Chiến lược đầu tư lon cà phê này cũng có thể ví như việc chọn một hạt giống tốt gieo xuống đất để ngày nào đó thành cây cổ thụ trong tài khoản.
Nếu nhà đầu tư quan tâm tới thị trường chứng khoán thế giới chắc cũng đã nghe về các doanh nghiệp huyền thoại, đa dạng trong các lĩnh vực như đồ uống, hàng tiêu dùng, công nghệ, tài chính như Cocacola, Amazon, Monster Energy, Apple. Đây là một vài tên tuổi tiêu biểu cho những cổ phiếu tăng hàng trăm lần từ khi niêm yết trên sàn chứng khoán Mỹ. Trong cuốn sách 100 Baggers của tác giả Christopher Mayer (tạm dịch: Cổ phiếu tăng 100 lần và cách tìm ra chúng) tác giả này đã mô tả chiến lược lon cà phê trong đầu tư chứng khoán.
Chiến lược này khuyên nhà đầu từ mua cổ phiếu xong cất tài khoản, chôn đi, vài chục năm nữa mở ra sẽ có một gia sản. Mục đích của việc mua và quên những cổ phiếu tốt này đi là vì trong quá trình đi lên mốc 100 lần, 200 lần và hơn thế nữa các cổ phiếu này cũng từng chứng kiến những lần sụt giảm 70-80% thị giá.
Nghe thì đơn giản nhưng để làm được đòi hỏi nhà đầu tư phải có thần kinh thép. Làm sao để giữ vững được tâm lý để theo đuổi chiến lược trên? Nhà đầu tư cá nhân Trần Tiến Dũng, người có 22 năm kinh nghiệm chia sẻ kinh nghiệm cá nhân của mình trong talkshow Bí mật đồng tiền số 21 phát sóng trên VTV Digital với chủ đề Pain, Gain. Ông Dũng là người đầu tư vào những cổ phiếu như TCB, VPB, EIB, FPT ngay từ những ngày đầu. Thậm chí nhà đầu tư này vẫn nắm giữ cổ phiếu Techcombank tới 20 năm.
“Khi mình xác định mua cổ phiếu để đầu tư mã nào đó thì trước tiên chúng ta cần tìm hiểu doanh nghiệp đó. Tại sao tôi giữ được cổ phiếu ngân hàng dài hạn như vậy? Bởi vì tôi biết rằng khi mình mua quy mô của ngân hàng rất nhỏ. GDP đâu đó tầm mấy chục tỷ USD. Tôi biết rằng mình đi sau các nước, nhìn các nước phát triển, đang phát triển thời điểm đó mình biết các ngân hàng sẽ lớn dần lớn dần theo GDP, quy mô tăng dần trong tương lai.
Mình xác định mua và để riêng ra, tốt nhất là nên để ở một tài khoản của người thân hoặc tài khoản khác, không nhìn đến, để như vậy 5 năm, 10 năm, 20 năm. Và bây giờ có những cổ phiếu tôi vẫn dự định giữ 10 năm nữa vì nó vẫn đi đúng theo đường đó. Khi mình đã chủ động được các khoản tài chính rồi thì khoản đầu tư đó mình xem như quên nó đi. Mình không nhìn thì sẽ không để ý đến”, nhà đầu tư này tiết lộ.
Chiến lược đầu tư lon cà phê này cũng có thể ví như việc chọn một hạt giống tốt gieo xuống đất để ngày nào đó thành cây cổ thụ trong tài khoản. Thế nhưng làm sao để chọn được những hạt giống, những doanh nghiệp tốt?
Theo ông Dũng, không có bí quyết nào cả mà bản thân mỗi nhà đầu tư phải đọc, phải học, phải hiểu doanh nghiệp rồi mới nên đầu tư.
“Tại sao các nhà đầu tư cá nhân vừa rồi mất nhiều như vậy? Vì môi giới đưa các bạn tái nghèo, vì các bạn lười biếng, toàn xin hỏi 3 chữ cái và thích đầu cơ, giàu nhanh. Đó là điều cực kỳ sai lầm”, ông Dũng khẳng định lại lần nữa.
Tất nhiên khi đã tìm được doanh nghiệp tốt rồi, ông Trần Tiến Dũng cho rằng mình nên kiên định. Ví dụ nhà đầu tư này là một trong những người đầu tiên đấu giá mua cổ phiếu FPT năm 2006. Thời điểm này ông Dũng bỏ ra 1,6 tỷ đồng để mua 4000 cổ phiếu FPT với giá cỡ 400 nghìn đồng. Tất nhiên sau khi chia tách thì giá vốn hiện giờ khoảng 20 nghìn đồng. Thế nhưng sau khi lập đỉnh, cổ phiếu FPT phải mất 10 năm mới quay trở lại nhưng ông Dũng cho rằng khi đã quay trở lại thì sẽ rất ổn định. Đây là một trong những cổ phiếu yêu thích của nhà đầu tư cá nhân này.
Bên cạnh việc chọn cổ phiếu đầu tư, ông Dũng khuyên nhà đầu tư cá nhân đầu cơ trên chính cổ phiếu đầu tư. Bởi cổ phiếu dù có tốt đến đâu thì cũng sẽ có lúc thị giá giảm xuống. Ngoài ra các nhà đầu tư cá nhân chỉ nên chọn tối đa 5 cổ phiếu trong danh mục để theo dõi sát sao diễn biến của doanh nghiệp.
Mộc An–Theo Nhịp Sống Kinh Tế