Giới chuyên gia nhận định, việc nước này tham gia vào các hoạt động chung như “Noble Dina” có thể gửi đi một thông điệp mạnh mẽ tới cả Thổ Nhĩ Kỳ và Trung Quốc.
Liên minh chống Thổ
Lần đầu tiên, hải quân Israel, Hy Lạp, Síp và Pháp cùng nhau tổ chức cuộc tập trận chung ở Đông Địa Trung Hải.
Trong cuộc biểu dương sức mạnh, lực lượng hải quân 4 nước đã thực hành các nội dung tác chiến chống ngầm, tìm kiếm-cứu hộ để cùng nhau chuẩn bị cho bất cứ mối đe dọa tiềm tàng nào trong tương lai.
Cuộc tập trận mang tên “Noble Dina” diễn ra hồi tuần trước, hướng tới mục tiêu củng cố mối quan hệ hợp tác giữa các nước láng giềng và đối tác, đồng thời làm phong phú thêm kinh nghiệm hoạt động, tác chiến của mỗi bên – Thiếu tá Amichai Rachamim, đại diện cho Hải quân Israel, nói với truyền thông.
“Đặc biệt, các hoạt động huấn luyện đa dạng đã được tiến hành trong môi trường hàng hải, bao gồm các hoạt động chiến thuật, tác chiến chống ngầm, phối hợp tác chiến đường không, tìm kiếm-cứu nạn…” – Thông báo của chính phủ Síp cho hay.
Giới chuyên gia nhận định, đây cũng là dịp để Israel củng cố quyền kiểm soát của họ đối với Đông Địa Trung Hải. Và bằng cách mời thêm các nước láng giềng giáp ranh khu vực biển này tới tham gia tập trận, Israel đang xây dựng một liên minh mạnh mẽ với mục tiêu có thể là chống Thổ Nhĩ Kỳ.
Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ đã bị “khóa chặt” trong các tranh chấp hàng hải những năm qua. Địa Trung Hải cũng là nơi chứng kiến căng thẳng gia tăng giữa Israel và Iran sau khi một tàu hàng của Israel bị tấn công gần vịnh Oman hồi tháng Hai vừa qua. Quốc gia Do Thái đã cáo buộc Iran cài cắm thiết bị nổ vào con tàu, dù Tehran nhất mực phủ nhận.
Có một nhân tố khá thú vị tham gia sự kiện lần này, đó chính là Pháp. Dường như Paris đang có xu hướng gia tăng vai trò của mình trong các cuộc tập trận. Họ dự kiến sẽ tổ chức thêm một cuộc diễn tập hải quân với Ấn Độ và UAE trong tháng Tư năm nay, với địa điểm là vịnh Ba Tư và vịnh Oman.
Trong khi đó, đây sẽ là lần đầu tiên UAE tham gia cuộc tập trận có tên gọi Varuna [vốn là cuộc tập trận song phương giữa Pháp-Ấn]. Điều đó cho thấy mối quan hệ đối tác chiến lược ngày càng phát triển giữa UAE, Ấn Độ và Pháp.
“Các cuộc tập trận hải quân giúp đoàn kết Pháp, UAE, Mỹ, Nhật Bản và Australia có thể mang lại một thông điệp lớn về mối quan hệ đối tác chiến lược liên đại dương, từ Australia tới Pháp (khoảng 12.000km)” – Nhà phân tích Seth J. Frantzman viết trên tờ Jerusalem Post.
“Nhiều cách diễn giải khác nhau về nhóm quốc gia này hoặc tiềm năng hợp tác của họ cho rằng đây là một phương thức phản ứng trước các động thái ngày càng hung hăng của Trung Quốc” – Ông Frantzman cho biết thêm.
Ấn Độ có trở thành nhân tố bất ngờ?
Theo tờ EurAsian Times, trong bối cảnh đó, một câu hỏi được đặt ra là: Liệu Ấn Độ có nên tham gia các cuộc tập trận như “Noble Dina” cùng với Israel, Pháp và Hy Lạp để gửi tín hiệu tới Trung Quốc?
Trước đó, Pakistan từng vượt đường xa tới Địa Trung Hải để tham gia cuộc tập trận hải quân chung với Thổ Nhĩ Kỳ nhằm thể hiện sự ủng hộ đối với Ankara.
Trao đổi với EurAsian Times, Phó Đô đốc về hưu Shekhar Sinha cho rằng: “Tôi không nghĩ Địa Trung Hải là vùng lợi ích của chúng ta. Thay vào đó, vùng lợi ích của Ấn Độ nằm ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương [chính xác hơn là ở Ấn Độ Dương], như chính phủ chúng ta đã nêu rõ. Sẽ không phải là lựa chọn khôn ngoan nếu chúng ta triển khai các phương tiện hải quân quan trọng tới nơi xa xôi như Địa Trung Hải”.
Mối quan hệ chiến lược giữa Ấn Độ với các quốc gia như Israel, Hy Lạp, Pháp và thậm chí cả Síp, đang phát triển mạnh mẽ, trong khi New Delhi đã xây dựng được mối quan hệ tốt đẹp với UAE và Saudi Arabia.
Giới chuyên gia nhận định, việc Ấn Độ tham gia vào các cuộc tập trận hải quân chung như “Noble Dina” có thể gửi đi một thông điệp mạnh mẽ tới cả Thổ Nhĩ Kỳ và Trung Quốc, đồng thời củng cố liên minh vốn đang phát triển trong khuôn khổ “Bộ tứ kim cương” (QUAD).
Tuy nhiên, theo Chuẩn Đô đốc về hưu Sudhir Pillai, Ấn Độ cho tới gần đây vẫn rất nghi ngại các cuộc tập trận đa quốc gia. Di chuyển quãng đường xa và tham gia một cuộc tập trận ở Địa Trung Hải không phải là mối quan tâm của Ấn Độ lúc này.
“Các khu vực lợi ích và khu vực hoạt động của Ấn Độ sẽ định nghĩa các địa điểm và cách thức mà chúng tôi hoạt động trên nền tảng thường xuyên và theo lộ trình. Địa Trung Hải hiện nằm ngoài những vùng này” – Ông Pillai nói thêm.
Song, các chuyên gia cũng nhận định thêm rằng, viễn cảnh an ninh hiện nay ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương sẽ đòi hỏi các nước trong Bộ Tứ phải xây dựng những mối quan hệ đối tác chưa từng có tiền lệ, tiến tới sự hình thành của các liên minh quân sự.
Ấn Độ cũng đã tăng cường quan hệ song phương với các quốc gia Ả Rập những năm qua, trong bối cảnh diễn ra nhiều cuộc tái cơ cấu địa chiến lược do cựu Tổng thống Trump tiến hành.
Với việc bình thường hóa quan hệ với Israel và thế giới Ả Rập, Ấn Độ đã mở rộng vòng bạn bè của mình ở vùng Vịnh và nước này sẽ nắm giữ những lợi thế chiến lược đáng kể xung quanh khu vực giáp Địa Trung Hải.
Do đó, việc tham gia các cuộc tập trận hải quân ở Địa Trung Hải có thể giúp Ấn Độ củng cố quan hệ quân sự và đảm bảo các tuyến thương mại của nước này thông qua vịnh Oman và kênh đào Suez.
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị