Đã bao giờ bạn tự hỏi vũ trụ này vận hành thế nào, con người bé nhỏ từ đâu sinh ra? Vì sao nhiều nhà khoa học càng nghiên cứu sâu về thiên văn thì càng tin vào sự hiện hữu của Đấng Sáng Tạo? Mời bạn bình tâm đọc bài viết sau và suy nghĩ nhé.
Tốc độ viên đạn của súng trường bình thường là khoảng 1km/s, nên khi viên đạn bay qua mắt, bạn không thể nhìn thấy nó. Nếu xem Trái Đất như một viên đạn, vậy khi Trái Đất bay qua trước mặt, mắt bạn có nhìn thấy nó không?
Các nhà khoa học ước tính trái đất quay với tốc độ 465m/s, tương đương với 1700 km/h, gấp đôi tốc độ của một máy bay phản lực thông thường. Nó quay một vòng trong 23 giờ, 56 phút, 4:09 giây. Đó là thời gian chính xác của một ngày. Mỗi ngày đều như thế, nghìn năm vạn năm nay không hề thay đổi.
Trái Đất cùng với Mặt Trăng quay xung quanh Mặt Trời với tốc độ 30.000 m/s. Tốc độ của nó gấp 30 lần tốc độ viên đạn. Nó quay một vòng quanh Mặt Trời mất khoảng 365 ngày, 5 giờ, 48 phút và 45 giây. Đây là thời gian chính xác của một năm, nghìn năm vạn năm nay cũng không hề thay đổi.
Mặt Trời cùng với Trái Đất quay quanh trung tâm Dải Ngân hà mà chúng ta đang ở với tốc độ 250 km/s, và phải mất 200 triệu năm để quay hết 1 vòng.
Tại Dải Ngân hà mà chúng ta đang ở, có khoảng 100 tỷ ngôi sao, và có đường kính tổng cộng 100.000 năm ánh sáng. Nó có vô số các hành tinh giống Trái Đất. Tuy vậy Dải Ngân hà cũng chỉ là một không gian bé tẹo trong vũ trụ bao la. Nếu Dải Ngân hà có đường kính dài khoảng 200 năm ánh sáng, thì vũ trụ trên tổng thể mà các nhà khoa học hiện nay nhận thức được phải trải dài gần 14 tỷ năm ánh sáng. Từ đó đủ thấy vũ trụ này to lớn và vĩ đại như thế nào.
Nếu một thành phố không có các hạn chế về luật lệ giao thông, mỗi chiếc xe cứ băng băng chạy với tốc độ 60km/h (chỉ khoảng 16m/s), vậy thì tình hình giao thông sẽ biến thành như thế nào? Chẳng phải sẽ có đầy rẫy các tai nạn hỗn loạn trên đường phố hay sao?
Nếu so sánh vũ trụ với một thành phố, thì kể ra vũ trụ này của chúng ta quá khổng lồ và hoành tráng. Hãy thử nghĩ xem, mỗi một hành tinh (tương tự một chiếc xe) đều bay với tốc độ rất nhanh, nhưng chúng lại có thể di chuyển một cách rất trật tự và chuẩn xác như vậy, mà không hề va chạm vào nhau. Điều này có thể nào là hiện tượng thuần túy ngẫu nhiên chăng?
Đồng hồ Thụy Sĩ vẫn thường được nhìn nhận là tốt nhất và có tốc độ chính xác nhất trên thế giới.
Đồng hồ có tourbillon (1 bộ phận của đồng hồ với cơ chế luôn tự động quay) có thể giảm thiểu tác động của trọng lực lên độ chính xác của đồng hồ, nhưng những chiếc đồng hồ như vậy cũng có lỗi khoảng 5 giây một tuần. Đồng hồ thạch anh chính xác nhất thế giới thì vẫn sẽ bị lỗi sai số 1 giây trong 300 năm.
Hãy tưởng tượng nếu hành tinh của chúng ta mỗi ngày chạy chậm hơn 1 giây, vậy sau hàng trăm năm, hàng chục nghìn năm, hàng trăm triệu năm, thì hậu quả sẽ như thế nào?
Cho nên khi chúng ta càng hiểu biết nhiều hơn về thiên văn, chúng ta lại càng thán phục hơn trước sự toàn năng vĩ đại của Đấng Sáng Tạo. Đây là lý do tại sao nhiều nhà thiên văn học vĩ đại đều có niềm tin kiên định vào Thần, như Galileo, Copernicus, Bruno, Newton, Hubble và Halley.
Họ tin rằng tất cả những điều này đều là thiết kế của một Nguồn Trí tuệ Siêu phàm nào đó đằng sau.
Newton đã tạo ra một mô hình của Hệ Mặt Trời. Tại trung tâm mô hình là một mặt trời mạ vàng. Các hành tinh xung quanh được sắp xếp chỉnh tề ở từng vị trí khác nhau. Khi quay một cái, các ngôi sao sẽ ngay lập tức chuyển động với quỹ đạo rất hài hòa, rất sống động và đẹp mắt. Một ngày nọ, nhà thiên văn học Halley đến thăm. Khi nhìn thấy mô hình này, ông đã xem xét nó một hồi lâu, rồi kêu lên phấn khích, hỏi Newton rằng ai đã làm ra nó.
Với giọng nói nghiêm nghị, Newton bảo người bạn Halley rằng không có ai thiết kế và chế tạo ra mô hình này cả, mà nó được hình thành bởi sự kết hợp một cách ngẫu nhiên các loại vật liệu khác nhau.
Nghe vậy, Halley phản bác, rằng một mô hình tinh tế như vậy chắc chắn phải được tạo ra bởi người thợ có tay nghề rất cao!
Lúc này, Newton vỗ vai Halley, nói: “Mô hình này thật sự tinh xảo đấy, nhưng so với Hệ Mặt Trời thì nó không là gì cả. Anh vẫn tin rằng có ai đó đã tạo ra nó đúng không. Hệ Mặt Trời còn tinh xảo hơn thứ này cả triệu lần. Vậy chẳng phải có một vị Thần toàn năng nào đó đã sáng tạo ra nó bằng một trí huệ siêu phàm hay sao?”
Nhà vật lý học nổi tiếng từng đoạt giải Nobel Richard Feynman từng nói: “Rất nhiều nhà khoa học vừa tin khoa học vừa tin vào Thượng Đế”, hai điều tưởng như trái ngược nhau này lại có thể thống nhất một cách hoàn mỹ. Newton chính là ví dụ điển hình cho câu nói này. Khi tìm hiểu về tín ngưỡng, ông nghĩ tới khoa học. Khi nghiên cứu khoa học, ông lại nghĩ về tín ngưỡng, và cho rằng mọi thứ xảy ra trong vũ trụ không phải đều ngẫu nhiên.
Newton nói: “Khi tôi quan sát Hệ Mặt Trời, nhìn thấy khoảng cách từ Trái Đất đến Mặt Trời thật khéo léo cho Trái Đất có được ánh sáng và nhiệt độ thích hợp, đây tuyệt đối không phải là hiện tượng ngẫu nhiên!”.
Newton nói: “Người bao quát hết thảy, đại trí đại huệ. Người hiện hữu trong đại thiên thế giới sắp xếp có trật tự, bao la vô tận, tất cả đều theo ý chỉ của Ngài … Khi dùng kính viễn vọng tìm đến nơi tận cùng, tôi đã nhìn thấy dấu vết của Thần”. Ông cũng từng khẳng định khi đang nghiên cứu về chuyển động của các hành tinh, ông đã nhìn thấy “bàn tay của Chúa”.
Vũ trụ thật bao la và tráng lệ, như một kiệt tác của Đấng Tạo Hóa.
Tác giả: Lượng Vũ, secretchina.com – Yên Tử biên dịch