Hành trình đến với “xứ sở cờ hoa” không hề dễ dàng với chàng trai 9x này.
Du học vẫn luôn được coi là “giấc mơ vàng” của nhiều bạn trẻ trong hành trình chinh phục tri thức, mở rộng cơ hội thăng tiến trong sự nghiệp. Xuất ngoại không khó, cái khó ở đây là giành được học bổng, đặc biệt là học bổng tại các trường đại học top đầu trên thế giới.
Bên cạnh đó, những hào nhoáng của việc đi du học đôi khi chỉ là “bề nổi của tảng băng chìm”, dưới lớp băng có rất nhiều điều người ta không biết mà các bạn du học sinh phải chịu đựng. Để hiểu thêm về điều này, hãy cùng ngồi xuống và đọc thêm về câu chuyện dưới đây của Hứa Nhật Thạnh (sinh năm 1999, An Giang) – hiện đang là sinh viên năm cuối Đại học Columbia (Mỹ) . Để đến được đặt chân đến “xứ sở cờ hoa” tráng lệ và bám trụ ở đây, Nhật Thạnh đã phải đánh đổi rất nhiều thứ…
Hai lần thất bại và nung nấu về cơ hội “vươn biển lớn”
Nhật Thạnh sinh ra và lớn lên ở An Giang – vùng đất bình dị mộc mạc ở miền Tây Nam Bộ. Học hết cấp 2 tại quê nhà, nam sinh đặt mục tiêu thi vào 2 ngôi trường THPT chuyên đình đám tại TP.HCM. Tuy nhiên, may mắn đã không mỉm cười với nam sinh này khi cả 2 nguyện vọng của anh chàng đều không được như ý nguyện. Cuối cùng, Nhật Thạnh đỗ và theo học lớp chuyên Lý của trường THPT chuyên Thoại Ngọc Hầu (An Giang). Quãng thời gian học tập tại đây, nam sinh giành được giải Nhì học sinh giỏi cấp tỉnh và giải khuyến khích cấp quốc gia trong cuộc thi Vật lý Violympic 2017.
Kết thúc cấp 3, mong ước lên Sài Gòn học tập một lần nữa lại nhen nhóm trong Nhật Thạnh. Nhưng nỗi thất vọng lại dâng trào bên trong nam sinh An Giang này bởi nam sinh một lần nữa vấp ngã khi không thể trúng tuyển nguyện vọng 1 vào trường Đại học Ngoại Thương như dự tính. Dù vẫn nhập học tại một trường kinh tế top đầu khác là Đại học Kinh tế TP.HCM nhưng Nhật Thạnh cảm thấy “không cam lòng”.
Hai lần trượt mất cơ hội, Nhật Thạnh lúc đó bị tổn thương tâm lý nặng. Nhiều đêm anh chàng thức trắng, tự vấn bản thân tại sao không đủ giỏi, không đủ tốt và rồi… tương lai của mình sẽ đi về đâu? Sau những đêm trằn trọc, sau những lần tự trách bản thân cuối cùng Nhật Thạnh đưa ra một quyết định táo bạo: “Gap year” đại học để tìm cơ hội du học!
Cho những ai chưa biết, gap year là tạm dừng những hoạt động đời thường và lên kế hoạch cho một năm “sống khác”. 365 ngày “gap year” là 365 ngày không đến trường, hoặc đã tốt nghiệp cũng chưa vội “lao đầu” kiếm việc làm, mà thời gian ấy các bạn trẻ dùng để đi du lịch, làm tình nguyện… để tìm cho mình những trải nghiệm sống mới mẻ, mang lại sự tích cực thay đổi tư duy, nhân sinh quan, thế giới quan của mình.
Từ đó cuộc sống của Nhật Thạnh bắt đầu rẽ sang con đường mới.
Xin làm phụ bếp ở 30 nhà hàng để kiếm tiền du học và trái ngọt cho hành trình nỗ lực
Để làm hồ sơ du học, thì việc sở hữu chứng chỉ tiếng Anh, chứng chỉ các kỳ thi chuẩn hóa như IELTS, TOEFL, SAT… là điều gần như bắt buộc. Thấu hiểu điều đó, Nhật Thạnh lao đầu vào học tiếng Anh, rồi ôn thi SAT. Song song, anh chàng còn đi tìm kiếm các cơ hội đi làm thiện nguyện, giúp đỡ cộng đồng vừa để làm cơ sở thêm vào bộ hồ sơ du học của mình, vừa nâng cao kỹ năng xã hội.
Tuy nhiên, mọi thứ đến với chàng trai 9x này không hề dễ dàng chút nào. Sau 3 lần thi, Nhật Thạnh mới đạt điểm IELTS và SAT đủ tốt để cho vào bộ hồ sơ du học. Không chỉ có vậy, anh chàng nộp đơn xin ứng tuyển gần 50 tổ chức phi lợi nhuận để xin làm tình nguyện viên thì chỉ một hai nơi nhận.
Thời gian, công sức, tiền bạc cho 3 lần “thất bại” này không hề nhỏ chút nào. Để duy trì nguồn lực tài chính cho những dự định trong tương lai, Nhật Thạnh có ứng tuyển công việc trợ giảng ở một số trung tâm tiếng Anh, rồi xin làm phụ bếp ở khoảng 30 nhà hàng khác nhau. Sau 29 lời từ chối, sau 29 cái lắc đầu thì may mắn anh nhận được một cái gật đầu duy nhất cho vị trí phụ bếp.
“Có những thời điểm mình rất mệt mỏi và yếu lòng. Gia đình mình lúc đó cản rất nhiều, mọi người xung quanh thì luôn đặt dấu hỏi chấm không biết mình đang làm cái gì. Sau những lần không đạt được ý muốn, mình bị tổn thương tâm lý và không ngừng tự trách bản thân”, Nhật Thạnh chia sẻ.
Góp nhặt dần dần, cuối cùng Nhật Thạnh cũng hoàn thành đầy đủ bộ hồ sơ du học của mình. “Rải” hồ sơ vào 25 trường đại học tại Mỹ với đầy hy vọng, nhưng mỗi lần nhận kết quả là một lần Nhật Thạnh thất vọng. Thậm chí khi đó, việc check mail hàng ngày còn trở thành “nỗi ám ảnh” kinh hoàng của nam sinh.
Nhưng ông trời chẳng tuyệt đường sống của ai bao giờ. Sau chuỗi ngày kiên trì, cuối cùng may mắn đã mỉm cười với Nhật Thạnh khi anh chàng liên tiếp được nhận vào 5 trường, trong đó có học bổng từ “ngôi trường trong mơ” là Đại học Columbia thuộc hệ thống Ivy League (nhóm 8 trường đại học nổi tiếng nhất Hoa Kỳ). Đây chính là nỗ lực xứng đáng nhất cho những nỗ lực của nam sinh miền Tây này, khát khao “vươn ra biển lớn” của Nhật Thạnh cuối cùng đã thành hiện thực. Lần này, không phải quãng đường hơn 230km từ An Giang đến Sài Gòn nữa, mà là quãng đường cách nửa vòng trái đất từ Sài Gòn sang “xứ sở cờ hoa” tráng lệ.
Từ những thất bại, Nhật Thạnh nhận thấy “độ phù hợp” là một yếu tố vô cùng quan trọng. Chẳng hạn vào thời điểm Nhật Thạnh thi trượt 2 ngôi trường THPT chuyên ở TP.HCM, thực chất thất bại đó không hoàn toàn do nam sinh chưa đủ giỏi mà đơn giản vì Nhật Thạnh khi ấy chưa có sự tìm hiểu kỹ về tiêu chí, nội dung, cách thức, hình thức thi ở các trường chuyên tại TP.HCM.
Hay như việc anh chàng đậu vào ngôi trường Đại học Columbia mà lại trượt các trường khác, mọi thứ cũng chỉ xoay quanh câu chuyện phù hợp hay chưa phù hợp, có mục tiêu rõ ràng và sự chuẩn bị tốt hay chưa chứ không phải cứ giỏi là bạn được “trải thảm” về.
“Nhiều bạn trẻ rất giỏi nhưng chưa có môi trường để phát huy hết tiềm năng. Mình nhận ra thử thách chính là những thứ giúp chúng ta nỗ lực hoàn thiện, hiểu rõ bản thân hơn”, nam sinh An Giang tâm sự.
Hành trình từ Đại học Columbia đến ngân hàng đầu tư hàng đầu phố Wall
Bước chân vào giảng đường của Columbia đánh dấu sự khởi đầu của một hành trình trưởng thành của Hứa Nhật Thạnh. Tại Đại học Columbia, nam sinh theo đuổi chuyên ngành kép về Toán học/Khoa học Máy tính và Khoa học Chính trị. Không cho rằng đây là những lĩnh vực khác nhau, nam sinh xem chúng như những khía cạnh liên kết với nhau của một thế giới đa chiều, đa nguyên.
Chia sẻ về lý do học liên ngành, nam sinh An Giang nói: “Hiểu biết công nghệ sẽ giúp mình tăng cao hiệu quả công việc và giúp giải quyết mọi thứ nhanh chóng hơn. Còn hiểu biết về chính trị giúp mình hiểu rõ hơn về văn hoá và môi trường xung quanh nơi mình đang sống, việc thấu hiểu văn hóa của nhau sẽ giúp mình đối nhân xử thế, hòa nhập với mọi người dễ dàng hơn khi làm việc tại những tập đoàn đa quốc gia ở Mỹ”.
Đương nhiên, việc học song bằng tại một trường đại học hàng đầu thế giới như Columbia chưa bao giờ là dễ dàng. Chỉ tính riêng vấn đề ngôn ngữ, do tiếng Anh không phải tiếng mẹ đẻ nên Nhật Thạnh yếu thế hơn khi thảo luận, trình bày một vấn đề gì đó trong lớp học. Song song đó, mọi thứ ở các trường đại học tinh hoa đều diễn ra với tốc độ rất nhanh nên lúc mới đầu sang đây, anh chàng chưa kịp bắt nhịp. Nhật Thạnh cần đến ba tháng để có thể bắt đầu thích nghi và lấy lại phong độ.
Vượt qua những khó khăn, Nhật Thạnh cũng đã thành công giành được bổng học giả Saltzman của Đại học Columbia nghiên cứu các vấn đề chính trị về chiến tranh và hoà bình với sự giúp đỡ của các giáo sư Đại học top đầu khác như Harvard và Princeton.
Hiện tại, khi còn đang trên ghế nhà trường, chàng trai đã làm thực tập sinh tại ngân hàng đầu tư hàng đầu phố Wall Goldman Sachs và công tác tại một quỹ đầu tư ở Mỹ.
Ngoài “trái ngọt” về con đường học hành công việc, Nhật Thạnh còn “chinh phục” được nhiều “trái ngọt khác”. Ví dụ như Quỹ Áo Trắng Đến Trường do Nhật Thạnh đồng sáng lập với cô Lê Thị Ngọc Nhẫn trong quá trình làm hồ sơ du học, tính đến thời điểm hiện tại đã gây quỹ được gần 150 triệu đồng, 1.000 quyển sách và quần áo đồng phục cho hơn 10 trường tiểu học tại các vùng nông thôn Việt Nam như An Giang, Bình Thuận, Trà Vinh, và Đắk Lắk.
Còn Tổ chức phi lợi nhuận Nước Solutions cũng do anh chàng này sáng lập lên đã gây quỹ được 100.000 USD từ Quỹ Melinda Gates Foundation của tỉ phú Bill Gates. Nước Solutions của Nhật Thạnh đã cùng Đại Học Fulbright tổ chức cuộc thi nghiên cứu khoa học Mekong Water Challenge để tìm hiểu các vấn đề về môi trường và biến đổi khí hậu ở vùng Đồng Bằng Sông Cửu Long và các giải pháp khắc phục để phục vụ cộng đồng.
“Không ai thành công trong mọi thứ mình làm”
Anh chàng cho rằng những điều mà bản thân gặt hái được ở thời điểm hiện tại không đến từ trí thông minh vượt trội mà mọi thứ đều bắt nguồn từ sự cần cù, nỗ lực không ngừng. Sự thông minh có thể giúp chúng ta vượt qua những khó khăn nhất định một cách dễ dàng hơn nhưng về đường dài chúng ta cần xây dựng cho mình đức tính chăm chỉ.
“Mình nhận ra rằng người thành công là người chịu làm và chấp nhận thất bại và tiếp tục làm cho đến khi đạt được thành công. Nên mình không bao giờ coi những thất bại cũ là những cú vấp ngã. Mà mình xem đó là một trong những bài học mà mình may mắn học được khi còn trẻ. Sau những cú vấp ngã, mình sẽ giỏi hơn và sẽ không bao giờ mắc sai lầm tương tự.
Không ai thành công trong mọi thứ mình làm cả. Thay vì sợ hãi đối diện với bất trắc thì mình nghĩ chúng ta nên trau dồi tri thức, chăm học, chăm làm. Chịu được những tổn thương từ việc thất bại và kiên trì thì sẽ thành công”, Nhật Thạnh chia sẻ.
Sau cùng, anh chàng không xem cuộc sống là một cuộc đua với người khác, mà coi đó là một cuộc đua với chính bản thân và câu hỏi là làm sao để mình mình trở thành một người công dân tốt và có ảnh hưởng tích cực cho cộng đồng. Tuỳ mỗi thời điểm trong cuộc sống. Có những lúc chạy nhanh như chú Thỏ trong câu chuyện ngụ ngôn Thỏ Và Rùa để gặt hái thành công, tuy nhiên, cũng sẽ có những thời gian tĩnh lại để suy nghĩ kỹ hơn về cuộc đời và mọi thứ xung quanh.
Trong tương lai, Nhật Thạnh sẽ về Việt Nam để cống hiến sau khi tích lũy đủ kinh nghiệm làm việc ở Mỹ và các nước tiên tiến.
ĐÔNG – DESIGN: Minh huy–Theo ĐSPL