Người thành đạt tâm niệm: Sống ở đời, có 4 chiếc gương phải thường xuyên soi để thấu, để sống sao cho “chất” và “đỉnh”!
Một năm nọ, có người phát minh ra chiếc gương đầu tiên và phổ biến nó ra khắp thế giới.
Quốc vương của một đất nước nọ cũng nhận được một tấm.
Khi cầm chiếc gương lên, Quốc vương nhìn thấy trong gương một gương mặt to đùng với một đôi mắt cá vàng, vô cùng xấu xí.
Quốc vương tức giận nói: “Chiếc gương này là thứ quái vật gì vậy!”
Quá tức giận, Quốc vương lệnh cho anh ta phải mang một chiếc gương khác đến, nếu không sẽ lập tức chém đầu.
Nghe vậy, người đàn ông đã mời một số thợ thủ công lành nghề, gấp rút làm ngày đêm và làm một chiếc gương chuyên chỉ dành cho nhà vua.
Trong gương là một quốc vương anh tuấn, đầu đội vương miện, Quốc Vương lúc này rất hài lòng và vui vẻ.
Một ngày nọ, Quốc vương đi cắt tóc, ngồi trước chiếc gương này, lại là vị quốc vương xấu xí hôm trước.
Ông tức giận ra lệnh chém đầu người cắt tóc, đồng thời cấm tất cả mọi người dùng gương, nếu muốn dùng, chỉ được dùng những chiếc gương ở trong cung.
Một số người mua lại những chiếc gương mà nhà vua sử dụng trong cung, kết quả lại thấy mình miệng méo mắt lệch.
Quá tức giận, họ tập hợp lại, lật đổ ách thống trị của Quốc vương.
Kể từ sau đó, họ lại quay lại sử dụng những chiếc gương chân thực.
Câu chuyện Quốc vương và chiếc gương nghe thì có vẻ hài hước, nhưng triết lý đằng sau đó lại khiến ta phải nghiền ngẫm.
Đứng trước mặt khó khăn, hay những điều khiến mình thất vọng, rất nhiều người trong chúng ta đều giống như Quốc vương trong câu chuyện, trở nên tự ti, tự phủ nhận chính mình, rồi cuối cùng nhận lại hậu quả thảm hại.
Sống ở đời, có 4 chiếc gương, chúng ta phải thường xuyên soi để mà còn thấu.
01. Kính viễn vọng, nhìn cho xa
Nhà văn nổi tiếng Trung Quốc Feng Liangnu từng nói: “Thế giới sẽ nhường đường cho những người có mục tiêu và tầm nhìn xa.”
Khổng Tử khi trèo lên Đông Sơn, đã cảm thấy nước Lỗ thật nhỏ bé, khi trèo lên núi Thái Sơn, lại thấy cả thiên hạ chỉ nhỏ bé như hạt cát.
Cuộc đời giống như leo núi vậy, đứng càng cao, nhìn được càng xa.
Chỉ những người có tầm nhìn xa, mới nhìn được tương lai.
Nếu chỉ quan tâm tới khu vườn mẫu đất trước mặt, thì làm sao mà trông ra được trời cao sông rộng?
Vì vậy, muốn nhìn xa, phải học cách sử dụng kính viễn vọng của cuộc đời.
Chỉ khi quan sát mọi thứ với tầm nhìn của kính viễn vọng, chúng ta mới có thể đưa ra những quyết định mang tính tổng thể và có tầm nhìn xa.
Trung Quốc những năm cuối thời nhà Nguyên, anh hùng hào kiệt khắp nơi nổi loạn, trong đó, hai người có thực lực nhất là Trần Hữu Lượng và Trương Sĩ Thành.
Tuy nhiên, người cuối cùng thống nhất được thiên hạ lại là một người ít tên tuổi hơn tên Chu Nguyên Chương.
Tuy không có thế lực hùng mạnh, nhưng Chu Nguyên Chương lại được biết đến là một người có tầm nhìn xa trông rộng.
Trong khi quần hùng tranh nhau công đánh thành trì, vội vàng muốn xưng bá thì Chu Nguyên Chương lại áp dụng sách lược khác người, đó là “xây tường cao, tích trữ lương thực, hoãn xưng vương”.
Tên thì thường trúng chim đầu đàn, thời loạn lạc, lại càng không nên quá phô trương.
Chu Nguyên Chương chính vì nhìn thấu được điểm này nên mới lựa chọn dần dần từng bước tiến lên, không phô trương thanh thế, cứ “tẩm ngẩm tầm ngầm mà dẫm chết voi”.
Chính tầm suy nghĩ sâu rộng của Chu Nguyên Chương đã tạo nền tảng giúp ông lập nên bá nghiệp của mình sau này.
Trong khi những đối thủ cạnh tranh như Trần Hữu Lượng hay Trương Sĩ Thành vì nền tảng không ổn định, vội vàng muốn xưng bá mà đã bại dưới tay Chu Nguyên Chương.
Người chỉ chăm chăm với cái lợi ích trước mắt, vĩnh viễn không bao giờ có thể thấy được vinh quanh nơi tiền phương.
Đường đời gập ghềnh và dài đằng đẵng, nếu quá thiển cận, chỉ quan tâm đến được mất trước mắt thì sẽ khó mà đi được lâu dài.
02. Kính lúp, nhìn cho rõ
Cuộc sống vốn dĩ không có gì là hoàn hảo cả, kể cả con người, chúng ta ai cũng sẽ có những thiếu sót này nọ. Lúc này, thứ chúng ta cần tới nhất, chính là một chiếc kính lúp.
Bởi lẽ nó có thể giúp ta phóng to những sự vật mà mắt thường không dễ dàng phát giác ra, giúp ta dễ dàng nhìn nhận rõ được chân tướng sự việc hơn.
Nhà thơ nổi tiếng người Đức, Heinrich Heine từng nói: “Tự suy ngẫm là một chiếc gương, nó có thể soi rõ ràng những sai lầm của chúng ta, cho chúng ta cơ hội để sửa sai.”
Có thể nhận thức rõ chân tướng sự việc, giúp chúng ta tự soi xét, nhìn nhận và hoàn thiện bản thân từ đó khơi dậy sức mạnh tiềm ẩn bên trong.
Đường Thái Tông Lý Thế Dân của Trung Quốc là một tấm gương trong việc biết “tự ngẫm” về bản thân.
Có một lần, Ngụy Trưng tranh cãi với Đường Thái Tông tới đỏ mặt tía tai ngay trên triều.
Đường Thái Tông khi ấy không nhịn được nữa, muốn rời triều, nhưng Ngụy Trưng lại nắm lấy tay áo của Đường Thái Tông, bắt ông phải nghe mình nói cho xong.
Hành động của Ngụy Trưng khiến Đường thái Tông mất thể diện, nhưng vì cái tiếng “giỏi nhận lời khuyên răn” mà Đường Thái Tông đành tiếp tục nhẫn nhịn.
Sau khi bãi triều, Đường Thái Tông tức giận đi về hậu cung, rồi nói với hoàng hậu: “Rồi sẽ có một ngày, ta sẽ giết chế tên Ngụy Trưng đó!”
Hoàng hậu nghe xong không nói không rằng, lập tức quay người về tẩm thất, thay một bộ lễ phục rồi quay ra bái kiến Đường Thái Tông.
Đường Thái Tông rất bất ngờ, hỏi: “Nàng đang làm cái gì vậy, sao tự nhiên lại hành đại lễ với ta?”
Hoàng hậu đáp: “Thần thiếp nghe nói rằng chỉ có những Thiên tử anh minh mới có được cho mình những đại thần chính trực, nay Ngụy Trưng chính trực như vậy, có nghĩa là hoàng thượng là một người anh minh, làm sao thiếp có thể không hành lễ với Ngài!”
Những lời nói của hoàng hậu không chỉ khiến cơn phẫn nộ trong lòng Đường Thái Tông biến mất, mà còn khiến ông ý thức ra được ý nghĩa quan trọng của việc này.
Kể từ sau đó, mỗi lần Ngụy Trưng có ý kiến trong triều, Đường Thái Tông không những không tức giận, mà ngược lại còn tự ngẫm lại bản thân trước.
Cũng chính nhờ việc không ngừng tự suy ngẫm lại bản thân, tiếp nhận ý kiến đa chiều, Lý Thế Dân mới tạo ra được một thời kì thịnh vượng như vậy trong lịch sử Trung Quốc.
Browning nói: “Người biết tự suy ngẫm lại chính mình, ắt không phải người tầm thường.”
Tự cho mình là đúng thường là dấu hiệu của việc sắp rơi xuống vực thẳm; thường xuyên suy ngẫm lại bản thân mới có thể dần dần mở ra cánh cửa thành công.
Một người, chỉ khi nhìn ra được chân tướng sự việc, đồng thời không ngừng tự ngẫm lại chính bản thân mình, anh ta mới có thể bớt sa đà vào sa ngã và nhận lại được nhiều lợi ích hơn.
03.Kính hiển vi, nhìn chi tiết
Các nhà hiền triết sở dĩ có thể làm những điều vĩ đại, đó là bởi họ không vội vàng làm nó trong một sớm một chiều, mà thay vào đó, họ học cách đào sâu vào các chi tiết với sự tỉ mỉ giống như dùng kính hiển vi, họ từng bước từng bước một đột phá, để rồi cuối cùng đạt được những thành tựu to lớn.
Tự cổ chí kim, “tỉ mỉ”, tinh ý, xoáy sâu vào chi tiết, phát hiện ra những điều nhỏ nhặt mà người khác không để ý luôn là một phẩm chất cần có của người thành công.
Vào thời kì Xuân Thu Chiến Quốc của Trung Quốc, Ngô vương chinh phạt Việt vương, hai quân thực lực ngang bằng, không thể phân thắng bại trong một thời gian dài.
Một chiều mùa đông vô cùng lạnh lẽo nọ, Ngô Vương Phù Sai quyết định thay đổi chiến lược, không ngừng chủ động xuất kích, khai màn rất nhiều cuộc thủy chiến.
Quân Việt vì liên tục bị ở thế bị động mà trở nên hoảng loạn, ý chí chiến đấu nhất thời sụt giảm, lòng quân hoang mang khiến quân Việt thất bại dưới tay quân Ngô.
Việt Vương Câu Tiễn không hiểu vì sao, sau này, Ngô Vương Phù Sai cười hỏi ông: “Có biết mấu chốt của lần thất bại này nằm ở đâu hay không?”
Câu Tiễn đáp: “Ta ngày đêm cho binh sĩ tập luyện, cảnh giác nghiêm ngặt, quả thực không biết mình sai ở đâu.”
Thì ra, Tống quốc có người tìm ra được một phương thuốc bí mật, sau khi thoa lên người, sẽ không bị rét cóng, Ngô Vương sau khi lấy được phương thuốc bí mật này, giống như nhặt được vàng, mệnh lệnh cho binh lính ai nấy đều phải thoa lên người, rồi sau đó liên tục cho khơi mào thủy chiến giữa mùa đông lạnh lẽo.
Việt Vương vì không có phòng bị, mùa đông lạnh lẽo, lại giao chiến trên nước, vì vậy mà đã thất bại thảm hại.
Ngô Vương Phù Sai trong chiến tranh đã sử dụng “kính hiển vi”, ông tinh ý xoáy sâu vào chi tiết sức khỏe của binh lính giữa mùa đông giá rét, thứ mà Việt Vương Câu Tiễn lơ là, rồi tìm ra phương án chuẩn bị cho chi tiết này, cuối cùng giành được thắng lợi.
Vậy mới nói, bất kể việc lớn nào, cũng đều bắt đầu từ những chi tiết rất nhỏ.
Không bỏ qua những chi tiết nhỏ nhặt nhất, sử dụng sự tỉ mỉ của kính hiển vi, làm tốt từ những việc tưởng chừng như không đáng để nhắc đến, chúng ta mới có thể đạt được kết quả phi thường.
Học cách sắm cho mình một chiếc kính hiển vi, soi ra chi tiết, xử lý tốt chi tiết ấy, có vậy bạn mới đạt tới được một cao độ khác.
04. Gương phẳng, nhìn cho thật
Một thiền sư thời Tống của Trung Quốc từng đề xuất ra ba tầng cảnh giới sống, trong đó cảnh giới sống cao nhất đó là:
“Nhìn núi vẫn là núi, nhìn nước vẫn là nước.”
Sống ở đời, rất dễ bị cám dỗ mê hoặc mà mất đi cái bản tính, lúc này, cần nhất một chiếc gương phẳng, để có thể nhìn thấy bản thân một cách chân thực nhất.
Đào Uyên Minh là một nhà thơ lớn của Trung Quốc, ông sinh ra trong thời kì loạn lạc nhất của lịch sử Trung Quốc, vì để nuôi gia đình, ông bắt buộc phải tham gia vào chốn quan trường, tuy nhiên, ông dần dần phát hiện ra rằng, một chiếc ghế nơi quan trường không phải là thứ mà ông luôn mong muốn.
Làm huyện lệnh huyện Bành Trạch được một thời gian, ông gặp phải một cấp trên không biết lễ nghĩa, chính lúc này, Đào Uyên Minh đã quyết định rời khỏi chốn quan trường.
Đào Uyên Minh lúc này sớm đã nhận thức rõ được bản thân, biết được đâu mới là điều mà mình mong muốn nhất.
Trước khi từ chức rời đi, ông còn tiêu diêu nói: “Ta không thể vì năm đấu gạo mà khom lưng cúi mình, tiếp tay cho kẻ tiểu nhân!”
Sau khi từ chức, mặc dù cuộc sống rất khó khăn, nhưng đổi lại, thứ ông có được lại là tự do, niềm vui và cả lương tâm của chính mình.
Ông vô cùng thản nhiên, bình lặng làm ruộng qua ngày, không có việc gì làm thì tiêu diêu tự tại uống vài hớp rượu, đọc sách hay đi đó đây.
Thế gian nhiều mộng phồn hoa, rất nhiều người đều tình nguyện rơi vào cái nhịp sống huyên náo ấy mà đánh mất đi chính mình, còn Đào Uyên Minh lại lựa chọn cách sống thật với mình nhất giữa chốn phong nhã ấy.
Thực ra, ý nghĩa vốn dĩ của cuộc sống đều ẩn giấu trong chiếc gương phẳng: không lệch lạc, không méo mó, chân thực và tự nhiên.
Gặp chuyện không đánh mất đi lương tâm, xử thế có cái “độ”, quay về bản chất, tiêu diêu tự tại.
Đây mới là cảnh giới sống cao nhất.
Romain Rowland từng nói: “Phần lớn mọi người đều đã chết ở tuổi 20, 30, họ trở thành cái bóng của chính mình, những ngày tháng còn lại của cuộc sống là những tháng ngày không ngừng lặp đi lặp lại chính mình.”
Con người chỉ sống một lần trong đời, cứ là chính mình, vậy là đủ.
Đời người cần kính viễn vọng, để nhìn nhận thế giới với một tầm nhìn xa rộng hơn.
Đời người cần tới kính lúp, để nhìn nhận thấu đáo bản chất của sự việc, không ngừng tự suy xét lại bản thân.
Đời người cần tới kính hiển vi, tích lũy từ những việc nhỏ nhoi nhất để tạo ra thành quả phi phàm.
Đời người cần chiếc gương phẳng, để sống cho thấu đáo, cho tự nhiên, cho tiêu diêu tự tại, và cho là chính mình hơn.
Mỗi một chiếc kính, có những tác dụng khác nhau, có được cho mình 4 chiếc kính này, là có được vốn để thành công và sống ý nghĩa hơn!
Như Nguyễn-Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị