Cổ nhân giảng: “Đạo sinh trong tĩnh lặng, đức sinh tự khiêm ti, phúc sinh do thanh liêm, mệnh sinh bởi ôn hòa”. Trí huệ, đức hạnh, phúc phận, thọ mệnh trong đời người đều ẩn tàng trong câu nói trên.
Đạo sinh trong tĩnh lặng
Chỉ khi tâm tĩnh lặng mới có thể quan sát, cảm nhận được nguyên lý vận hành của vạn vật. Đây là phép “cầu đạo” mà Lão Tử lưu lại cho hậu thế. Suy ngẫm bắt nguồn khi hướng vào nội tâm, trí huệ sinh ra từ sự yên tĩnh. Một người cả ngày đều ồn ào, đôi co, tâm nóng nảy, hấp tấp, sẽ chẳng thể sinh ra trí huệ.
Trang Tử kể rằng có một bậc cao nhân chuyên đẽo chuông gỗ, một nhạc cụ thời cổ đại. Kỹ thuật của ông vô cùng cao siêu, khiến người xem luôn phải kinh ngạc vì sự điêu luyện xuất quỷ nhập thần. Khi có người hỏi phương pháp chế tác, ông nói: “Chỉ cần trai giới tịnh tâm, ngoài ra không có gì đặc biệt.”
Lão Tử nói: “Hết sức giữ được cực hư, cực tĩnh, khi xem vạn vật sinh trưởng ta thấy được qui luật phản phục [vạn vật từ vô mà sinh ra rồi trở về vô].” Khi một người có thể đạt đến cảnh giới tĩnh, tự nhiên cũng sẽ gần với “Đạo”.
Đức sinh tự khiêm ti
64 quẻ trong Kinh Dịch, mỗi quẻ đều có hai mặt chính phản, đều có được, có mất, có lợi có hại. Duy quẻ “Khiêm” chỉ có lợi mà không có hại.
Kinh Dịch viết: “Khiêm tốn là gốc rễ của tu dưỡng đạo, nhường nhịn là chủ của lễ nghi”. Khiêm ti là gốc của phẩm đức, khiêm nhường cũng là khởi đầu của đức. Muốn biết nhân phẩm một người ra sao, chỉ cần xem họ có khiêm tốn hay không là đủ.
Núi không chê đá, nên hùng vĩ; biển chẳng từ nước, mới bao la. Khiêm ti cũng là một kiểu bao dung. Khiêm nhường, đơn điệu mới có thể thu nạp rộng rãi.
Người khiêm nhường không bới móc sở đoản của người khác, không phô trương sở trường của bản thân. Người khiêm nhường có hàm dưỡng, biết hành thiện, có thể chừa lại đường lui cho người khác, không dồn họ đến bước đường cùng.
Một người không mang tâm kiêu ngạo, cuộc đời của họ ắt sẽ chẳng gặp tai ương, sớm muộn gì cũng đắc được phúc báo.
Phúc sinh do thanh liêm, cần kiệm
Đạo Đức Kinh giảng: “Ta có ba báu vật, luôn giữ ở bên mình. Một là nhân từ, hai là cần kiệm, ba là không dám đứng trước thiên hạ”. Sống cần kiệm, biết đủ sẽ coi nhẹ danh lợi, không phóng túng dục vọng vô độ, người như vậy ắt có phúc phận.
Kiệm ăn uống, không làm tổn hại tới tì vị. Kiệm giao du, bớt mệt nhọc. Kiệm tham dục, tiêu diêu tự tại. Tâm thanh như nước, sóng chẳng sinh. Dục vọng ít, nên tâm không dao động, tu thân dưỡng tính, tự nhiên ắt có phúc lành.
Xem sử tiên hiền của nước nhà,
Thành do cần kiệm, bại xa hoa.
(Lý Thương Ẩn – Bản dịch của Hoàng Giáp Tôn)
Từ xưa đến nay, người đứng đầu một gia đình, một đất nước mà đạt được thành công thì không một ai là không phải dựa vào cần kiệm, tiết chế, tu thân. Còn “vong quốc bại gia” thì hầu hết đều là vì xa xỉ, buông thả dục vọng, thuận theo ham muốn mà thành.
Mệnh sinh bởi ôn hòa
Khi nội tâm một người thường giữ được sự tĩnh lặng thì họ đối đãi với mọi chuyện lớn nhỏ trong cuộc sống bằng sự ôn hòa. Bởi sống thuận theo tự nhiên nên đường hoàng, sinh mệnh cũng theo đó mà trở nên an nhiên.
Người mang tâm thái bình hòa không cần tranh đoạt điều gì nên trong tâm không phiền muộn. Đi lại, ăn ở, nằm ngồi đều an nhiên tự tại, đương nhiên sẽ khỏe mạnh, trường thọ.
Đạo Đức Kinh giảng: Vạn vật sinh bởi âm dương, muốn trường thịnh bất diệt điều then chốt cần xem âm dương liệu có điều hòa hay không. Âm dương được điều tiết thì khí huyết thông thuận. Người thường vui vẻ, hòa nhã, tâm khí vượng, mà ngũ tạng an. Vậy nên sự an hòa không chỉ hàm chứa triết lý nhân sinh sâu sắc, mà còn là bí quyết dưỡng sinh.
Thiên Cầm