Marina Popovich là một phi công, nhà văn và nhà thơ ưu tú. Thứ duy nhất bà chưa thể chinh phục được là không gian.
Theo tờ Russia Beyond, với 102 kỷ lục trong ngành hàng không thế giới, 5.600 giờ bay trên bầu trời, số lượng máy bay và trực thăng đã cầm lái lên tới 40 loại, đạt bằng tiến sĩ kỹ thuật và có 15 cuốn sách được xuất bản (trong đó có 1 tập thơ), Marina Lavrentievna Popovich là một trong những nữ phi công nổi tiếng nhất của Liên Xô thời hậu chiến. Bà còn được mệnh danh là ‘Madame MiG’ (Quý bà MiG).
Chinh phục giấc mơ
Popovich (tên thời con gái – Vasilieva) sinh ra trong một gia đình nhạc sĩ nhưng từ thời thơ bé, trải qua năm tháng chiến tranh, bà đã mơ ước gia nhập ngành hàng không quân sự. Tuy nhiên, Popovich ban đầu đã gặp khó khăn khi theo đuổi giấc mơ của mình. Với chiều cao 1m50, bà không được phép tham gia câu lạc bộ bay.
“Chân tôi không thể chạm tới bàn đạp“, Popovich nhớ lại, “Vì thế, tôi đã đặt cho mình một mục tiêu – tập duỗi chân, và bắt đầu tập động tác treo ngược người. Sau đó, tôi cao lên, không rõ vì khi ấy tôi mới 16 tuổi hay do các bài tập luyện có tác dụng, nhưng chiều cao của tôi đã tăng lên 1m61 và câu lạc bộ bay đã chấp nhận đơn đăng ký của tôi. Thời gian đầu, tôi học nhảy dù rồi học tới lái máy bay“.
Thế nhưng, câu lạc bộ bay vẫn là một thế giới không đủ rộng lớn với cô gái trẻ khi ấy. Popovich mơ ước được vào trường hàng không nhưng trường đã ngừng nhận học viên nữ sau khi chiến tranh kết thúc.
Không chịu từ bỏ, bà đã đích thân đến gặp Nguyên soái Kliment Voroshilov, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Liên Xô, và thuyết phục ông cho mình một cơ hội. Kết quả, năm 1954, Popovich tốt nghiệp loại ưu tại Trường kỹ thuật hàng không Saransk.
‘Quý bà MiG’
Bước vào ngành hàng không phản lực quân sự dường như là một nhiệm vụ bất khả thi đối với một cô gái nhưng Popovich đã dần chứng minh được năng lực. Năm 1961, bà trở thành nữ phi công thử nghiệm hạng 1 của Liên Xô.
Sau đó, cô gái ôm ấp nhiều giấc mơ lớn đã kết hôn với nhà du hành vũ trụ Pavel Popovich và quyết định chinh phục không gian. Tuy nhiên lần này, vận may đã quay lưng lại với bà. Popovich cho rằng bà không được nhận vào đoàn du hành vũ trụ do không biết bơi và đã là một người mẹ.
“Maria, không cần quá háo hức đi vào vũ trụ đâu“, nhà du hành Gherman Titov an ủi bà, “Chúng ta chỉ thực hiện một chuyến bay ngắn và sau đó ngồi trên Trái Đất suốt thời gian còn lại“.
Song, Popovich không chịu ngồi yên một chỗ mà không làm gì cả. Năm 1964, bà là nữ phi công đầu tiên vượt qua ‘bức tường âm thanh’ với tiêm kích MiG-21. Đây cũng là lý do khiến báo chí phương Tây đặt biệt danh cho bà là “Quý bà MiG”.
Sau đó, Popovich liên tiếp đạt các kỷ lục khác nhau, con số cuối cùng đã vượt quá 100 kỷ lục. Không chỉ lái máy bay chiến đấu tốc độ cao, Popovich còn làm chủ cả những chiếc máy bay khổng lồ như vận tải cơ hạng nặng An-22 “Antey”.
Tất nhiên, đây là một công việc đầy rủi ro. Popovich cho biết bà đã không ít lần thấy mình bên bờ vực cái chết:
“Có một lần, bộ đốt sau của MiG-21 gặp trục trặc, máy bay rơi khi vừa cất cánh, buồng lái bị kẹt. Thật may, một phép màu đã cứu sống tôi: Họ phá được cửa sổ buồng lái, kéo tôi ra khỏi chiếc máy bay đang bốc cháy. Lúc đầu, tôi không sợ hãi chút nào nhưng đến đêm, hồi tưởng lại chuyến bay trong giấc mơ của mình, tôi hét lên kinh sợ.
Sáng hôm sau, tôi phải đến đơn vị y tế điều trị. Ba ngày sau, tôi bình phục và lại bắt đầu các chuyến bay thử nghiệm“.
Sau khi nghỉ hưu, Popovich bắt đầu viết sách. Bà là đồng tác giả của hàng chục cuốn sách dành cho ngành hàng không, đồng thời viết kịch bản cho một số bộ phim và xuất bản một tập thơ của riêng mình.
Một số tác phẩm của bà tập trung vào UFO (vật thể bay không xác định) – lĩnh vực mà “Quý bà MiG” rất say mê.
“Những hiện tượng bất thường và ít được nghiên cứu đã trở thành tình yêu thứ hai của tôi sau bầu trời” – bà Popovich chia sẻ.
Theo Nhật Minh–Phụ nữ Việt Nam