Đó là câu hỏi chúng tôi muốn gửi tới ông Chánh án Tòa án nhân dân tối cao liên quan tới hàng chục lá đơn kêu cứu của một người đàn bà 65 tuổi ở TP.HCM, khi tài sản bị đánh cắp của mẹ con bà liên tục bị tòa án ngó lơ.
Như chúng tôi đã từng lên tiếng trong 3 bài báo: Điều gì đằng sau sự bảo vệ vô lối đến bất chấp của Tòa và Viện cấp cao đối với một bản án của Tòa TP.HCM? (ngày 28/7/2024), “Trở lại vụ, Sự bảo vệ vô lối đến bất chấp của Tòa và Viện cấp cao: “Pháp luật trốn đi đâu, sao quyền lợi bị đánh cắp của tôi không ai bảo vệ?”(ngày 16/9/2024) và bài ““Pháp luật trốn đi đâu…???” – Một tiếng kêu không vọng lại” (ngày 05/5/2025), vụ TÀI SẢN BỊ ĐÁNH CẮP của bà Lê Ngọc Hương làm người ta nhớ lại câu nói nổi tiếng mà bà luật sư Ngô Bá Thành, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Quốc hội đã từng phát biểu tại diễn đàn Quốc hội: “Ở Việt Nam ta đã có cả một rừng luật nhưng khi xét xử lại dùng luật rừng”. Những tưởng, đó là câu chuyện của nhiều chục năm về trước, khi với chúng ta, nhiều thứ còn chưa hoàn hảo. Còn hôm nay, những gì đang xẩy ra với vụ kiện dân sự này là điều không thể chấp nhận:
Thứ nhất, chúng tôi xin không trở lại với 2 bản án sơ và phúc thẩm, nơi sai phạm quá rõ mới dẫn tới đơn xin kháng nghị theo thủ tục Giám đốc thẩm gửi tới cả Tòa và Viện cấp cao. Đơn gửi đi, sau hơn một năm chờ đợi không thấy ai trả lời, bà Hương gửi đơn khẩn cầu tới Quốc hội. Và ngày 9/3/2021, Phó chủ nhiệm UBTP Quốc hội Nguyễn Mạnh Cường có văn bản gửi Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao và Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân Tối cao “đề nghị xem xét, chỉ đạo giải quyết…, trả lời bà Hương, đồng thời thông báo kết quả giải quyết đến Ủy ban Tư pháp của Quốc Hội”.
Không chờ chỉ đạo từ Viện tối cao, ngay sau khi có công văn kể trên, Viện cấp cao ra thông báo không kháng nghị. Điều trớ trêu là, để bảo vệ cho việc mẹ con cụ Đầm tự tung tự tác chiếm toàn bộ số đất trong sổ đỏ hộ 5 người, Qúy Viện cho rằng: “ Xét thấy, bà Đầm là thành viên trong hộ gia đình được cấp đất nên được quyền định đoạt đối với phần đất này”. Nhưng với 3 mẹ con bà Hương, những người cũng có tên trong hộ gia đình được cấp đất, cũng có quyền sử dụng đất chung theo quy định của pháp luật thì Qúy Viện phớt lờ.
Về phần Tòa cấp cao, bởi có lẽ không muốn ngược dòng với Viện cấp cao nên…lung túng rồi… im lặng. Và rồi, có lẽ không im mãi được, ngày 15/5/2023 Tòa ban hành PHIẾU CHUYỂN. Chúng tôi không biết phiếu chuyển loại này có trong quy định của Tòa hay không nhưng, điều ngạc nhiên đầu tiên là phần cuối phiếu chuyển này ghi “Nơi nhận: Như trên” nhưng phần trên thì không ghi ai cả. Điều thứ hai không chỉ là ngạc nhiên nữa mà là vô cùng ngạc nhiên khi PHIẾU này ghị:” Đơn của bà Lê Ngọc Hương không thuộc thẩm quyền giải quyết của TANDCC tại TP.HCM” bởi Tòa “đã xếp đơn theo Công văn số 84 ngày 27/01/2021 của Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại TP.HCM để Viện KSNDCC giải quyết theo luật định”.
Không có luật định nào như thế cả. Bất kỳ ai có chút am hiểu về luật pháp đều biết rằng TÒA và VIỆN có quyền và trách nhiệm ngang nhau trong việc xem xét kháng nghị. Việc TÒA cho rằng “không thuộc thẩm quyền” là chối bỏ trách nhiệm trước quyền lợi bị xâm phạm của công dân. Những người nhân danh nước CHXHCN Việt Nam sao lại có thể hành xử vô lối đến bất chấp như vậy được, thưa ông Chánh án?
Không chấp nhận Phiếu chuyển vô lối kể trên, bà Hương tiếp tục khiếu nại khắp nơi. Để rồi hơn 4 tháng sau, ngày 18/9/2023 Tòa án nhân dân Cấp cao tại TP.HCM buộc phải lộ diện, ban hành thông báo giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm của bà Hương mà nội dung cũng chẳng khác gì thông báo không kháng nghị của Viện cấp cao. Trong đó Qúy Tòa cố tình viện dẫn ý kiến của đại diện UBND Quận Bình Tân rằng chỉ vì có nguồn gốc đất xa xưa nên dù quá hạn mức nhưng Hộ bà Đầm vẫn được cấp sổ với diện tích lớn. Thế nhưng họ đã cố tình bỏ qua rằng, nhờ có thêm 3 nhân khẩu là 3 mẹ con bà Hương để hộ có 5 người mới dễ dàng vượt qua hạn mức.
Thứ hai, không thể chấp nhận việc tài sản của chung 5 người được pháp luật bảo hộ bị 2 người chiếm đoạt toàn bộ nhưng các cơ quan tư pháp lại quay lưng ngoảnh mặt, bà Lê Ngọc Hương tiếp tục khiếu nại. Và ngày 04/7/2024, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội Nguyễn Mạnh Cường tiếp tục ký công văn thứ 3 mang số 3821/UBTP15 gửi “Đ/c Chánh án Tòa án nhân dân tối cao” với nội dung: “…xin chuyển đến Đồng chí đơn của bà Lê Ngọc Hương. Trân trọng đề nghị Đồng chí xem xét, chỉ đạo giải quyết vụ việc nêu trên theo đúng quy định của pháp luật, trả lời đương sự, đồng thời thông báo kết quả giải quyết đến Ủy ban Tư pháp của Quốc hội”.
Có công văn của Ủy ban Tư pháp, bà Lê Ngọc Hương vui còn hơn bắt được vàng và tiếp tục khiếu nại. Hơn chục lá đơn gửi đi, không chỉ tới Tòa Tối cao mà còn tới tất cả các nhà lãnh đạo cao nhất của đất nước với thông điệp: “Tài sản của chung 5 người được pháp luật bảo hộ, đã bị 2 người chiếm đoạt toàn bộ, lẽ nào Đảng, Chính quyền vẫn mãi làm ngơ, im lặng trước sự kêu cứu liên tục hơn một năm nay của 3 mẹ con tôi?”
Đơn cứ liên tục gửi đi, không ai trả lời thì…đùng một cái, gần một năm sau, ngày 09/5/2025, bà Hương nhận được Thông báo giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm số 1170/TB-TA ngày 27/9/2024 của Tòa án nhân dân Tối cao, sau gần 10 tháng Thông báo này ra đời. Điều đáng ngạc nhiên là không chỉ đương sự Lê Ngọc Hương chưa từng nhận được Thông báo này mà Ủy ban Tư pháp Quốc hội, cơ quan có thẩm quyền giám sát hoạt động của Tòa án nhân dân tối cao cũng không có tên trong “Nơi nhận”.. Nếu biết rằng trong các công văn của Ủy ban Tư pháp gửi Đ/c Chánh án tòa Tối cao luôn ghi “Trân trọng đề nghị Đồng chí xem xét, chỉ đạo xử lý vụ việc nêu trên theo đúng quy định của pháp luật, trả lời đương sự, đồng thời thông báo kết quả giải quyết đến Ủy ban Tư pháp của Quốc hội” thì rõ ràng, thực tế này đầy khó hiểu và khó chấp nhận. Những người nhân danh nước CHXHCN Việt Nam sao lại có thể hành xử vô lối đến bất chấp như vậy được, thưa ông Chánh án?
Thứ ba, là những người cầm cân nảy mực về mặt luật pháp, chắc chắn các Qúy thẩm phán của các cấp Tòa biết rõ Điều 3 Luật Đất đai năm 2013 quy định về hộ gia đình sử dụng đất. Theo đó, những người có tên trong cuốn sổ đỏ Hộ gia đình có mọi quyền và nghĩa vụ như nhau về diện tích đất ghi trong sổ. Qúy vị cũng thừa biết Điều 212 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về tài sản của các thành viên gia đình cùng sống chung. Theo đó, ”Việc chiến hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung của các thành viên gia đình được thực hiện theo phương thức thỏa thuận”. Vậy mà, gần 2 ha đất có trong sổ đỏ “Hộ Nguyễn Thị Đầm” được cấp, khởi thủy có 5 thành viên sau 10 năm bà Lê Ngọc Hương một mình cày cuốc, tới giờ chỉ 2 mẹ con cụ Đầm hưởng trọn. Đó không phải là “chứng cứ để chứng minh Bản án dân sự phúc thẩm nêu trên có sai sót nghiêm trọng” hay sao? Tài sản của chung 5 người được pháp luật bảo hộ, bị 2 người chiếm đoạt toàn bộ lẽ nào không phải là căn cứ để kháng nghị, khi Khoản 1, Điều 326 Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015 về Căn cứ, điều kiện để kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm ghi: “Kết luận trong bản án, quyết định không phù hợp với những tình tiết khách quan của vụ án gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự”
Qúa rõ ràng đến như vậy mà Thông báo giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm số 1170/TB-TA ngày 27/9/2024 của Tòa án nhân dân Tối cao lại bảo rằng “không có căn cứ để kháng nghị”. Những người nhân danh nước CHXHCN Việt Nam sao lại có thể hành xử vô lối đến bất chấp như vậy được, thưa ông Chánh án?
Đã từng có những câu chuyện đau thương như trường hợp của người đàn ông ở Vĩnh Long tìm đến cái chết để công lý được sống. Xin đừng để những trường hợp như vậy xẩy ra một lần nào nữa
Rất mong ông Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao và ông Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân Tối cao “đèn trời soi xét”
PV