Vụ án mạng chấn động mới đây khiến cả nước Anh một lần nữa tập trung chú ý đến vấn đề người nhập cư trái phép. Sau khi biết thông tin, A Kim (biệt danh), một người Trung Quốc từng nhập cư trái phép vào Anh từ 21 năm trước, cho biết rằng trải nghiệm này chỉ có thể mô tả là “thập tử nhất sinh”.
Vào mùa đông năm 1998, A Kim đã trải qua một hành trình gian khó kéo dài ba tháng với chặng đường từ Trung Quốc Đại Lục đến Hà Lan và cuối cùng mới đến được Anh.
A Kim là con trai một nông dân ở Phúc Thanh tỉnh Phúc Kiến. Sau khi bỏ học trung học, A Kim đi làm thuê kiếm sống vài năm, nhưng cảm thấy tiền đồ mù mịt nên nghĩ cách ra nước ngoài. Năm 1998, khi đó A Kim mới 23 tuổi, có người trong làng đã giới thiệu cho A Kim cơ hội trốn ra nước ngoài.
Không chút do dự, ông lập tức đồng ý. Ông tâm sự: “Cố gắng học tập cũng chưa chắc có việc làm tốt, trong làng chúng tôi chỉ có một người tốt nghiệp đại học, nhưng rồi cũng đi tha hương làm thuê kiếm sống. Làng chúng tôi có chút ruộng đất, nhưng nằm phân tán rải rác, diện tích rất nhỏ hẹp, vì vậy về cơ bản không ai trồng trọt, ngay cả loại trái dễ trồng như dưa hấu người ta cũng không trồng. Thà ra nước ngoài làm thuê, dù vượt biên nhập cư trái phép đầy rẫy nguy hiểm, nhưng có nhiều hy vọng vào tương lai hơn ở nhà làm nông nghiệp.”
14 người trốn trong khoang bí mật của xe buýt
Thế là A Kim bắt đầu hành trình theo sắp xếp của một người chuyên đưa người vượt biên. Ban đầu ông lấy hộ chiếu lao động đến Nga, sau đó đến Ukraine, thời điểm đó từ Nga đến Ukraine không cần thị thực.
Khi băng qua biên giới Ukraine đến Slovakia, A Kim đi theo xe buýt đã được bố trí. Ông kể rằng đây là một chiếc xe buýt cỡ trung đã được chế tạo lại bổ sung thêm một khoang chứa kín nằm kẹp dưới toa khách, bề rộng của khoang đủ xếp 5 người, còn bề dài đủ xếp cho 2 hàng người, tổng cộng khoang chứa đủ cho 10 người nhưng chen chúc đến không cử động được. Ở phần dưới chiếc xe, khoảng giữa bánh trước và bánh sau có thêm một khoang hẹp, bên trong đủ chứa 4 người. Như vậy, suốt chặng đường, thông thường khu chỗ ngồi hành khách công khai trong xe buýt sẽ không có người, hoàn toàn trống rỗng, nhưng hai khoang ngầm trên và dưới của xe lại có thể nhét 14 người.
Hôm đó là ngày mùa đông với nhiệt độ từ âm 20°C đến âm 30°C. A Kim và những người vượt biên khác nằm trong khoang kín chiếc xe với thời gian hơn 30 tiếng, cứ cách khoảng 10 tiếng là tài xế lại bố trí cho họ ra ngoài để mọi người được nghỉ ngơi một chút rồi lại tiếp tục hành trình.
Ba ngày ba đêm phải ăn tuyết lót dạ
Theo lời A Kim kể, sau khi đến Slovakia, 14 người trong xe ông đi được bố trí ở trong một căn phòng nhỏ cùng 14 người khác cũng được đưa đến theo cách tương tự. Vì gian phòng nhỏ nên mọi người chỉ có thể đứng. Người đưa họ đến cho mỗi người hai ổ bánh mì. Họ sống trong căn phòng nhỏ đó và chờ đợi 3 ngày 3 đêm mà không có chút nước và thức ăn, phải ăn tuyết bên ngoài.
Có người tưởng đã thiệt mạng
Ba ngày sau, người dẫn đường mới đưa họ đi, mọi người cùng nhau băng qua một ngọn núi. A Kim nói: “Đó là một ngọn núi phủ đầy tuyết, tuyết sâu đến tận bắp đùi.”
Ông kể rằng có một người đồng hương đi cùng cơ thể tiều tụy, khi leo núi thở hổn hển, tính mạng bị đe dọa. A Kim có sức khỏe tốt nên đã cõng người đồng hương xuống núi, nếu không thì người này có lẽ đã mất mạng trên ngọn núi tuyết. Nghe nói nhiều người đã mất mạng trong quá trình vượt biên này. Người đưa đường bố trí đi vào mùa đông là vì thời gian này vắng bóng người và cũng không có rắn nên tương đối an toàn.
28 người khóc trong chiếc xe jeep
A Kim cùng mọi người lại được đưa đến một điểm dừng tiếp theo, sau đó lại từ Slovakia đi đến Cộng hòa Séc. Đoàn người 28 người họ được sắp xếp ngồi trong một chiếc xe jeep quân sự. Thông thường chiếc xe jeep quân sự chỉ để chở vài người, vậy mà không biết sao có thể nhét vào 28 người.
Ông hồi tưởng, ban đầu họ cho 4 người ngồi vào trong, sau đó thêm 4 người ngồi lên đùi của 4 người đó, và sau đó lại cho 4 người ngồi lên đùi của 4 người, còn lớp người tiếp theo phải đứng cong chân. Như vậy dường như trong xe không còn một khe hở nào, đầu xe chật đến mức không thể quay được. Trên đường đi, mọi người bắt đầu khóc lóc và than vãn, phải vô cùng khổ nhọc mới vượt qua được đoạn đường gian khó này.
Đầu lâu người chết trên núi tuyết
Sau đó, 28 người họ lại được đưa đến một gian phòng lớn, trông giống như một nhà kho, bên trong còn có đến hơn 80 người. Ông kể trong số những người vượt biên đến đây có khá nhiều người Pakistan. Điều kiện sống trong nhà kho này rất tồi tệ, khí hậu bên ngoài và trong căn nhà đều lạnh lẽo, mọi người ngủ trên sàn bê tông trần trụi, không có một mảnh giấy.
Tại đây, A Kim nghe những người đồng hương khác kể rằng họ đã phải băng qua một ngọn núi dốc đứng phủ đầy tuyết, nhờ ánh sáng phản chiếu từ tuyết mà họ thấy nhiều đầu lâu người chết ở hai bên đường, cảnh tượng vô cùng khủng khiếp.
Con đường vượt biên này rất nguy hiểm, có lẽ ngoài sức chịu đựng của những người lớn tuổi hoặc trẻ em, cho nên họ đã thiệt mạng trên đường đi.
Cận kề cái chết trong suốt 5 tiếng nằm chờ trên tuyết
Tiếp theo, A Kim và nhóm người đi cùng lại được sắp xếp di chuyển từ Cộng hòa Séc đến Đức, chặng đường này cũng phải leo qua núi tuyết.
Dưới chỉ dẫn của người đưa vượt biên, họ lại leo qua ngọn núi phủ tuyết, thậm chí họ còn nhìn thấy ánh đèn bên trong trạm kiểm soát biên giới và thấy chiếc trực thăng bay ngang trên đầu. Người chỉ dẫn thông báo với họ rằng, nếu thấy có máy bay trực thăng thì hãy nằm bẹp xuống không được cử động, nếu không sẽ bị phát hiện.
Sau khi vượt qua khổ ải cùng cực để băng được qua ngọn núi phủ tuyết, A Kim và những người đi cùng được cho biết rằng họ sẽ phải nằm trên tuyết lạnh để chờ đợi người đến tiếp nhận, nếu không có thể bị lính canh phát hiện. Vậy là họ đã nằm trên tuyết chờ đợi, cơ thể mọi người tưởng như đóng băng, một số người đã bỏ cuộc trở về vì sợ mất mạng.
Nhưng A Kim và một số người đi cùng phải chờ đợi gần 5 tiếng, tưởng như đã chịu đến giới hạn của sự sống, mới thấy một chiếc xe màu đỏ chạy đến đón họ. Chiếc xe đưa họ đến một công viên ở khu biên giới nước Đức và lại yêu cầu mọi người ở đó chờ đợi thông tin.
Trú trong một buồng điện thoại ở biên giới nước Đức
A Kim và nhóm người đi cùng trú bên cạnh một bốt điện thoại ở biên giới nước Đức và chờ đợi ở đó hai ngày hai đêm, thời tiết trong hai ngày đó đặc biệt tồi tệ, mưa và tuyết rơi không ngừng, họ đành trú tạm trong buồng điện thoại.
Ông kể rằng, may mà trước khi xuất phát ông giấu chút đô la Mỹ trong giày, vì vậy đã dùng để mua nước và bánh quy từ một cửa hàng gần đó mới sống được qua hai ngày này. Sau đó, người dẫn đường nghe điện thoại và được người đầu bên kia báo rằng họ bắt xe đi đến ga xe lửa Koeln.
Nhưng vì rào cản ngôn ngữ, họ đành cố gắng chặn một chiếc xe khách xin đi, nhờ đó họ cũng đã đến được ga xe lửa Koeln và gặp người tiếp đón.
Sau khi đến Đức, A Kim đã nhanh chóng được đưa đến Hà Lan và trú nhờ một người quen ở đó một thời gian, sau đó mới quyết định đến Anh.
Giả là du khách từ Pháp vào Anh
Ở Hà Lan, người dẫn đường đã sắp xếp cho A Kim đi Pháp bằng đường xe lửa. Khi đến Pháp, người dẫn đường chỉ cho A Kim và vài người khác muốn đến ông nói vài câu giao tiếp tiếng Pháp đơn giản, như xin chào, tạm biệt, và sau đó phát cho mỗi người một hộ chiếu Việt Nam.
Theo bố trí của người đưa đường, A Kim và hai người khác giả là du khách nước Pháp để vào nước Anh, thông qua một người Pháp dùng xe con riêng chở họ vào nước Anh.
Tại sao nhiều người Phúc Kiến vẫn vượt biên ra nước ngoài?
Gần đây, sau khi nghe thông tin 39 người nghi là người Trung Quốc nhập cư trái phép bị thiệt mạng trong thùng xe container đông lạnh, A Kim chia sẻ rằng có lẽ những người này cũng là đồng hương Phúc Kiến của ông.
Ông cho biết, mặc dù xem bề ngoài thì quê hương Phú Thanh của ông rất giàu có, hầu hết mọi gia đình đều ở nhà lầu, nhưng đa số họ vượt biên nhập cư trái phép ra nước ngoài làm thuê, sau đó gửi tiền về cho người thân ở quê xây nhà lầu.
Vài năm trước, những người nông dân ở quê ông không nghĩ chuyện trốn ra nước ngoài, họ mưu sinh bằng cách làm công nhân cho các công trường xây dựng. Tuy nhiên, trong vài năm qua, ngành bất động sản Trung Quốc đã bị đình đốn, nhiều tòa nhà xây dựng lên không bán được, nhu cầu việc làm ngành xây dựng cũng theo đó lao dốc khiến nhiều nông dân lại thất nghiệp, vậy là mọi người chọn cách trốn ra nước ngoài kiếm sống.
A Kim cũng kể rằng có những người sau khi ra nước ngoài kiếm được chút vốn đã trở về nước lập nghiệp, nhưng rồi nhiều người cũng thua lỗ trở lại tay trắng, họ lại đi qua Anh bằng con đường không chính thức như vậy.
Tuyết Mai (Theo Epoch Times)