Trong lịch sử có không ít nhân vật là những bậc đại trí, họ đã để lại cho hậu nhân những bài học ý nghĩa và sâu sắc. Trong cấp bách nguy nan, các bậc đại trí vẫn không hề sợ hãi, ngược lại đã thể hiện được trí huệ và đức độ của bản thân mình.
- Yến Tử muốn từ chức
Yến Tử, họ Yến tên Anh, là tướng quốc của Tề Cảnh Công thời Xuân Thu, nổi tiếng tài giỏi và liêm khiết.
Ngày đó, Yến Tử cai quản Đông A trong 3 năm, Tề Cảnh Công triệu hồi ông, nghiêm khắc trách cứ:“Ta cứ tưởng rằng ngươi có năng lực, mới yên tâm đem Đông A giao cho ngươi cai quản, không nghĩ rằng ngươi làm cho rối tinh rối mù. Ta không thể không xử phạt ngươi thật nặng!”
Yến Tử nói: “Xin cho thần thêm thời gian 3 năm nữa, thần sẽ hoàn toàn thay đổi cách thức quản lý, đến lúc đó vẫn không đạt, thần nguyện ý bị xử tử”.
Tề Cảnh Công đành đáp ứng thỉnh cầu của Yến Tử.
Kết quả mới trải qua thời gian một năm, đến cuối năm thì Cảnh Công nghe tin Yến Tử đã trở về kinh thành để báo cáo công việc, liền lập tức tự mình đi nghênh đón: “Giỏi lắm, giỏi lắm, ngươi quả nhiên không gạt ta, lần này một năm lập công, thật sự là rất tốt”.
Yến Tử nói: “Trước kia, thần cai quản Đông A thì cấm tiệt tất cả quan chức hối lộ, mọi lợi lộc đều cấp cho dân nghèo. Dân chúng Đông A, không một người nào phải ăn đói mặc rách. Nhưng thần lại đắc tội tham quan, bị Người trách tội. Một năm nay, thần đổi lại phương thức, mặc cho quan chức tham ô hối lộ, một mực mặc kệ. Mọi lợi lộc, mặc cho nhà giàu lũng đoạn, hơn nữa gia tăng thu nhập từ tô thuế. Nhưng mà Đông A hiện tại có đến một nửa dân chúng là đang phải ăn đói mặc rách, ngược lại thần lại được khen ngợi. Kết quả như vậy thật là trớ trêu, thần quả thực không mặt mũi nào mà cai quản Đông A được nữa. Xin cho phép thần được cáo lui, đem chức vị này giao cho người tài giỏi hơn!”
Tề Cảnh Công nghe xong thì hiểu được sự tình, vội vàng hướng đến Yến Tử nhận lỗi: “Ta biết mình sai rồi, mong ngươi cố gắng làm tiếp, giúp ta cai quản Đông A. Từ nay về sau, ta tuyệt sẽ không tùy tiện can thiệp đến phương cách trị lý của ngươi nữa!”
- Trí huệ của sứ giả nước Tần
Nước Tần và nước Sở xảy ra xung đột. Tần Vương phái sứ giả sang nước Sở.
Sở Vương ý định muốn đem sứ giả nước Tần giam lại, vì thế phái người đến hỏi sứ giả: “Ngươi trước khi đến, có gieo quẻ hay không?”
Sứ giả nước Tần nói: “Có”.
Người kia lại hỏi: “Kết quả gieo quẻ thế nào, là cát hay hung?”
Sứ giả đáp: “Là cát”.
Người nước Sở nói: “Người nước Tần các ngươi, căn bản xem bói không có linh nghiệm. Đại vương chúng ta đã quyết định sẽ giết ngươi để tế thần. Ngươi lại còn có thể tin là cát tường sao?”
Sứ giả nước Tần vẫn bình tĩnh đáp: “Hai nước Tần – Sở phát sinh xung đột, đại vương chúng ta phái ta trước tiên đến dò xét. Nếu ta không thể trở về, chết ở nước Sở, vậy thì nước Tần sẽ biết: cần phải tăng cường cảnh giới, đề phòng các ngươi. Đây chẳng phải là cát tường sao? Hơn nữa nếu người sau khi chết, không còn tri giác, thì giết ta để tế thần, có ích lợi gì chứ? Còn nếu sau khi ta chết mà có tri giác, các ngươi giết oan ta, ta sẽ khiến cho các ngươi không chỉ huy được quân lính, trận cước đại loạn!”
Sở Vương nghe xong những lời, bèn cho thả sứ giả của nước Tần ngay lập tức.
Vậy mới thấy, người trong lúc nguy nan chớ nghĩ đến sợ hãi, mà hãy nghĩ cách: Làm thế nào để thoát khỏi nguy nan!
Theo Chánh Kiến Net