Đối với người biết giữ vững đạo nghĩa, thì không thể dùng lợi ích vật chất để dụ dỗ họ.
“Hoài Nam Tử” là một tác phẩm do Hoài Nam vương Lưu An của hoàng tộc Tây Hán và các môn khách của ông thu thập tài liệu, văn bản biên soạn thành. Tác phẩm còn được biết đến với tên “Hoài Nam Hồng Liệt” hoặc “Lưu An Tử”. Lương Khải Siêu đã nói: “Hoài Nam Hồng Liệt là kho tàng triết lý Đạo gia của Tây Hán, sách này rộng lớn mà có hệ thống mạch lạc, là tác phẩm đỉnh cao trong văn học Trung Quốc thời Hán”.
Hoài Nam Tử hoàn thành qua sự đóng góp của nhiều tác giả, nội dung rất rộng lớn và kết hợp nhiều tư tưởng của các học giả thời Tiền Hán. Tác phẩm này đã có bản dịch toàn bộ sang tiếng Anh và tiếng Nhật vào thế kỷ 20, cùng với các bản dịch rút gọn sang tiếng Pháp và tiếng Đức. Đây là một trong những tác phẩm quan trọng trong lịch sử văn hóa Trung Quốc.
Bài viết này giới thiệu một phần nội dung trong Hoài Nam Tử, chương Miễu Xưng (缪称).
Nguyên văn: Nhân đa dục khuy nghĩa, đa ưu hại trí, đa cụ hại dũng.
Diễn nghĩa: Con người nếu ham muốn quá nhiều thì đạo nghĩa sẽ bị tổn hại; lo lắng quá nhiều thì trí tuệ bị suy giảm; còn sợ hãi quá mức thì dũng khí cũng mất đi.
***
Trong tình cảm thường tình của con người, thoát khỏi đau khổ thì cảm thấy vui sướng, mất đi niềm vui hoặc vật yêu quý thì cảm thấy buồn đau. Do đó, đã hiểu được niềm vui của sự sống thì cũng tất hiểu được nỗi bi thương của cái chết.
Đối với người biết giữ vững đạo nghĩa, thì không thể dùng lợi ích vật chất để dụ dỗ họ; đối với người dũng cảm thì không thể dùng sự sợ hãi để uy hiếp họ – giống như không thể lừa người đói khát bằng một chiếc bình rỗng vậy.
Người có nhiều tham vọng thì đạo nghĩa sẽ bị suy tổn; người có nhiều lo nghĩ thì trí tuệ sẽ bị hao mòn; người có nhiều sợ hãi thì dũng khí cũng tiêu tan. Tính kiêu ngạo, ngang ngược thường xuất hiện ở kẻ tiểu nhân; còn lòng thiện lương, nhân từ thì phát sinh ở bậc quân tử. Những phẩm chất cao quý này có thể sánh với ánh sáng của mặt trời và mặt trăng, không có gì trong thiên hạ có thể ngăn cản hay làm biến đổi chúng.
Cho nên, vị quân vương đưa đất nước đến thời đại thái bình, thịnh trị thì thường yêu quý những phẩm chất có thể khiến quốc gia trường tồn, yên ổn. Trái lại, vua của nước diệt vong thường lại ưa chuộng những thứ dẫn đến suy tàn và mất nước.
Quặng sắt nếu không nung chảy thành chất lỏng thì không thể rót vào khuôn; nỗi ưu tư của bậc quân vương nếu không thành tâm thì không thể cảm hóa được dân chúng. Nếu điều mà quân vương lo nghĩ không phải là vì đại chúng, thì cũng không thể có được sự đồng cảm từ nhân dân.
Một vị vua nếu biết quay về với cội nguồn của việc trị quốc thì sẽ gắn bó mật thiết với nhân dân.
Tề Hoàn Công dù xử lý nội chính trong hậu cung chưa tốt, nhưng việc trị lý quốc gia lại rất thành công.
Đức hạnh cao nhất của một quân vương là vừa coi trọng đại cục, vừa không xem nhẹ tiểu tiết. Tề Hoàn Công là người coi trọng đại cục nhưng không quan tâm tiểu tiết; ngược lại, Tấn Văn Công lại chú ý tiểu tiết mà bỏ lỡ đại cục. Do đó, nội chính trong cung đình của Tấn Văn Công được xử lý rất tốt, nhưng mối quan hệ quốc tế với các nước khác lại không thuận lợi. Trong khi đó, Tề Hoàn Công dù xử lý nội chính trong hậu cung chưa tốt, nhưng việc trị lý quốc gia lại rất thành công.
Nước thì luôn chảy về nơi thấp, càng tích tụ càng trở nên sâu rộng. Nếu quân vương biết hạ mình để học hỏi, thì ắt sẽ trở nên minh triết. Nếu quân vương không tranh giành việc của thuộc hạ, thì đường lối trị quốc sẽ thông suốt.
Quản Di Ngô và Bách Lý Hề thành công trong việc lập kế hoạch quốc gia chính là nhờ Tề Hoàn Công và Tần Mục Công biết tiếp thu và thực hành ý kiến của họ.
Khi chỉ đường cho người lạc lối, có người nhầm lẫn giữa phương Đông và phương Tây, là vì chính bản thân họ cũng chưa xác định rõ phương hướng, mãi đến khi mặt trời mọc mới nhận ra mình sai.
Vệ Vũ Hầu từng nói với các đại thần rằng: “Các khanh chớ vì ta đã già mà cho rằng ta vô dụng, rồi cứ để ta ngày càng suy tàn. Các khanh nên chỉ ra lỗi sai của ta và giúp ta sửa chữa.”
Điều này cho thấy, dù mọi người cho rằng ông đã già yếu, nhưng bản thân ông lại không tự cho là như vậy. Ông vẫn kiên trì tu dưỡng đạo đức dù tuổi đã cao. Mà người có thể không ngừng tu dưỡng bản thân khi đã già, thì đã gần đạt đến cảnh giới hiểu thấu đạo lý của sinh tử rồi.
Theo Vision Times-Thanh Ngọc biên dịch