Câu trả lời cho câu hỏi: “Tại sao bạn lại nghỉ việc ở công ty cũ?” sẽ góp phần để nhà tuyển dụng đánh giá tư tuy cũng như phẩm chất của ứng viên.
Buổi phỏng vấn là một bước vô cùng quan trọng đối với cả ứng viên và nhà tuyển dụng. Việc buổi vấn diễn ra suôn sẻ được xem là tín hiệu đáng mừng cho quá trình làm việc sắp tới. Trong một buổi phỏng vấn, một trong những câu hỏi nhà tuyển dụng có thể hỏi ứng viên của mình, đó là: “Tại sao bạn lại nghỉ việc ở công ty cũ?”
Dù chỉ là một câu hỏi có phần rất đơn giản, ai cũng có thể trả lời được, song cách trả lời của các ứng viên có thể đem lại những kết quả khác nhau. Theo các chuyên gia trong ngành tuyển dụng lâu năm, có 4 câu trả lời có thể khiến ứng viên mất cơ hội đi tiếp.
1. Công ty cũ trả lương thấp
Tại nơi làm việc, các yếu tố liên quan đến quyền lợi tài chính, cụ thể là tiền lương, luôn được xếp hạng trong những lý do hàng đầu khiến một nhân viên quyết định làm việc hoặc nghỉ việc. Tiền lương sẽ được quyết định bằng nhiều yếu tố. Trong đó, ngoài yếu tố thị trường thì yếu tố quan trọng nhất chính là năng lực của người nhân viên ấy.
Ngay cả khi thực sự lý do nghỉ việc của bạn là lương thấp, cũng không nên nói thẳng ra trong buổi phỏng vấn ở công ty mới. Câu trả lời này sẽ tạo ra một ấn tượng xấu, đồng thời nhà tuyển dụng cũng có thể đánh giá bạn thật sự không có năng lực nên mới phải chịu mức lương thấp ở công ty cũ.
2. Công việc cũ quá nhàm chán
Trên thực tế, công việc nào cũng có những tính chất riêng biệt. Có những công việc yêu cầu nhân sự cần liên tục ngồi bên chiếc máy tính, có những công việc lại cần phải trực đường dây điện thoại cả ngày hay có những công việc lại thường xuyên phải gặp mặt khách hàng… Việc quá trình làm việc lặp đi lặp lại giống nhau theo một chuỗi thời gian dài là không thể tránh khỏi, vì vậy không nên đánh giá rằng công việc đó là nhàm chán.
Trong chuỗi ngày làm việc quen thuộc, một số người lại thấy công việc của mình đặc biệt phong phú và thú vị, bởi họ có thể chủ động tìm hiểu thêm nhiều kỹ năng khác nhau cho từng vị trí.
Khi được hỏi về lý do nghỉ việc, nếu ứng viên nói do công việc cũ quá nhàm chán, nhà tuyển dụng chắc chắn sẽ không khỏi thắc mắc vậy liệu ứng viên này có lại nhanh chóng rời đi bởi lý do tương tự khi tới công ty mới hay không.
3. Bất mãn với chế độ phân cấp của công ty cũ
Hiện nay, đa phần các công ty đều phân cấp đi kèm quyền lợi tương ứng dựa trên năng lực thực sự nhân viên thay vì thâm niên. Vì vậy việc những người trẻ tuổi, mới đi làm nhưng lại ở vị trí cao hơn so với những người lớn tuổi hơn, làm lâu năm hơn là chuyện rất bất thường.
Nếu ứng viên thể hiện quan điểm bất mãn với chế độ phân cấp này tại công ty, sẽ vô tình khiến nhà tuyển dụng đánh giá ứng viên kém cỏi và không thật sự có đủ năng lực để vươn tới những vị trí cao hơn.
4. Bạn bè hoặc đồng nghiệp thân thiết ở công ty cũ cũng nghỉ việc
Trong một môi trường làm việc, sau một thời gian, chắc chắn mỗi người sẽ tìm được cho mình những người đồng nghiệp thân thiết và có thể coi họ như những người bạn thật sự. Ngoài ra một số người cũng quyết định đi làm tại một công ty do được bạn bè giới thiệu.
Song khi người đồng nghiệp, người bạn thân thiết cùng làm việc mỗi ngày nghỉ việc, nhiều người lại có xu hướng buồn bã và “nghỉ theo”. Nếu thật sự tiết lộ lý do này với nhà tuyển dụng ở công ty mới, họ sẽ đánh giá ứng viên không có một ý chí tốt.
Ứng viên này không có khả năng tự chăm sóc bản thân, dễ nhụt chí và dễ bị mất tinh thần, bởi một vấn đề rất nhỏ. Yếu tố này có thể ảnh hưởng phần nào đến quá trình cũng như kết quả công việc. Ngoài ra, lý do xích mích với đồng nghiệp ở công ty cũ mà nghỉ việc cũng tuyệt đối tránh. Khi nói về công ty cũ, hãy nói bằng giọng tôn trọng và không nói xấu công ty, sếp cũng như đồng nghiệp cũ dù cho đúng là có những bất đồng hay xích mích đã xảy ra.
Nên trả lời thế nào khi được hỏi “Vì sao bạn nghỉ việc ở công ty cũ?”
Các chuyên trang về tuyển dụng cũng như việc làm cho biết, có nhiều cách khác nhau để ứng viên trả lời khi được hỏi: “Vì sao bạn lại nghỉ việc ở công ty cũ?”. Quan trọng nhất đó là, ứng viên cần trả lời một cách khách quan và tương đối trung thực.
Một số câu trả lời được Carrer Builder gợi ý như sau:
– “Tôi mong muốn một môi trường, một công việc mới mẻ với những cơ hội mới. vì vậy tôi đã nghĩ đến việc thay đổi công việc”.
– “Tôi thích mảng nội dung này nhưng ở công ty cũ không có vị trí phù hợp, vì vậy tôi đã quyết định tìm tới một công ty mới để trải nghiệm những điều tôi đang mong muốn”.
– “Công ty đang chuyển văn phòng sang cơ sở mới xa nơi tôi ở và việc di dời rất khó khăn. Tôi quyết định tìm một công việc gần nhà hơn để có thể tập trung vào công việc của mình”.
– “Tôi cần thời gian để trau dồi bản thân nên đã quyết định nghỉ việc ở công ty cũ để tập trung nâng cao kỹ năng chuyên môn của mình. Bây giờ tôi đã hoàn thành khóa học, tôi tự tin rằng mình sẽ có thể đảm đương vị trí mà công ty đang cần tìm”.
Theo Aboluowang- Thu Phương–Phụ nữ số