“Luận Ngữ – Lí Nhân” viết: “Đức bất cô, tất hữu lân”, nghĩa là người có đức sẽ không cô độc, nhất định sẽ có người có cùng chí hướng bầu bạn, tương trợ lẫn nhau. Người quân tử dẫu ở trong hoàn cảnh nào cũng đều không hổ thẹn với lương tâm và trời đất, như vậy ắt sẽ kết giao được với rất nhiều bè bạn. Đồng thời, người nhân nghĩa cao thượng cũng sẽ khiến rất nhiều tranh chấp xung quanh họ được giải quyết một cách hoà bình, êm đẹp.
“Đức bất cô, tất hữu lân” không chỉ là một kinh nghiệm sống, mà còn là quy luật trong cuộc sống cộng đồng. Cổ nhân có câu: “Đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu”, vạn vật trong trời đất đều có xu hướng tiếp cận với những người và vật giống mình. Những sự vật tương đồng hay tương ứng thường tụ hợp cùng một chỗ. Do vậy “người phân theo nhóm, vật họp theo loài”, giữa những người chí đồng đạo hợp, khoảng cách không gian có thể rất gần, cũng có thể rất xa, nhưng dẫu xa hay gần, cuối cùng họ cũng sẽ có sự cộng hưởng, tương thông.
Xưa kia nước Ngu và nước Nhuế chỉ vì ranh giới ruộng hoang mà phát sinh tranh chấp. Hai nước nghe nói Tây Bá Hầu ở Tây Kỳ là người hiền đức, bèn tìm tới thỉnh mời giúp họ phân xử.
Khi tới địa phận do Tây Bá Hầu quản lý, họ phát hiện ra bách tính nơi đây đều tôn trọng, nhường nhịn nhau như những bậc đại phu. Tới kinh thành họ phát hiện ra những bậc đại phu lại tôn kính, khiêm nhường như những bậc đại quan, công thần.
Người nước Ngu và nước Nhuế nhìn thấy cảnh tượng này, thì nói với nhau rằng: “Bách tính nơi đây có thể tôn kính, nhường nhịn nhau như những bậc đại phu, những sĩ phu nơi đây lại giữ lễ với nhau như những bậc đại quan, công thần. Xem ra quân vương nơi đây ắt hẳn đều coi thiên hạ không phải là tài sản tư hữu của mình, họ đều không lấy của công làm của tư.”
Người hai nước này chưa gặp được Tây Bá Hầu mà đã cảm thấy xấu hổ vì tranh chấp ruộng hoang, họ quay ra nói với nhau: “Những mảnh ruộng kia chẳng qua chỉ là ruộng bỏ không, chúng ta không cần tiếp tục tranh chấp nữa”. Thế là họ cùng nắm tay nhau, nói nói cười cười, ai quay về nước người ấy.
Cuộc tranh chấp này được giải quyết êm thấm nhờ sức cảm hoá từ hành vi cao thượng của quan và dân triều nhà Chu. Những triết gia cổ đại nói rằng: “Hành vô ngôn chi giáo”, giáo hoá không cần lời nói. Tây Bá Hầu đã làm được điều đó nên sau này ông mới trở thành Chu Văn Vương.
Khổng Tử nói: “Đạo của Văn Vương vô cùng vĩ đại, có thể nói đã đạt tới trình độ không một ai có thể sánh kịp. Văn Vương không hề có bất cứ một cử chỉ hữu dụng nào nhưng lại khiến con người thay đổi, không làm bất kỳ một sự tình nào nhưng đã tiệm cận với thành công. Làm được điều này chính là vì Văn Vương có thể ước thúc bản thân, cẩn trọng, chân thành, cung kính đãi người, từ đó cảm hoá được nước Ngu và nước Nhuế, nhờ vậy giúp hai nước chung sống hoà bình, an định”.
“Luận Ngữ – Tử Hãn” viết: “Tri giả bất hoặc, nhân giả bất ưu, dũng giả bất cụ”, nghĩa là người minh trí sẽ không bị mê hoặc, người nhân đức sẽ không phiền não, người dũng mãnh sẽ không sợ hãi. Người nhân đức sở dĩ có thể đạt được cảnh giới không phiền não là vì tấm lòng đại nhân đại nghĩa. Nội tâm của họ thường vô cùng rộng rãi, hoà ái, tĩnh tại, có thể bỏ qua những điều vụn vặt, không tính toán, so đo được mất trước mắt. Kẻ phàm phu lại thường vì những điều được mất nhỏ bé mà phiền lòng, vì những thất bại nhỏ nhoi mà sầu não, tự nhiên cũng sẽ không thể đạt được cảnh giới vô ưu vô lo của bậc nhân nghĩa.
Có câu ngạn ngữ rằng: “Chúng ta không thể kéo dài chiều dài của sinh mệnh, nhưng chúng ta có thể mở rộng chiều rộng của sinh mệnh.” Thực sự quyết định dung lượng của nước không nằm ở chiều dài của dòng sông, mà nằm ở khoảng cách giữa hai bờ, nằm ở mức độ thâm sâu của đáy nước. Nỗ lực làm một người nhân đức, vừa không cô đơn, lại vừa không phiền não, vì sao không vui vẻ mà làm?
Đạo trị quốc thời nào cũng vậy, thân cận với những quốc gia đức độ, kết giao đồng hành với những đất nước nhân nghĩa, thì quốc gia đó ắt sẽ hạnh phúc, bình an. Nếu thân cận với những chính quyền độc ác, kết giao với băng đảng quỷ dữ, quốc gia đó ắt sẽ trở nên độc đoán, nội bộ tràn đầy tư lợi.
Thiên Cầm