Từ các cảng biển đến các nhà máy điện, từ các câu lạc bộ bóng đá tới các công ty tài chính, Trung Quốc đang đầu tư hàng tỉ Euro vào châu Âu.
Sự hào phóng đáng ngờ
Chuyến tàu Nghĩa Ô-London chầm chậm tiến vào ga DB Eurohub, điểm cuối trong hành trình 18 ngày từ thành phố nằm về phía Nam của Thượng Hải, qua các quốc gia Kazakhstan, Nga, Belarus, Ba Lan, Đức, Bỉ, Pháp và cuối cùng là Barking, Đông London. Hành trình này là một phần của Con đường Tơ lụa Đông-Tây cũ, nhà báo Juliet Ferguson mở đầu bài viết của mình được đăng tải trên báo The Guardian (Anh).
Tuyến đường sắt nối từ Nghĩa Ô sang London này chỉ là một trong rất nhiều dự án cơ sở hạ tầng đã được xây dựng trong khuôn khổ sáng khiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc. Cho dù đây là một chiêu quảng bá tinh vi hay một phiên bản mới của Con đường Tơ lụa, thì thực tế là nhiều nước châu Âu vẫn rất hoan nghênh các khoản đầu tư của Trung Quốc với thái độ hàm ơn.
Từ các cảng biển đến các nhà máy điện, từ các câu lạc bộ bóng đá tới các công ty tài chính, từ thị trấn nhỏ Kirkenes của Na Uy tới cảng Piraeus của Hy Lạp và lưới điện quốc gia của Bồ Đào Nha, vốn đầu tư Trung Quốc đã trở thành một phần thiết yếu đối với nền kinh tế châu Âu.
Tuy nhiên, việc Trung Quốc trỗi dậy và trở thành cường quốc kinh tế toàn cầu đã đẩy các chính phủ châu Âu vào tình thế tiến thoái lưỡng nan về chiến lược. Hồi tháng 3 năm nay, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron từng tuyên bố rằng “thời kỳ khờ khạo của châu Âu” về Trung Quốc đã tới lúc phải kết thúc. Liệu nỗi sợ hãi quá mức này có thể gây ra tâm lý bài ngoại ở châu Âu?
Tại Anh, các công nhân của nhà máy thép Scunthorpe chắc chắn sẽ cảm thấy rất biết ơn khi tập đoàn Jingye của Trung Quốc mua lại công ty này và cứu được 4.000 việc làm đang bị đe dọa.
Các công đoàn thép của Anh đã đổ lỗi cho các quy tắc viện trợ nhà nước của EU khiến việc quốc hữu hóa doanh nghiệp bị ngăn chặn, tuy nhiên ngay cả khi Brexit diễn ra thì các quy tắc của tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) cũng hạn chế việc Anh viện trợ cho doanh nghiệp đang gặp khó khăn của nước này.
Tuy nhiên, một điều đáng quan ngại là nhiều nhà đầu tư Trung Quốc có mối liên hệ về tài chính với chính quyền Trung ương, hoặc thậm chí hoàn toàn thuộc sở hữu của nhà nước, không đơn thuần chỉ là ngẫu nhiên.
Hơn nữa, vì sao một công ty Trung Quốc lại hứng thú đầu tư vào một công ty thép bên bờ vực phá sản? Những điều này đã dấy lên nghi ngờ về động cơ chính trị của Bắc Kinh phía sau các khoản đầu tư vào châu Âu, theo nhà báo Ferguson.
Đầu tư của Trung Quốc đáng mừng hay đáng lo?
Trong vài tháng gần đây, một nhóm phóng viên châu Âu (trong đó có bà Ferguson) đã điều tra sâu hơn về làn sóng đầu tư ồ ạt của Trung Quốc vào châu Âu để đánh giá quy mô của các khoản đầu tư này và đưa ra kết luận liệu các khoản tiền của Trung Quốc là đáng hoan nghênh hay đáng lo ngại nhiều hơn.
Trong đó, Hungary là quốc gia EU đầu tiên có một dự án lớn thuộc sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc – đó là tuyến đường sắt cao tốc trị giá 2 tỉ Euro từ Budapest (Hungary) tới Belgrade (Serbia), nối với Piraeus của Hy Lạp, được xây bằng vốn Trung Quốc.
Tại Croatia, một cây cầu trị giá 357 triệu Euro đang được một nhà thầu Trung Quốc phụ trách xây dựng, tuy nhiên 4/5 số tiền xây cầu được lấy từ tiền thuế của công dân EU.
Nhìn chung, các khoản đầu tư của Trung Quốc vào châu Âu đã được gia tăng với tốc độ ổn định trong vòng 2 thập kỷ qua, trải rộng trên hầu hết các ngành và lĩnh vực công nghiệp. Từ năm 2008 – 2018, Trung Quốc chi khoảng 300 tỉ Euro để mua lại các công ty ở châu Âu hoặc thành lập các chi nhánh của công ty họ ở châu Âu (các nước EU, Thụy Sĩ và Na Uy).
Trong đó, Anh, Đức và Pháp là những quốc gia thu hút nhiều đầu tư Trung Quốc nhất trong thập kỷ qua. Tất nhiên tổng số tiền Trung Quốc đầu tư vào châu Âu chưa thể nhiều bằng số tiền các công ty EU đã đầu tư vào Trung Quốc, và cũng chưa thể so bì với số tiền Mỹ đã đầu tư cho châu Âu.
Tuy nhiên, hồi tháng 3 năm nay, EU đã gọi Trung Quốc trong một báo cáo là “đối thủ hệ thống”. Sự thay đổi trong cách sử dụng từ ngữ đã cho thấy mối lo ngại về Trung Quốc của Brussels dường như đã gia tăng, và cụ thể là nỗi lo về việc hàng tỉ Euro họ đã nhận được từ Trung Quốc có thể sẽ khiến họ có những ràng buộc mang tính chiến lược với quốc gia châu Á này.
Thực tế, châu Âu đã sớm quan ngại về đầu tư Trung Quốc từ tháng 12/2016, khi tập đoàn đồ gia dụng Midea của Trung Quốc mua lại nhà máy sản xuất Kuka của Đức với giá 4,5 tỉ Euro – doanh nghiệp được mệnh danh là viên ngọc trai của ngành công nghiệp Đức.
Ông Michael Clauss, Đại sứ Đức tại Trung Quốc vào thời điểm đó, và hiện là đại diện thường trực của nước này tại EU, đã bày tỏ lo ngại rằng những công ty như Kuka “sẽ chỉ được sử dụng như những công cụ và bị vứt bỏ ngay khi các công nghệ cần thiết đã được chuyển giao cho Trung Quốc”.
Tuy nhiên, trái với nhận định của ông Clauss, ví dụ của Geely lại cho thấy điểm tích cực trong thương vụ thâu tóm của Trung Quốc. Năm 2010, nhà sản xuất xe hơi Trung Quốc Geely đã chi khoảng 1,5 tỉ USD để mua lại hãng xe Volvo của Thụy Điển, và thỏa thuận này đã đem lại thành công rất lớn cho cả đôi bên. Hãng xe của Thụy Điển đã “hồi sinh” rực rỡ, và hãng Geely của Trung Quốc cũng được lợi từ việc hợp tác kĩ thuật.
Năm 2013, Geely đã mua lại hãng sản xuất xe taxi London Taxis International với giá 11,4 triệu Euro – vào thời điểm hãng này chỉ mới đi vào hoạt động chưa lâu. Hiện nay London Taxis International đã được đổi tên thành London Electric Vehicle, chuyên tập trung sản xuất dòng xe điện.
Năm 2017, Geely tiếp tục mua phần lớn cổ phần của hãng xe thể thao Lotus của Anh, sau đó là 9,69% cổ phần của hãng xe Daimler – chủ sở hữu thương hiệu Mercedes-Benz.
Thực tế, các công ty trên và cả Kuka đều chưa gặp bất lợi sau khi được công ty Trung Quốc mua lại. Hầu hết những nhà quản lý và nhân viên mà nhóm phóng viên châu Âu phỏng vấn đều thừa nhận rằng ngày nay các công ty được Trung Quốc mua lại đều làm ăn tốt hơn trước.
Sự cẩn trọng gần đây của một số quốc gia châu Âu xuất phát từ việc các nước nợ nhiều như Hy Lạp gần như không còn lựa chọn nào khác. Khoản đầu tư lớn đầu tiên của Trung Quốc vào châu Âu là tại (một trong 13 cảng châu Âu mà Trung Quốc đầu tư). Tuy nhiên việc tư nhân hóa cơ sở hạ tầng của Hy Lạp đã được các chủ nợ của nước này trên toàn thế giới áp đặt để làm điều kiện bảo lãnh cho nền kinh tế của nó.
Việc EU băn khoăn về các khoản đầu tư của Trung Quốc vào các dự án cơ sở hạ tầng quan trọng nhưng lại không thừa nhận chính sách của họ đã tạo ra lỗ hổng đã cho thấy cách tiếp cận của khối này đối với Trung Quốc đầy chia rẽ và thiếu nhất quán.
Theo Trí Thức Trẻ