Không phải lúc nào một điều tồi tệ cũng được tiếp nối bởi một điều tồi tệ khác. Thế nhưng, cứ gặp phải chuyện không may, bạn lại không thể nào ngừng nghĩ đến tương lai tăm tối đang chờ đợi bạn phía trước. Và đó là điều nguy hiểm
Một vị giáo sư tâm lý học nọ đứng trên bục, thuyết giảng về các nguyên tắc kiểm soát stress trong một hội trường đầy sinh viên. Khi bà giơ một cốc nước lên, ai nấy đều nghĩ đến câu hỏi mẹo vô cùng kinh điển: “Cốc nước đầy một nửa hay vơi một nửa?” Thế nhưng, vị giáo sư chỉ mỉm cười và hỏi: “Cốc nước mà tôi đang cầm nặng bao nhiêu?”
Ai cũng nhao nhao đáp án của riêng mình. Người cho rằng chiếc cốc đó nặng 2 lạng, kẻ lại bảo những 9 lạng.
Đến lúc này, vị giáo sư mới nhẹ nhàng đáp: “Đối với tôi, cốc nước này nặng bao nhiêu không quan trọng. Quan trọng là tôi sẽ phải cầm nó trong bao lâu. Nếu chỉ 1-2 phút thì nó khá là nhẹ. Nếu tôi phải giữ nó trong 1 giờ liền, chắc chắn tay tôi sẽ hơi đau. Nhưng nếu phải cầm nó cả ngày dài, tôi sẽ đánh rơi chiếc cốc này vì tay bị chuột rút và tê cứng. Dù ở trong trường hợp nào thì trọng lượng của cốc nước cũng không đổi. Nhưng càng cầm lâu, tôi sẽ càng thấy nó nặng thêm.
Đợi cả lớp gật gù đồng ý, vị giáo sư lại nói tiếp: “Stress và nỗi lo lắng của bạn cũng chẳng khác gì cốc nước này. Lâu lâu mới nghĩ tới nó thì sẽ không sao cả. Nếu bạn nghĩ về nó nhiều hơn mức cần thiết, bạn sẽ cảm thấy mệt mỏi. Nếu bạn nghĩ về nó suốt cả ngày trời, rồi sẽ đến lúc bạn cảm thấy nản chí, tê liệt và chẳng thể làm được gì ngoài việc từ bỏ.”
Đúng vậy, việc loại bỏ stress và lo lắng là một điều cực kì quan trọng. Dù chuyện gì xảy ra vào ban ngày, bạn cũng nên rũ bỏ mọi gánh nặng khi đêm xuống. Đừng gắng sức cả đêm rồi lại lo nghĩ ngày hôm sau. Nếu bạn vẫn cảm thấy bị gánh nặng đè nén, điều đó có nghĩa là đã đến lúc bạn cần phải đặt chiếc cốc nước xuống rồi.
Theo các nhà nghiên cứu, cách hay nhất để sống thanh thản là tuyên chiến với những suy nghĩ tiêu cực của bản thân. Mỗi ngày, chúng ta có đến hàng ngàn suy nghĩ. Một số cái mang tính tiêu cực và có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của bạn, thậm chí còn có thể dẫn tới bệnh đau tim:
“Tôi sẽ làm sau.”
Nếu bạn có thời gian rảnh, việc xem một bộ phim hấp dẫn trên Netflix sẽ là một lựa chọn tuyệt vời. Thế nhưng, vì nó mà bạn hoãn công việc mình đang làm sẽ chỉ khiến bạn càng thêm stress.
Thay vào đó, bạn cần tìm cho mình một động lực làm việc để thúc đẩy bản thân. Lucas D. Saiter – một nhà trị liệu tâm lý ở New York cho biết: “Tạo checklist là phương pháp hiệu quả trong việc khuyến khích mỗi cá nhân. Hãy đề ra những mục tiêu khả thi, viết chúng ra, và thực hiện chúng.”
“Mọi thứ thật tồi tệ.”
“Tôi đã không thể trả lời được bài trắc nghiệm trên lớp. Điều này có nghĩa là tôi sẽ trượt môn và chẳng thể tốt nghiệp nổi. Rồi tôi sẽ thất nghiệp và sống ăn bám bố mẹ suốt cả cuộc đời này.”
Không phải lúc nào một điều tồi tệ cũng được tiếp nối bởi một điều tồi tệ khác. Thế nhưng, cứ gặp phải chuyện không may, bạn lại không thể nào ngừng nghĩ đến tương lai tăm tối đang chờ đợi bạn phía trước.
Để khắc phục điều này, Robyn Gold – một nhà tâm lý trị liệu tại New York – khuyên rằng bạn cần nghĩ tới tất cả mọi viễn cảnh có thể xảy ra, bao gồm cả những điều tốt đẹp. “Chẳng hạn, bạn nên bình tĩnh lại và tự nhủ rằng mình đủ mạnh mẽ để làm tốt hơn trong lần tới. Sau đó, hãy nghĩ tới những điều tốt đẹp đang chờ đón bạn để làm động lực thúc đẩy bản thân vươn tới thành công.”
“Tôi không đủ khả năng.”
Đây là suy nghĩ tiêu cực sẽ làm cản trở khả năng thăng tiến của bạn trong công việc cũng như các mối quan hệ cá nhân. Lynn Whitbeck – sáng lập viên của trang web petite2queen.com chuyên tư vấn nghề nghiệp cho phụ nữ – đã phát triển một chiến lược có tên là YASS để giúp khách hàng của cô thoát khỏi tư duy này.
Y (You) = Tại sao lại là bạn? Vì bạn có thể tạo ra giá trị
A (Allowed to fail) = Bạn được phép thất bại. Nhưng nhớ đừng quên đứng dậy sau đó.
S (See success) – Hướng tới thành công. Thở đều và định hình lại tư duy của mình.
S (Surge forward) – Tiến về phía trước. Hãy biết tin tưởng, vì nếu bạn không khao khát, bạn sẽ không bao giờ có được thứ mình muốn.
“Cuộc sống của họ tốt hơn tôi rất nhiều.’
Cứ mỗi lần lướt Instagram, bạn lại cảm thấy dường như cuộc sống của mọi người dễ dàng hơn mình rất nhiều. Thế nhưng, đây không phải là sự thật.
Theo nhà tâm lý học Ree Langham, những thứ bạn nhìn thấy chỉ là vỏ ngoài cho những điều đang thực sự diễn ra ở bên trong. “Nói cách khác, người ta chỉ thể hiện những gì mà họ muốn người khác thấy,” ông cho biết.
“Bạn tưởng rằng mình là kẻ thất bại, khi thấy mọi người xung quanh có vợ đẹp con thơ hay nhà lầu xe hơi, nhưng bạn chẳng biết điều gì đang diễn ra sau những cánh cổng đóng kín đó,” Langham nói thêm. “Người mà bạn nghĩ là hạnh phúc có khi lại đang đau khổ vì một điều gì đó mà bạn không thấy được.”
“Điều này luôn xảy ra với tôi.”
“Mỗi khi gặp những chuyện không may như tắc đường, hành lý thất lạc, chậm chuyến bay, phản ứng đầu tiên của chúng ta là thở dài và tự hỏi tại sao những chuyện như vậy cứ xảy ra với mình?”, Toni Coleman – một nhà trị liệu tâm lý và chuyên gia hòa giải hôn nhân – cho biết.
Coleman cho rằng cần loại bỏ suy nghĩ tiêu cực này vì nó biến chúng ta trở thành “nạn nhân” của các tình huống kém may mắn. Từ đó, chúng ta sẽ càng nhìn cuộc đời một cách u ám hơn.
Khi suy nghĩ tiêu cực này bắt đầu trỗi dậy, Coleman gợi ý bạn nên thay thế những lời than vãn bằng một thứ khác nhẹ nhàng hơn. “Hãy nghĩ tích cực lên – hài hước thì càng tốt – và tiếp tục công việc của mình,” bà nói.
“Nhẽ ra tôi nên…”
“Nhẽ ra” là từ có tính sát thương lớn hơn bất cứ từ ngữ nào khác, theo Jennifer Hunt – Trưởng khoa Bệnh lý học tại Đại học Y khoa Arkansas, đồng thời là người sáng lập Chương trình Phát triển Lãnh đạo dành cho phụ nữ Unlocking the Authentic Self.
“Hầu hết những thứ đứng đằng sau từ ‘nhẽ ra’ đều phản ánh một sự thất vọng, một cơ hội bị bỏ lỡ, một sự so sánh không lành mạnh giữa lý tưởng và thực tế, như thể bạn nhìn cuộc đời qua chiếc gương chiếu hậu vậy,” Hunt nói.
Bà khẳng định đây là suy nghĩ có hại và nó sẽ gặm nhấm dần sự tự tin của bản thân bạn.
“Tôi thật là ngu ngốc”
Theo Karen Donzaldson – chuyên gia ngôn ngữ hình thể tại Canada, lối suy nghĩ tự hạ thấp bản thân có thể hủy hoại sự tự tin và lòng tự trọng của bạn. “Dần dần, bạn sẽ là kẻ chỉ trích bản thân nặng nề nhất. Bạn sẽ ngừng hành động, ngừng chia sẻ. Bạn sẽ sống như thể mình chẳng là đáng là gì.”
Bà gợi ý rằng thay vì suy nghĩ tiêu cực, hãy tạo ra một danh sách gồm 3 thứ mà bạn rất giỏi và 3 điều bạn yêu quý ở bản thân mình. “Mỗi khi một suy nghĩ tự hạ thấp bản thân xuất hiện, hãy thay thế nó bằng 1 trong 6 điều trên,” Donzaldson khuyên.
Ngọc Hà – Theo Trí thức trẻ/HuffPost