Nếu căng thẳng Mỹ – Trung trở nên nghiêm trọng hơn, Bắc Kinh có thể thắt chặt hoạt động xuất khẩu loại mặt hàng quan trọng này.
Thuốc xuất xứ Trung Quốc
Theo Betsy McCaughey – nhà báo Mỹ, cựu phó thống đốc New York, mặc dù những đơn thuốc cung cấp cho bệnh nhân Mỹ nhiều lúc không ghi xuất xứ “made in China“, nhưng có tỉ lệ rất cao những loại thuốc này có nguồn gốc từ Trung Quốc.
Hiện tại tổng thống Mỹ Donald Trump đang kêu gọi các ngành công nghiệp Mỹ sản xuất mặt hàng này ngay trên đất Mỹ thay vì sử dụng nguồn lực ở Trung Quốc. Các công ty dược Mỹ – hiện tại phải phụ thuộc vào nguyên liệu Trung Quốc để bào chế thuốc kháng sinh, thuốc tim và các loại thuốc khác – là những đơn vị đầu tiên phản ứng đối với đề xuất của ông Trump.
Sự phụ thuộc này được đánh giá là một mối đe dọa đối với an ninh quốc gia. Tác giả McCaughey cho rằng, điều kiện sản xuất không đảm bảo tại một số nhà máy dược Trung Quốc có thể gây ra mối hiểm họa về sức khỏe đối với những bệnh nhân sử dụng thuốc.
Chắc chắn, Mỹ không thể thuê lao động sản xuất máy bay chiến đấu và xe tăng tại Trung Quốc; việc đó sẽ đặt an ninh quốc gia Mỹ vào nguy hiểm. Nhưng ngay cả những sĩ quan Mỹ cũng sử dụng thuốc có xuất xứ Trung Quốc.
Các nhà máy Mỹ hiện tại không còn sản xuất thuốc kháng sinh phổ thông. Theo cảnh báo từ chuyên gia y tế Rosemary Gibson của Trung tâm Hastings, nếu căng thẳng thương mại Mỹ-Trung trở nên tồi tệ hơn, Trung Quốc có thể cắt giảm xuất khẩu kháng sinh, gây ra tình trạng khủng hoảng thuốc ngay tại các bệnh viện của Mỹ.
Mùa hè năm nay, Ủy ban đánh giá An toàn và Kinh tế Liên bang Mỹ đã cảnh báo về sự nguy hiểm khi Mỹ quá phụ thuộc vào thuốc men của Trung Quốc. Giả dụ, nếu dịch bệnh than bùng nổ tại Mỹ, thì Trung Quốc sẽ là nguồn cung cấp chính của ciprofloxacin, một loại thuốc đặc trị dùng để điều trị cho bệnh nhân mắc loại bệnh này.
Ủy ban cũng lưu ý về “sự thiếu thốn nghiêm trọng đối với tiêu chuẩn sức khỏe và an toàn” tại một số nhà máy dược Trung Quốc và cho rằng người dân nên cẩn trọng đối với mọi sản phẩm tiêu thụ trực tiếp như thuốc men.
Cơ quan quản lý an toàn dược phẩm Mỹ (FAD) tuyên bố thành phần dược phẩm từ Trung Quốc an toàn. Tuy nhiên, cơ quan giải trình trách nhiệm chính phủ Mỹ (GAO) cho rằng FDA không thường xuyên kiểm tra các cơ sở sản xuất thuốc Trung Quốc, và thậm chí còn không bao giờ kiểm tra hết các nhà máy. Tại Mỹ, các nhà máy thuốc đều được kiểm tra theo chu kỳ 2 năm 1 lần.
Mỹ cần cẩn trọng
Trong 13 tháng trở lại đây, FDA đã phải công bố hơn 50 vụ thu hồi thuốc huyết áp từ Trung Quốc bởi những thuốc này chứa những hoạt chất có thể gây ra những bệnh nghiêm trọng đối với người sử dụng ở tỉ lệ 1/8.000 bệnh nhân.
Năm 2008, thuốc chống đông máu heparin có xuất xứ Trung Quốc đã khiến 81 bệnh nhân thiệt mạng do chứa độc tố nguy hiểm. Theo New York Post, loạt thuốc này được bào chế từ một phần trong nội tạng lợn và FDA từng kết luận chất độc trong heparin xuất hiện vì nhà máy Trung Quốc sử dụng những kho lưu trữ thiếu vệ sinh.
Trong khi đó, chính quyền Trung Quốc phủ nhận mọi cáo buộc. Bà McCaughey cho rằng vụ việc năm 2008 xảy ra là do FDA không thể kiểm tra mọi nhà máy xuất khẩu thuốc sang Mỹ. Thậm chí hiện nay, FDA cũng chỉ có 29 nhân viên chịu trách nhiệm giám sát hơn 3.000 cơ sở thiết bị của các nhà máy ở nước ngoài.
Ngày 1/9 vừa qua, chính quyền ông Trump đã tiếp tục áp đòn thuế quan đối với quần áo và giày dép Trung Quốc với ý định ép Bắc Kinh quay trở lại bàn đàm phán. Nhiều chính trị gia ở Wahshington bắt đầu lo ngại về thuế quan mà Trung Quốc sẽ sử dụng để trả đũa trong dịp Giáng sinh tới.
Tuy nhiên, dường như không mấy người để mắt tới sự phụ thuộc quá mức của Mỹ đối với dược phẩm Trung Quốc.
Các nhà đàm phán thương mại Mỹ cần lưu ý rằng Trung Quốc có thể dùng chuỗi cung ứng thuốc men làm vũ khí mới. Bây giờ là lúc để Mỹ chuẩn bị đối phó với mối đe dọa này hơn là tìm kiếm các nguồn cung rẻ hơn từ nước ngoài hay khuyến khích sản xuất thuốc nội địa.
theo Trí Thức Trẻ