Ngày 21/8 vừa qua, Pengyi Li (33 tuổi, quốc tịch Trung Quốc) đã bị các đặc vụ liên bang Mỹ bắt giữ khi đang trên đường ra sân bay quốc tế Honolulu để bay đến Hồng Kông. Anh ta mang theo các thiết bị điện tử bị cấm xuất khẩu ra khỏi Mỹ nếu không có giấy phép.
Pengyi Li cứ đinh ninh rằng anh ta đang vận chuyển món hàng do những tên môi giới xấu xa tại Mỹ cung cấp. Thực chất, đây là một màn kịch do các đặc vụ ngầm dựng lên để tiện bề bắt quả tang và đưa Li về nhà lao.
Kẻ vận chuyển gặp đặc vụ ngầm
Vụ bắt giữ Li là kết quả của một cuộc điều tra kéo dài 2 năm liên quan đến việc lấy cắp các linh kiện nhạy cảm dùng trong tàu vũ trụ và tên lửa từ Mỹ sang Trung Quốc, theo đơn tố cáo hình sự mà trang tin Quartz nhận được.
Trong năm 2017, các điều tra viên thuộc Bộ An ninh Nội địa Mỹ đã cung cấp các vi mạch phóng xạ và cảm biến chất lượng cao dùng trong hàng không vũ trụ cho một công ty nào đó ở Hồng Kông để đổi lấy khoản tiền hơn 150.000 USD, theo đơn tố cáo.
Các thiết bị này cần phải có giấy phép xuất khẩu thì mới có thể vận chuyển ra nước ngoài, trong đó có nhiều linh kiện đặc biệt bị cấm bán tại Trung Quốc vì chúng có thể được sử dụng với tên lửa và vệ tinh tiên tiến trong các ứng dụng quân sự.
Theo các điều tra viên, các đặc vụ ngầm trong vai người môi giới đã hứa với Pengyi Li rằng một quan chức hải quan biến chất sẽ bảo vệ cho anh ta. Do đó, Pengyi Li đã thực hiện chuyến đi mạo hiểm đến Hawaii.
“Tôi đưa tiền hối lộ cho ông ta, kèm theo xì gà và rượu whiskey mà ông ta thích, để ông ta đảm bảo rằng chuyến bay của anh sẽ không bị lục soát,” đặc vụ ngầm nói với Li như vậy. “Tôi sẽ cần số hiệu chuyến bay của anh khi chúng tôi sắp tới sân bay. Anh có đồng ý với điều này không? Nếu có thì hãy chốt giao kèo.”
Các điều tra viên cũng cho biết, Li đã đòi bên môi giới thanh toán chi phí đi lại của mình cộng thêm khoản thù lao 10.000 USD cho việc mang các thiết bị cấm trở về Hồng Kông.
Cuối cùng, các đặc vụ ngầm đã trả tiền cho chuyến bay của Li từ Thâm Quyến (Trung Quốc) đến Honolulu vào ngày 20/8. Li đã bị bắt vào ngày hôm sau. Một thẩm phán liên bang đã ra lệnh giữ anh ta mà không cho bảo lãnh.
Theo đơn tố cáo, Li không phải là mục tiêu chính của cuộc điều tra, mà là đường dây trung gian chuyên ăn cắp các linh kiện từ Mỹ cho người mua ở Trung Quốc.
Đầu mối còn dang dở
Một phụ nữ điều hành công ty tại Hồng Kông và am hiểu luật xuất khẩu của Mỹ, đã bị những điều tra viên đưa vào “tầm ngắm” (không nêu tên cụ thể trong đơn tố cáo) khi phát hiện ra các cuộc trò chuyện trực tuyến của cô. Sau khi lô hàng đầu tiên có chứa các linh kiện cấm bị các thanh tra bưu chính Mỹ tịch thu, người phụ nữ này đã tỏ ra sợ hãi và từ chối tham gia vào việc xét xử của chính phủ Mỹ.
Đơn tố cáo cũng nhắc đến một công ty đồng phạm tại Mỹ. Người phụ nữ trên đã mua các vi mạch (có thể tồn tại trong môi trường bức xạ cao như ngoài không gian vũ trụ) được thiết kế bởi công ty của Mỹ, nhưng công ty này lại từ chối vận chuyển chúng ra nước ngoài. Sau đó, cô yêu cầu những người môi giới (đặc vụ ngầm đóng giả) đưa các con chip đó lẫn vào trong lô hàng chứa các thiết bị đã qua kiểm duyệt đến Trung Quốc.
Những người môi giới đã đồng ý và nhận được một gói hàng từ công ty Mỹ nói trên, kèm theo cả hóa đơn, cho thấy công ty Mỹ này hoàn toàn hiểu họ đang bán linh kiện cấm xuất khẩu cho người mua ở Hồng Kông.
Cuộc chiến bảo vệ bí mật công nghệ của Mỹ
Công nghệ Mỹ đã bị trộm bởi các công ty Trung Quốc được nhà nước hậu thuẫn. Đây là một trong những động lực chính thúc đẩy cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. Năm 2018, Bộ Tư pháp Mỹ đã có những động thái nhằm ngăn chặn Trung Quốc thực hiện các hành vi ăn cắp công nghệ của mình. Vào tháng 7, giám đốc FBI Christopher Wray cho biết cơ quan này đã mở hơn 1.000 cuộc điều tra về hành vi trộm cắp tài sản trí tuệ của Trung Quốc.
Hiện Bộ Tư pháp đã tiến hành truy tố 9 vụ án tương tự có liên quan đến các hoạt động buôn lậu hàng không vũ trụ trong thập kỷ qua. Các vụ việc hầu hết đều diễn ra theo một kịch bản: Một công ty của Mỹ báo cáo các khách hàng đáng ngờ cho chính phủ, và sau đó những đặc vụ sẽ đóng vai những kẻ môi giới xấu xa. Người mua thường chỉ là trung gian cho khách hàng thực sự ở Trung Quốc, sau đó người này bị “dẫn dụ” đến khu vực an ninh của Mỹ và bị bắt giữ.
Có thể kể tên một số vụ việc như: Năm 2013, Bo Cai và Wentong Cai đã gặp những người môi giới “ngầm” để tiến hành giao dịch các loại cảm biến ở New Mexico; Năm 2014, See Kee Chin đã bị bắt ở Seattle (Mỹ) khi buôn lậu máy gia tốc được ngụy trang thành đồ chơi trẻ em; Năm 2016, William Ali, người dân ở quần đảo Fiji, mua các máy đo gia tốc cấm cho một người Trung Quốc và đã bị bắt tại Seattle.
“Mục tiêu tối thượng của chúng tôi là hạn chế việc buôn lậu công nghệ ra khỏi nước Mỹ và rơi vào tay những kẻ xấu,” Todd Greenberg, trợ lý luật sư Mỹ, người đã khởi tố nhiều vụ vi phạm liên quan đến xuất khẩu, cho biết trên trang Quartz.
Các công tố viên hiếm khi xác định được người dùng hàng nhập lậu cuối cùng, nhưng các linh kiện có thể cung cấp một số manh mối.
Các mạch vòng được làm cứng bằng bức xạ được sử dụng để chế tạo các phương tiện di chuyển ra ngoài bầu khí quyển của Trái đất, giống như các vệ tinh có thể phát hiện tên lửa hoặc do thám các quốc gia khác. Việc sản xuất ra các mạch này đòi hỏi nguyên liệu hiếm và qua quy trình thử nghiệm gắt gao. Gia tốc kế được sử dụng để dẫn đường cho tàu vũ trụ và tên lửa, đòi hỏi yêu cầu kỹ thuật cao nhằm đảm bảo độ chính xác. Việc Trung Quốc đánh cắp các thiết bị trên, cho thấy công nghệ của hiện tại quốc gia này chưa thể sánh ngang với Mỹ.
“Kỹ năng cần thiết để sản xuất các sản phẩm đạt chất lượng cao là vô cùng quan trọng,” Andrew Hunter, một thành viên cao cấp tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế của Mỹ, người nghiên cứu về ngành công nghiệp quốc phòng cho biết. “Đó là sự khác biệt về năng lực sản xuất giữa Mỹ với các đối thủ cạnh tranh của họ tại Trung Quốc.”
TheoQuartz, – Phan Anh