sau khi quyết định rời Ấn Độ, Shopee sẽ thanh toán khoản bồi thường cho toàn bộ nhân viên trong 3 tháng là tháng 4, tháng 5 và tháng 6. Khoản lương tháng 3 vẫn sẽ được công ty thanh toán như bình thường. Ngoài ra, Shopee cũng sẽ đền bù chi phí đi lại cho những nhân viên từ các thành phố khác chuyển tới Bengaluru để làm việc, đồng thời hỗ trợ nhân sự cũ tìm kiếm việc làm mới thông qua mạng lưới tuyển dụng.
Được biết Shopee sẽ nhận lại một số nhân sự cho các thị trường khác như Philippines và Thái Lan nếu phù hợp, song không phải ai cũng đồng ý với phương án này.
“Tôi sẽ phải chuyển tới Philippines sau một vài tháng làm việc từ xa ư? Tôi không thể và sẽ không cân nhắc đề nghị này”, một nhân viên chia sẻ.
Người này cho biết anh đã bỏ công việc tại một công ty thương mại điện tử địa phương và chuyển sang làm việc cho Shopee từ vài tháng trước, với mục đích được “làm việc trong môi trường quốc tế và nhận khoản lương tăng thêm 35%”. Anh chia sẻ toàn bộ nhân sự công ty đều rất bất ngờ bởi họ không cảm nhận được bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy Sea sẽ đóng cửa Shopee Ấn Độ.
“Nghĩ kĩ lại thì Shopee đã cắt giảm chi phí marketing vào tuần trước, nhưng tôi không ngờ được rằng ngày hôm nay sẽ đến”, nhân sự này chia sẻ.
Theo Tech in Asia, một số nhân sự đã bắt đầu tìm kiếm việc làm tại các công ty đối thủ của Shopee như công ty thương mại xã hội Meesho và sàn thương mại điện tử Flipkart. Trên Twitter chính thức, Meesho đã có nhiều bài đăng “bóng gió” rằng họ sẵn sàng đón nhận các nhân viên Shopee. Phía Flipkart cũng xác nhận với Tech in Asia rằng một số nhân viên Shopee đã gửi hồ sơ xin việc tới họ.
Chỉ một vài tháng sau khi ra mắt Ấn Độ, Shopee nhanh chóng trở thành ứng dụng mua sắm được tải về nhiều nhất tại đây. Vì vậy, quyết định đóng cửa đột ngột khiến không ít người bất ngờ.
Theo Angus Mackintosh, một nhà phân tích tại Cross ASEAN Research, Shopee đang muốn giảm tốc độ “đốt tiền” và tối ưu hóa các chi phí. Một số báo cáo tiết lộ Shopee đang phải bỏ ra từ 40 triệu USD đến 50 triệu USD mỗi tháng tại quốc gia tỷ dân.
Ấn Độ là thị trường thứ 2 mà Sea quyết định “rút chân” trong tháng này, sau tuyên bố sẽ rời Pháp. Động thái trên được đưa ra trong bối cảnh giới chức Ấn Độ cấm trò chơi ăn khách Free Fire của Sea vì nghi ngại có mối liên hệ với Trung Quốc
Về phần mình, Shopee cho biết quyết định rút khỏi Ấn Độ là do “các yếu tố bất định trên thị trường thế giới” và Shopee sẽ nỗ lực để thực hiện quá trình này một cách trơn tru nhất có thể. Phía công ty cũng khẳng định quyết định rút lui không hề liên quan tới yếu tố chính trị.
Trong khi nhiều nhà đầu tư cho rằng việc Sea đóng cửa Shopee Ấn Độ là động thái tiêu cực, nhà phân tích Mark Goodridge lại nhìn nhận đây là điều tích cực vì 2 lý do.
Ông cho rằng ban lãnh đạo Sea đang cho thấy khả năng phân phối nguồn lực linh hoạt khi những lợi ích từ thị trường Ấn Độ không đủ bù đắp cho các chi phí logistics vốn luôn duy trì ở mức cao. Ngoài ra, việc đóng cửa ở Ấn Độ cũng sẽ giúp Sea tập trung nguồn lực vào các thị trường hứa hẹn hơn như Mỹ Latinh.
Theo: Tech in Asia-Vũ Anh-Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị