Không thay đổi mù quáng, không nhìn vào lợi ích ngắn hạn, biết nắm bắt cơ hội và đầu tư vào tài năng, tri thức… là những yếu tố then chốt giúp Nhậm Chính Phi thành công trên hành trình xây dựng đế chế Huawei.
Kiên định với tôn chỉ ban đầu
Hoàn cảnh của mỗi người khác nhau bởi vì họ có những hành động việc làm khác nhau; hành động của mỗi người lại khác nhau bởi họ có cách suy nghĩ khác nhau; cách suy nghĩ của mỗi người khác nhau là do họ có từng giá trị cốt lõi khác nhau.
Đối với doanh nghiệp cũng vậy. Nhà sáng lập Nhậm Chính Phi từng nói rằng sự phát triển của Huawei trong nhiều thập kỷ cũng dựa trên cách suy nghĩ và các giá trị cốt lõi xuyên suốt hành trình: Nhân tài là cốt lõi – Khách hàng là kim chỉ nam – Đổi mới là sống còn.
Dựa trên ba yếu tố này, tập đoàn đã kiên trì hoạt động, vật lộn với rất nhiều khó khăn biến cố trong suốt 30 năm để đạt được thành công vang dội như hiện tại.
Quả thực, nếu không có sự kiên trì, bền bỉ và biết giữ nguyên vẹn những giá trị tốt đẹp ban đầu thì không thể có được thành công thực sự. Nhưng chủ nghĩa đường dài này không phải dễ duy trì. Trong một xã hội ngày càng nhiều cám dỗ như hiện này rất nhiều công ty mất chất, rẽ hướng để ưu tiên lợi nhuận.
Có rất nhiều công ty, cá nhân chỉ chạy theo số đông để thu lợi về mình, thấy họ làm gì kiếm nhiều tiền, anh cũng làm vậy để kiếm tiền. Xem người khác làm video thì anh cũng làm video, xem người khác làm chương trình phát sóng trực tiếp, anh cũng thực hiện các chương trình phát sóng trực tiếp. Dần dần những giá trị cốt lõi của công ty hay một cá nhân sẽ bị phai mờ, bạn sẽ chỉ đang đi theo người khác mà quên mất con đường đích thực của riêng bản thân.
Trong một hội thảo giao lưu với các nhân viên, Nhậm Chính Phi đã nói điều này: “Thứ rẻ nhất là vàng, điều có giá trị nhất là tương lai và cơ hội“. Khi còn trẻ, người ta thích sung túc, chạy theo danh lợi, nhất là trong thời đại nhiều cơ hội ngày nay người ta không ngại tranh thủ, chạy theo giá trị đồng tiền trước hết.
Nhưng với Nhậm Chính Phi năm 43 tuổi khởi nghiệp, ông đã có cái nhìn sâu sắc về bản chất con người và sự vận hành của xã hội từ đó xây dựng Huawei bằng định hướng của chính mình.
Bài học ở đây là mỗi người nên ngồi lại và vạch ra mục tiêu, giá trị cốt lõi của doanh nghiệp, của bản thân mình để từ đó kiên định theo đuổi, tích lũy kinh nghiệm. Khi làm được điều này, thành công sẽ sớm chào đón bạn.
Nắm bắt thời cơ và cơ hội
Mỗi thế hệ đều có sứ mệnh và điểm mạnh riêng. Thành công của Huawei không thể tách rời yếu tố nhạy bén và nắm bắt thời cơ.
Nguyên tắc phát triển của Huawei nêu rõ: “Cơ hội, tài năng, công nghệ và sản phẩm là 4 yếu tố chính cho sự phát triển của công ty. Giữa 4 yếu tố này có sự tác động qua lại. Cơ hội dẫn đến tài năng được bộc lộ, tài năng giúp công nghệ thành công, công nghệ mang lại sản phẩm, và sản phẩm lại dẫn đến cơ hội ngày càng lớn hơn”.
Hầu hết các công ty khác đều nhấn mạnh vai trò của nguồn lực và vốn đối với công ty. Tư duy và nhận thức của Nhậm Chính Phi đi xa hơn một bước. Mặc dù nguồn lực và vốn rất quan trọng nhưng ông nhấn mạnh tầm quan trọng không thể thay thế của “cơ hội”.
Về vấn đề này, Nhậm Chính Phi nêu quan điểm rõ ràng, rằng Huawei sẽ không tiết kiệm tiền nếu phải lựa chọn giữa tiền bạc và cơ hội: “Nếu không thể nắm bắt cơ hội chiến lược, bạn sẽ chết trước khi hưởng thụ thành quả của chính mình”.
Nhậm Chính Phi rất coi trọng vai trò cơ hội, ông cũng sẵn sàng trao cơ hội cho người khác. Sự thất bại của nhiều công ty cũng nằm ở điểm này: Sếp thiếu sự mẫn cán trong chiến lược, không nhạy bén với những cánh cửa cơ hội rộng lớn, không quan tâm đến lợi ích và tương lai của nhân viên, và thiếu sẵn sàng chủ động để trao cơ hội cho người khác.
So với tiền bạc, thứ quý giá hơn là tương lai và cơ hội. Miễn là bạn nắm bắt cơ hội một cách chiến lược, bạn có thể có một tương lai tốt đẹp, và tiền về sẽ là một kết quả tất yếu. Thật không may, nhiều người đã nhầm thứ tự này.
Đầu tư vào con người
Nhậm Chính Phi thấy rõ rằng sự phát triển bền vững của một doanh nghiệp không thể tách rời sự phát triển và trọng dụng nhân tài: “Hãy trao cho nhân viên nhiều cơ hội phát triển, bạn sẽ thu hút được nhiều người tài mà doanh nghiệp cần”.
Đặc biệt là đối với những người ưu tú, cho tiền không bằng trao cơ hội, làm công việc gì cũng có thể kiếm tiền, điều họ mong muốn nhất chính là cơ hội phát triển ở một môi trường tốt.
Để nâng cao chất lượng nhân viên, ông Nhậm cho rằng nền tảng ý thức, tri thức rất quan trọng. Nhà sáng lập mời giảng viên đại học về đào tạo cho nhân sự cấp cao, cùng với việc thường xuyên chia sẻ về tầm nhìn, tham vọng lẫn triết lý kinh doanh theo đuổi sự thành công bền vững. Ông hy vọng những nỗ lực đó giúp con người Huawei có khả năng tổng hợp, khai mở tầm nhìn, thay đổi tư duy.
Huawei giành lấy cơ hội và tương lai cho chính mình thông qua đầu tư vào nhân tài, quản lý, nghiên cứu và phát triển. Đây là những yếu tố chúng ta cần xem xét và học hỏi.
Con người không nên đánh mất lợi ích lâu dài vì chỉ quan tâm đến lợi ích ngắn hạn trước mắt. Tôi hy vọng rằng mọi người có cái nhìn dài hạn, kiên định, chăm chỉ và nỗ lực trên một hành trình tới tương lai tốt đẹp hơn.
Theo Zhihu-Thùy Anh-Theo Nhịp sống kinh tế