Khi chính quyền TT Trump đổi từ chiến thuật này sang chiến thuật khác, Bắc Kinh đã đi nước đi chậm rãi trong việc tăng cường thương mại xuyên biên giới.
Mỹ đang thất thế
Tổng thống Donald Trump đã rất bận rộn trong suốt nhiệm kỳ 4 năm để cắt giảm và xóa bỏ các thỏa thuận thương mại và đầu tư mà nước Mỹ đã xây dựng trong nhiều năm qua. Trong khi đó, lãnh đạo Trung Quốc cũng không kém để xây nên một kho vũ khí thương mại hùng mạnh và kí kết các thỏa thuận với các đối tác quan trọng khác, nhà báo kỳ cựu về các vấn đề kinh tế và tài chính châu Á Anthony Rowley viết trong một bài bình luận trên tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (Hồng Kông)
Tiến trình này đã tiến thêm một bước quan trọng khi Trung Quốc và Liên minh châu Âu đạt được Thỏa thuận Toàn diện về Đầu tư (CAI) vào ngày 30/12 vừa qua, chỉ một tháng sau khi Bắc Kinh ký Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) với 14 quốc gia đối tác.
“Ngoài CAI, RCEP, các mối quan hệ thương mại và đầu tư ngày càng tăng của Trung Quốc với các nước đang phát triển – đặc biệt là những mối quan hệ đang diễn ra trong khuôn khổ Sáng kiến Vành đai và Con đường – đã tạo thành một không gian kinh tế rộng lớn và có tầm ảnh hưởng lớn cho Trung Quốc”, ông Rowley dẫn lời cựu Giám đốc điều hành tại Viện Tài chính Quốc tế và cựu Phó giám đốc tại Quỹ Tiền tệ Quốc tế Hung Tran nói.
Và cũng theo ông Hung, điều này đã “cho phép Trung Quốc xây dựng ảnh hưởng, đặc biệt là đối với các nước đang phát triển, khi nước này phải đối mặt với những tranh chấp chiến lược kéo dài với Mỹ và phương Tây nói chung”. Do đó, Trung Quốc nhiều khả năng sẽ nắm quyền chi phối bức tranh kinh tế của châu Á hơn là Mỹ dưới thời chính quyền ông Biden.
Ông Rowley nhận định, Tổng thống sắp mãn nhiệm của Mỹ đã cố gắng tăng cường áp đặt hàng rào thuế quan và hạn chế thương mại để nhanh chóng loại bỏ đối thủ nhưng không hiệu quả. Sau đó, ông áp dụng các nước đi khác nhưng thiếu tính toán kĩ khi phát hiện ra các đối thủ đang bao vây mình. Đây là những gì đang diễn ra tại thời điểm hiện tại của mối quan hệ kinh tế Mỹ – Trung.
Chính quyền Biden nên thay đổi cách tiếp cận
Ông này cho rằng, ông Biden có thể đối phó hiệu quả với “mối đe dọa từ Trung Quốc” bằng cách tiếp cận “nếu bạn không thể đánh bại đối thủ, hãy bắt tay họ”. Chiến thuật này có phát huy hiệu quả hay không còn tùy thuộc vào cách áp dụng. Như Grant T. Harris, một chiến lược gia chính trị và cộng tác viên cho Hội đồng Đại Tây Dương, nói: “Để mong đợi các công ty Mỹ sở hữu các nguồn lực tương tự như của Trung Quốc và duy trì các chiến lược kinh doanh mà không có sự hỗ trợ toàn diện của chính phủ là rất khó”. Theo ông Harris, Washington “cần một cách tiếp cận mới”.
Một cách tiếp cận mới như vậy sẽ không mang tính triệt để. Sự hỗ trợ của chính phủ cho các ngành chiến lược (theo kiểu Trung Quốc) chắc chắn rất cần thiết. Nhưng trong một nền kinh tế hỗn hợp như Mỹ, điều này có thể được coi là hình thức trợ cấp cho các cổ đông tại các doanh nghiệp tư nhân. Điều này sẽ đặt ra một tình thế tiến thoái lưỡng nan về ý thức hệ và hệ thống.
Tình thế tiến thoái lưỡng nan có khả năng chiếm ưu thế trong các cuộc tranh luận về kinh tế thị trường trong suốt đầu những năm 2020 khi chủ nghĩa tư bản nhà nước đối đầu với chủ nghĩa tư bản thị trường. Nhu cầu đầu tư lớn vào các dự án bền vững sẽ chứng minh hệ thống nào hiệu quả hơn và linh hoạt hơn.
Cách tiếp cận của nước Mỹ là sử dụng các hiệp định thương mại và đầu tư để định hướng những thay đổi cơ cấu “thân thiện với thị trường” ở các nền kinh tế đối tác trong khi cách tiếp cận của Trung Quốc chủ yếu là thúc đẩy thương mại xuyên biên giới.
Nhà báo Mỹ nhận định, càng ngày, vị thế đàm phán của Washington ngày càng yếu đi ngay cả khi chiến lược cờ chậm bao vây của Bắc Kinh đang thay đổi hình dạng của sân chơi kinh tế ở châu Á và nơi luật chơi đang bị chi phối nhiều bởi chủ nghĩa thực dụng hơn là ý thức hệ.
Xét trên khía cạnh này, EU đang đứng ở đâu đó giữa quan điểm của Mỹ và Trung Quốc, nhưng quyết định của Brussels về việc ký kết Hiệp định Toàn diện về Đầu tư với Bắc Kinh rõ ràng đã gửi lời cảnh báo cho ông Biden trước khi ông chính thức nhậm chức vào cuối tháng này.
Cố vấn và thành viên nội các của chính quyền Biden coi đó là tiền đề và có thể làm suy yếu một thỏa thuận thương mại mới mà Mỹ sẽ cần đạt được với Trung Quốc, khi sợi dây của mối quan hệ “chiến tranh lạnh” dưới thời Tổng thống Trump đã được bộc lộ rõ trước các làn gió cạnh tranh ở châu Á và các nơi khác.
Thay vì chỉ trích lãnh đạo EU áp dụng đường lối mềm mỏng hơn với Trung Quốc so với mong muốn của phía Mỹ (mặc dù thỏa thuận bao gồm các nhượng bộ đối với châu Âu), chính quyền Biden cần nhận ra những thách thức ngày càng tăng đối với sự thống trị của Mỹ ở châu Á và tập trung nhiều hơn vào củng cố bộ máy của nước mình.
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị