Theo tác giả Robert Kiyosaki, trong thời đại công nghiệp thì con người càng già càng có giá, nhưng trong thời đại thông tin thì đến con cái chúng ta cũng sẽ phải đối mặt “khủng hoảng tuổi 30” khi chỉ làm 1 công việc mà không chịu học kiến thức mới. Ví dụ về AI là minh chứng rõ ràng nhất.
Những tên hề
“Hai người sẽ chẳng làm nên trò trống gì cả”, cố vấn nghề nghiệp của trường trung học nói với tác giả Robert Kiyosaki cùng Mike, con trai của người cha giàu trước mặt các học sinh giỏi.
“Từ giờ trở đi, tôi sẽ không lãng phí thời gian của mình cho cả hai bạn. Tôi sẽ chỉ dành thời gian của mình với những học sinh muốn đến trường đi học. Hai bạn là những tên hề của lớp và sẽ không bao giờ đạt được bất cứ điều gì nếu cứ tiếp tục như vậy. Bây giờ thì hãy ra khỏi đây”, vị cố vấn của trường gay gắt trong tiếng cười của những học sinh giỏi đứng đó.
Những lời chỉ trích đó đã khiến “2 tên hề” là Mike và tác giả Robert Kiyosaki của “Cha giàu, cha nghèo” tổn thương sâu sắc. Thế nhưng cũng chính vì những lời này mà cả 2 đã cùng phấn đấu theo cách riêng của mình.
Tuy nhiên điều trớ trêu là khi quay lại họp lớp sau nhiều năm vào đời, tác giả Robert Kiyosaki bất chợt nhận ra hầu hết những học sinh giỏi, lớp trưởng hay chủ tịch CLB đều không thành công sau khi rời ghế nhà trường.
Trong khi đó cả Mike và tác giả Robert Kiyosaki chẳng phải những người học giỏi, không phải lớp trưởng hay là chủ tịch CLB hoặc có thành tích xuất sắc gì, nếu không muốn nói bị coi là học sinh cá biệt.
Vậy nhưng “2 tên hề” này lại giàu có và làm chủ doanh nghiệp, tuyển dụng những học sinh giỏi ngày xưa.
Theo Robert, những học sinh cá biệt không phải vì dốt mà thành tích kém, chẳng qua năng khiếu của họ có thể nằm ở nơi khác như khả năng giao tiếp, thích nghi hay sự lỳ lợm, liều lĩnh thay vì chỉ giỏi ghi nhớ, đọc viết…
Mặc dù nhiều học sinh không giỏi nhưng theo thời gian phát triển các kỹ năng mà họ hứng thú, tình hình sẽ dần thay đổi. Tất cả những thứ như không học giỏi toán, không phải người nổi tiếng nhất ở trường…đều không còn quan trọng về lâu dài nếu bạn nghĩ chúng không có giá trị cho sự nghiệp sau này của mình.
Tác giả Robert Kiyosaki cho biết người cha nghèo của ông cũng giống như nhiều bạn học cùng lớp của mình, dù học giỏi rất nhiều thứ nhưng sau bao nhiêu năm gặp lại vẫn chỉ đi làm thuê.
Người nghèo không liều thì mãi không giàu. Chỉ làm một công việc mãi mà không trau dồi kiến thức hay đầu tư thì càng già càng mất giá.
Nguyên nhân rất đơn giản, khi họ khởi nghiệp và tiêu hết sạch tiền đầu tư, những học sinh giỏi này bắt đầu kinh hoàng và vội vàng tìm một công việc ổn định có mức lương cao để sống.
Tất cả những yếu tố như nghị lực, sự quyết tâm, dũng cảm, lý trí…đều đã bị bào mòn trên ghế nhà trường khi giáo viên và các cố vấn nghề nghiệp yêu cầu học sinh phải nghe lời thay vì tin vào chính bản thân mình.
Rõ ràng, người nghèo không liều thì mãi không giàu.
Khủng hoảng tuổi 30, phá sản tuổi 47
Một bài học nữa mà Robert Kiyosaki nhận ra sau buổi họp lớp là những học sinh giỏi này sẽ càng ngày càng mất giá theo thời gian.
Theo tác giả Robert Kiyosaki, trong thời đại công nghiệp thì con người càng già càng có giá nhờ kinh nghiệm làm việc, nhưng trong thời đại thông tin thì đến con cái chúng ta cũng sẽ phải đối mặt “khủng hoảng tuổi 30”.
Nói cách khác, ngay cả con cái chúng ta cũng sẽ không theo kịp thời đại ở tuổi 30 nếu vẫn làm một nghề, không chịu học tập kiến thức mới chứ đừng nói là những học sinh giỏi cùng thời Robert Kiyosaki.
Bỏ qua câu chuyện tự do tài chính, nếu học sinh giỏi chỉ chăm chăm vào thành tích mà không chịu tìm cách thay đổi bản thân, chỉ muốn kiếm việc làm ổn định mà không chịu học thêm cái mới thì sẽ rất dễ bị sa thải.
Học giỏi, ra trường kiếm việc làm ổn định và ngồi yên ở đó đang khiến nhiều lao động khó giàu lên
Ví dụ điển hình nhất là trí thông minh nhân tạo (AI). Công nghệ mới này chưa từng được dạy đàng hoàng ở trường lớp nhưng lại đang trở thành ngành có thu nhập hậu hĩnh.
Rõ ràng trong thời đại công nghệ thông tin, kinh nghiệm làm việc sẽ mất giá cực kỳ nhanh do các ông chủ sẽ trả nhiều tiền hơn cho những kỹ thuật mới chưa được dạy rộng rãi ở trường.
Thế rồi từng ngành nghề cũng có tuổi thọ của chúng, từ người mẫu, nhiếp ảnh gia, luật sư cho đến bác sĩ. Mỗi lao động sẽ chỉ có khoảng thời gian đỉnh cao nhất định trước khi bị lớp trẻ thay thế.
Tiếp nữa sự thất bại ở tuổi trung niên càng khiến nhiều học sinh giỏi không dám mạo hiểm nữa. Một người bạn cùng lớp của Robert Kiyosaki từng giàu có ở tuổi 40 để rồi phá sản ở tuổi 47, hiện đã không còn dám mạo hiểm khởi nghiệp như trước nữa mà chỉ an phận với một công việc ổn định.
“Tư duy của anh ấy dần trở nên bảo thủ khi thất bại và không chịu học hỏi cái mới, như vậy sẽ rất khó để thoát khỏi gông xiềng để thành công”, tác giả Robert Kiyosaki nói về người bạn cùng lớp.
Lời nguyền tuổi 35
Một minh chứng nữa cho lời của tác giả Robert Kiyosaki là “lời nguyền tuổi 35” trên thị trường lao động Châu Á.
Ban đầu, thuật ngữ “Lời nguyền tuổi 35” (Curse of 35) này lan truyền trên mạng xã hội khi hàng loạt doanh nghiệp công nghệ lớn sa thải nhân viên, biến những lao động lành nghề lâu năm thành kẻ thất nghiệp.
Tuy nhiên với đà thất nghiệp trong giới trẻ dần tăng cao thì thuật ngữ này cũng lan rộng theo.
Số liệu mới nhất trước khi chính phủ Trung Quốc dừng công bố cho thấy tỷ lệ thất nghiệp trong giới trẻ nước này đã lên đến 20%, tương đương cứ 5 người thì 1 người không có việc làm.
Chính điều này đã gây lên áp lực cực lớn cho những lao động có tuổi khi thị trường thừa cung thiếu cầu.
Theo CNN, thị trường tuyển dụng hiện nay của Trung Quốc đều có yêu cầu giới hạn dưới 35 tuổi, tức là không công ty nào xem xét nhận người trung niên vào làm.
Thậm chí tờ Nikkei Asian Review cho hay rất nhiều công ty Trung Quốc đã sa thải các lao động ở độ tuổi 30-40 để thay thế bằng những nhân viên ngoài 20 do họ có sức khỏe tốt hơn, chấp nhận mức lương thấp hơn và đặc biệt là có ý chí cầu tiến hơn.
“Đối với những công việc không đòi hỏi trình độ chuyên môn quá cao, ví dụ như thiết kế đơn giản, thì tốt hơn hết là thuê những lao động trẻ với mức lương rẻ hơn, đồng thời họ có thể làm việc ngoài giờ suốt đêm mà không than vãn”, một quản lý nhà máy sản xuất đồ nội thất ở Thượng Hải nói.
Khảo sát công bố tháng 4/2023 của hãng nhân sự Zhaopin cho thấy 85% số lao động được hỏi nhận định lời nguyền tuổi 35 là có thật, nghĩa là sẽ khó xin việc hơn khi bước qua giai đoạn này. Điều này thực sự đúng với những nhân viên làm trong ngành tài chính, ô tô hay Internet.
Đồng quan điểm, hãng tin CNN nhận định thế hệ Millenial (sinh trong khoảng 1981-1996) ở Trung Quốc đang dính phải lời nguyền tuổi 35 khi quá trẻ để nghỉ hưu nhưng lại quá già trong mắt nhà tuyển dụng.
*Nguồn: Tổng hợp-Băng Băng-Theo An ninh Tiền tệ