Với 26 năm đưa công nghệ của các tập đoàn đa quốc gia Mỹ vào Việt Nam, “nhà truyền bá công nghệ” Trịnh Thanh Lâm cho biết, ước mơ của ông lúc này là mang công nghệ cao cấp của Mỹ về cho ngành bán dẫn nước nhà, tạo đà cho những con chip “Make in Vietnam” thực thụ.
Gặp gỡ phóng viên Nhadautu.vn nhân dịp Ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10, sau những chuyến đi liên tiếp đến Mỹ, cũng như Đà nẵng, TP.HCM của Việt Nam, TS. Trịnh Thanh Lâm, Giám đốc Kinh doanh Synopsys Nam Á (phụ trách Việt nam, Pakistan và Bangladesh), bồi hồi ôn lại chặng đường 26 năm làm việc cho các “ông lớn” trong lĩnh vực công nghệ.
Dù đã kinh qua nhiều vị trí tại các tập đoàn công nghệ hàng đầu như Intel, Microsoft, HP, ông Lâm chia sẻ, đến nay, khi đảm nhiệm vai trò kinh doanh tại Synopsys, tập đoàn số 1 thế giới của Mỹ chuyên cung cấp công cụ phần mềm cũng như những IP chuẩn sử dụng trong lĩnh vực thiết kế vi mạch, khí thế trong ông vẫn hừng hực như những ngày đầu. Ông Lâm nói vui, kế hoạch nghỉ ngơi sau tuối 50 của ông đã phá sản hoàn toàn.
“Người quen” của các tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới
Kể về những ngày đầu, Giám đốc Kinh doanh Synopsys Nam Á cho biết, ông tốt nghiệp khoa Toán – Tin, Đại học Tổng hợp Hà Nội năm 1989, sau đó bắt đầu sự nghiệp giảng dạy lập trình tin học với niềm đam mê khám phá cấu trúc máy tính, bộ vi xử lý…
Ông gia nhập Tập đoàn Intel từ năm 1997. Giai đoạn này, chip máy tính vẫn còn là khái niệm xa lạ đối với người Việt Nam. Giá 1 con chip lúc đó khá cao, khoảng 200 USD. Điều này đã hạn chế việc sở hữu máy tính của người dân cũng như hạn chế việc kinh doanh của Intel tại Việt Nam. Định hướng của Intel lúc này là tập trung phát triển hệ thống phân phối đồng thời thực hiện các chương trình tiếp thị giới thiệu về thị trường công nghệ. Với vai trò là kỹ sư công nghệ, 1 trong 5 thành viên đầu tiên của Intel Việt Nam, nhiệm vụ của ông là đưa công nghệ mới vào Việt Nam, tư vấn cho người tiêu dùng lựa chọn những con chip phù hợp với túi tiền và nhu cầu sử dụng.
Năm 2000, người tiêu dùng đã dần quen với các khái niệm về chip, bộ vi xử lý… của máy tính, ông Lâm được điều chuyển qua bộ phận kinh doanh và chịu trách nhiệm thiết lập, điều hành văn phòng của Intel tại Hà Nội. Sự bành trướng của Intel tại Việt Nam sau đó ngày càng rõ rệt, biểu hiện cụ thể qua mức tăng dần của thị phần Intel tại Việt Nam, từ 60% năm 1997 lên 80% năm 2005.
Mong muốn thử thách ở vai trò mới, năm 2005, ông Lâm rời tập đoàn Intel, gia nhập tập đoàn Microsoft tại Việt Nam với vị trí Giám đốc marketing, sau đó là Quan hệ Chính phủ và Giáo dục. Tại Microsoft, ông phải giải một bài toán khó hơn rất nhiều: làm sao để người dân mua bản quyền phần mềm của Microsoft. Một khách hàng khi nghe ông giới thiệu phần mềm Microsoft đã thắc mắc, tại sao phải trả tiền để xài phần mềm trong khi có thể sử dụng bản nháp miễn phí? Ông giải đáp: “Để được hưởng những lợi ích của một phần mềm chất lượng và để bảo đảm hoàn thành tốt công việc”.
Thành công lớn nhất của ông Lâm tại đây phải kể đến chiến dịch vận động Chính phủ mua bản quyền phần mềm. Thành công của thương vụ này đã góp phần đáng kể vào việc giảm tỉ lệ vi phạm bản quyền, nâng cao ý thức sử dụng phần mềm có bản quyền.
Đưa HP lên vị trí hàng đầu trong lĩnh vực máy tính tại Việt Nam
Với những kinh nghiệm tích lũy được về kinh doanh, marketing, phân phối, tài chính…, ông Trịnh Thanh Lâm mong muốn được trải nghiệm nhiều hơn ở vai trò giám đốc điều hành. Cùng lúc này, HP đang tìm kiếm người đảm nhận vai trò Tổng Giám đốc Nhóm Máy tính Cá nhân và Kênh Phân phối HP Việt Nam. Ông Lâm rơi vào “tầm ngắm” của tập đoàn sản xuất máy tính lớn nhất thế giới này. Sau 1 tháng tìm hiểu, ông Lâm “gật đầu” và về với HP.
Ngày 2/4/2007 là một ngày quan trọng đối với TS. Trịnh Thanh Lâm. Đó là ngày ông chính thức đảm nhận chức vụ Tổng Giám đốc Nhóm Máy tính Cá nhân và Kênh Phân phối (PSG/SPO) của Công ty Hewlett-Packard (HP) Việt Nam. Ở cương vị mới này, ông đã điều hành tất cả hoạt động kinh doanh và tiếp thị cho nhóm máy tính cá nhân trên toàn lãnh thổ Việt Nam. Ông cũng chịu trách nhiệm thúc đẩy việc kinh doanh sản phẩm dành cho khối doanh nghiệp vừa và nhỏ với các đối tác trong nước. Đó cũng chính là mục tiêu của Trịnh Thanh Lâm sau giai đoạn tích lũy kinh nghiệm tại các tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới như Intel và Microsoft.
“Đối với Intel, chúng tôi chỉ có một đối thủ lớn là AMD. Khó khăn của Microsoft tại Việt Nam không phải là cạnh tranh với các đối thủ mà là làm sao để Chính phủ và người dân sử dụng sản phẩm Microsoft có bản quyền. Còn tại HP, khi tôi vào, thị trường máy tính đã sôi động với các tên tuổi hàng đầu ở Việt Nam là Acer, Lenovo, Toshiba. Đó là thị trường đa sắc màu cạnh tranh”, ông Lâm nói. Bài toán được HP đặt ra cho Trịnh Thanh Lâm là phải khiến HP trở thành hãng máy tính dẫn đầu tại Việt Nam.
Chỉ trong năm 2007, ông Lâm đã làm được điều cam kết với Hãng. Năm 2007, HP đã vươn lên vị trí hàng đầu trong lĩnh vực máy tính tại Việt Nam và tiếp tục giữ vững ngôi vị trong năm 2008. Theo công ty nghiên cứu thị trường IDC, máy tính xách tay HP dành cho người tiêu dùng tại Việt Nam trong năm 2008 chiếm 33,4% thị phần và máy tính xách tay dành cho doanh nghiệp chiếm 62,1% thị phần.
Ông Lâm giải thích nguyên nhân của sự thành công này: “Tôi nghĩ nguyên nhân lớn nhất chính là chúng tôi đã thiết lập một hệ thống tổ chức chặt chẽ cùng làm việc với nhau, không chỉ trong Công ty mà còn đối với đối tác và khách hàng, đồng thời đảm bảo chất lượng sản phẩm đồng nhất của HP toàn cầu. HP không kinh doanh trực tiếp mà thông qua đại lý và nhà phân phối nên vấn đề này là cực kỳ quan trọng. Ví dụ, khi thị trường biến động tỉ giá, HP sẵn sàng cùng làm việc với các nhà phân phối để có những thỏa thuận hợp lý hơn về giá cả và các hỗ trợ khác như khuyến mãi”. Cũng nhờ thế mà quan hệ giữa hai bên ngày càng bền chặt hơn.
Cụ thể, hồi tháng 4/2008, HP gặp một sự cố: Công ty HP châu Á – Thái Bình Dương thay đổi nhà vận chuyển, hàng hóa trong khu vực bị rối loạn. Máy tính xách tay 6520 đang bán rất chạy tại Việt Nam và được rất nhiều nhà phân phối đặt hàng cũng rơi vào tình trạng tương tự. Tuy nhiên, được các nhà phân phối tin tưởng cùng với nỗ lực của HP Việt Nam trong việc tìm mọi cách để đẩy hàng về Việt Nam, sự cố trên đã trở nên ít nghiêm trọng hơn.
Gia nhập Synopsys, khao khát đưa công nghệ bán dẫn của Mỹ vào Việt Nam
Sau khi rời HP, với một số năm quay lại môi trường Đại học và thực hiện một số dự án cá nhân khác, năm 2016 khi đã 50 tuổi, thay vì nghỉ ngơi ông Lâm đã nhận lời tham gia Synopsys với vai trò là nhân viên đầu tiên tại văn phòng Synopsys mới mở tại Việt Nam.
Với vị trí Giám đốc Kinh doanh Synopsys Nam Á, phụ trách Việt Nam, Pakistan và Bangladesh, TS. Trịnh Thanh Lâm khao khát đưa những công nghệ bán dẫn cao cấp của Mỹ vào Việt Nam. Ảnh: NVCC.
“Một kỷ niệm rất vui là ông Co-CEO người gốc Đài loan của Synopsys ngày ấy yêu cầu được phỏng vấn trực tiếp nhân viên đầu tiên khi Synopsys mở văn phòng tại một quốc gia nào đó. Quả đất tròn, ông Co-CEO có thời gian 12 năm làm cho Intel, còn tôi cũng có 8 năm làm tại đây, và cuộc phỏng vấn đã thành buổi trao đổi thú vị. Vậy là thay vì nghỉ ngơi, tôi quyết định tham gia một hành trình mới”, ông Lâm kể.
Ngày nay, Synopsys đã trở thành một đối tác quan trọng của nhiều cơ quan Chính phủ Việt Nam, các trường đại học, khách hàng như Viettel, để chung tay xây dựng nền công nghiệp bán dẫn của Việt Nam đặc biệt là lĩnh vực thiết kế chip.
Đặc biệt, tháng 9 vừa qua, chỉ một tuần sau khi Mỹ và Việt Nam tuyên bố nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược toàn diện, Synopsys chào đón Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính và đoàn đến thăm trụ sở tại Sunnyvale, California. Synopsys ký kết 2 bản ghi nhớ với Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia, Bộ KH&ĐT và Cục Công nghiệp Công nghệ Thông tin truyền thông, Bộ TT&TT nhằm hợp tác thúc đẩy đào tạo cũng như xây dựng trung tâm ươm tạo thiết kế chip tại Việt Nam.
Ông Lâm chia sẻ, mục tiêu của Synopsys là tư vấn, hỗ trợ, triển khai thực tế các Chương trình từ đào tạo, hỗ trợ khởi nghiệp, kết nối hệ sinh thái bán dẫn trên toàn cầu thông qua hệ thống khách hàng của Synopsys, để hướng đến mục tiêu trước năm 2030 Việt nam sẽ vào top 5 toàn cầu trong lĩnh vực thiết kế chip, cũng như có những cơ sở sản xuất chip quy mô nhỏ dành cho nghiên cứu đầu tiên tại Việt Nam trong sự liên kết với hệ thống phòng sản xuất bán dẫn qui mô thí nghiệm tại Đông Nam Á.
“Công việc nhiều nhưng tôi cảm thấy rất vui vì hiện nay, Chính phủ Việt Nam quyết tâm đưa đất nước tham gia sâu rộng hơn vào chuỗi công nghiệp bán dẫn toàn cầu. Đây chính là một cơ hội lớn với tôi khi được tiếp tục làm cầu nối giữa Việt nam với các Tập đoàn hàng đầu trong lĩnh vực bán dẫn của Mỹ, những tập đoàn này đều là khách hàng quan trọng của Synopsys và mong muốn được kết nối hợp tác với Việt nam”, ông Lâm nói.
Theo ông Lâm, hiện nay, Synopsys có gần 20 nghìn nhân viên trên toàn cầu, bao gồm cả gần 600 kỹ sư tại các Trung tâm thiết kế, hỗ trợ kỹ thuật tại 3 thành phố lớn của Việt Nam (TP.HCM, Đà nẵng, Hà nội). Doanh thu hàng năm của công ty đạt gần 6 tỷ USD và nắm giữ công nghệ cốt lõi nhất trong lĩnh vực đang rất hot hiện nay: công nghiệp bán dẫn. Hầu như tất cả các hãng thiết kế, sản xuất chip trên thế giới đều là khách hàng của Synopsys từ Intel, Marvell, Ampere, đến Renesas, Samsung… Ông Lâm chịu trách nhiệm kinh doanh tại 3 nước: Việt nam, Pakistan và Bangladesh trong nhóm phụ trách kinh doanh Nam Á và Trung Đông.
“Một ước mơ cháy bỏng mà tôi mơ ước sẽ thành hiện thực trong một vài năm tới, đó là kết nối được một vài công ty thiết kế chip thuần Việt tham gia thiết kế cho những thương hiệu top 10 các công ty thiết kế sản phẩm chip hàng đầu thế giới như Qualcomm, Marvell… Nhiều dự án nếu thực hiện tại Mỹ sẽ có chi phí rất cao và đây là cơ hội để các công ty Việt nam có cơ hội tham gia “làm thuê” cho các thương hiệu dẫn đầu thế giới. Ước mơ xa hơn là chuyển giao những công nghệ cao cấp nhất của Synopsys cho những công ty thiết kế chip thuần Việt để trong vài năm tới sẽ có những con chip được thiết kế hoàn chỉnh từ giai đoạn cấu trúc chip từ các công ty của người Việt, khi đó sản phẩm “Make in Vietnam” thực thụ sẽ cạnh tranh sòng phẳng trên thị trường quốc tế”, ông Lâm nói thêm.
Trọng Hiếu–Theo nhadautu.vn