Tác giả Robert Kiyosaki cảnh báo một siêu bong bóng thị trường sẽ đổ vỡ, từ chứng khoán cho đến bất động sản và các tài sản thực sự như vàng, bạc hay tiền số mới là nơi trú ẩn an toàn.
“Siêu bong bóng thị trường, từ chứng khoán cho đến bất động sản sẽ vỡ. Nợ công của Mỹ tăng thêm 1 nghìn tỷ USD mỗi 90 ngày và đối mặt rủi ro vỡ nợ. Hãy tự cứu lấy mình đi, mua những tài sản thực sự như vàng, bạc hay Bitcoin”, tác giả Robert Kiyosaki của “Cha giàu, cha nghèo” đăng trên Twitter-X.
Quan điểm của ông Kiyosaki là có cơ sở khi giá nhà tại Mỹ đã tăng cao lên mức kỷ lục bất chấp lãi suất thế chấp tăng mạnh. Tương tự, thị trường chứng khoán Mỹ cũng tăng cao kỷ lục nhờ cơn sốt trí thông minh nhân tạo (AI) và kỳ vọng Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) hạ lãi suất.
Tuy nhiên chính điều này lại đang tác động xấu đến bộ phận không nhỏ người dân Mỹ khi phải gồng mình gánh các khoản chi phí và nợ.
Trong khi đó, đồng USD tăng giá khiến đồng tiền nhiều nước giảm mạnh, đẩy người dân nhiều nước như Trung Quốc đổ xô đi mua vàng để bảo vệ tài sản.
Tác giả Kiyosaki cho rằng việc nợ công của Mỹ tăng cao khi nền kinh tế này in thêm tiền đầu tư cho các dự án, từ chạy đua công nghệ đến những cuộc xung đột địa chính trị đang đẩy bong bóng thị trường lên mức cao chưa từng thấy.
“Bong bóng thị trường thuộc hàng lớn nhất lịch sử đang ngày một phình to. Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) nâng lãi suất sẽ khiến chứng khoán, bất động sản và thị trường vàng đi đến đổ vỡ”, ông Kiyosaki đăng trên Twitter-X.
“Tại sao tôi lại thích vàng, bạc và Bitcoin ư? Vì chúng có tính THANH KHOẢN cao. Mọi người cứ thích đua nhau mua nhà khi thị trường bất động sản đã quá nóng và đến lúc đổ vỡ thì chẳng thể thoát ra nổi”, tác giả “Cha giàu, cha nghèo” nói thêm.
Bất động sản phá kỷ lục
Hãng tin CNN cho hay doanh số bán nhà cũ tại Mỹ tháng 3/2024 đã giảm mạnh do giá nhà lên mức kỷ lục bất chấp lãi suất vay thế chấp không hề hạ, qua đó báo hiệu lượng lớn người dân Mỹ đang phải gồng mình trước các chi phí tăng cao hiện nay.
Doanh số bán nhà cũ, chiếm tỷ trọng chủ yếu trên thị trường giao dịch bất động sản Mỹ, đã giảm 4,3% trong tháng 3/2024 so với tháng trước đó xuống chỉ còn 4,39 triệu căn, tương đương mức giảm mạnh nhất hơn 1 năm qua. Tỷ lệ này là giảm 3,7% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong khi đó, giá nhà bình quân tại Mỹ tháng 3/2024 đạt 393.500 USD, tăng 4,8% so với cùng kỳ năm trước và là mức giá kỷ lục của tháng 3 trong nhiều năm kể từ khi số liệu này được thu thập. Nếu tính trong khoảng 4 năm thì giá nhà bình quân tại Mỹ đã tăng đến 50%.
Tờ Fortune thì cho hay mức lãi suất vay thế chấp 30 năm đạt 7,5% mới đây tại Mỹ, mức cao nhất lịch sử đang làm khó người mua nhà. Việc FED không hạ lãi suất do lạm phát cao đã ảnh hưởng đến thị trường tín dụng bất động sản.
Như vậy người dân Mỹ hiện không chỉ phải trả chi phí cao hơn do lạm phát cao mà còn phải gồng mình thanh toán tiền thuê nhà, tiền lãi vay thế chấp, đồng thời khó có khả năng mua nhà với mức giá như hiện nay.
Báo cáo của Anderson cho thấy bình quân người Mỹ phải thanh toán mức kỷ lục 2.775 USD tiền vay thế chấp mua nhà hàng tháng, tăng 11% so với cùng kỳ năm trước.
Theo Fortune, mức lương để người dân Mỹ đủ sức thanh toán tiền vay thế chấp mua nhà đã tăng gấp đôi kể từ đầu đại dịch Covid-19 đến nay lên mức gần 76.000 USD/năm. Tuy nhiên hiện bình quân phần lớn các hộ gia đình Mỹ chỉ kiếm được thấp hơn 30.000 USD so với mức cần thiết để đảm bảo thanh toán được tiền vay mua nhà.
Tương tự, thị trường chứng khoán Mỹ cũng chứng kiến các chỉ số S&P 500 và Nasdaq liên tiếp phá kỷ lục nhờ cơn sốt AI và kỳ vọng FED hạ lãi suất. Nhà đầu tư điên cuồng mua cổ phiếu các hãng công nghệ, đẩy mức vốn hóa của nhiều công ty như Microsoft hay Nvidia lên cao kỷ lục.
Thế nhưng thông tin lạm phát không hạ nhiệt và FED nhiều khả năng không giảm lãi suất trong năm nay đã làm tan biến kỳ vọng của nhà đầu tư.
Người Trung Quốc sợ hãi
Không riêng gì Mỹ, tình hình nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới là Trung Quốc cũng đang khó khăn khiến người dân sợ hãi.
Tờ Business Insider (BI) cho hay tâm lý bi quan về tương lai nền kinh tế cùng với việc đồng Nhân dân tệ mất giá đã khiến người dân Trung Quốc điên cuồng mua vàng làm nơi trú ẩn tài sản an toàn và chống lạm phát, qua đó đẩy giá kim loại quý này lên mức cao kỷ lục.
Giá vàng giao ngay gần đây đã vượt mức 2.400 USD/ounce do lo ngại bất ổn địa chính trị và tình hình khó khăn của các nền kinh tế lớn.
Tại Trung Quốc, tăng trưởng giảm tốc cùng đồng Nhân dân tệ mất giá 5% so với đồng USD suốt 1 năm qua đã khiến người dân lo lắng. Dù đồng USD tăng khiến giá vàng tại Trung Quốc đắt đỏ hơn nhưng người dân nước này vẫn đổ xô vào mua để tích trữ tài sản.
“Thị trường vàng không được thúc đẩy bởi các nhà đầu tư phương Tây mà là Trung Quốc. Nền kinh tế Châu Á này trong cả năm ngoái lẫn năm nay vẫn là động lực thúc đẩy giá vàng”, chuyên gia phân tích Bernard Dahdah của Natixis nhận định.
Hãng tin CNBC cho hay PBOC đã liên tục mua vàng từ tháng 11/2022, đưa tổng dự trữ tăng 16% lên 2.257 tấn, đồng thời đã gia tăng lượng dự trữ vàng 17 tháng liên tiếp. Riêng trong tháng 3/2024, PBOC đã mua ròng tiếp 5 tấn vàng, nâng tổng mức dự trữ lên 2.262 tấn.
“Dự trữ vàng của PBOC đã tăng 16 tháng liên tiếp”, chuyên gia phân tích Krishan Gopaul của Hội đồng Vàng Thế giới (WGC) cho biết khi PBOC mua ròng 12 tấn vàng trong tháng 2/2024.
Mặc dù tăng mua nhưng lượng vàng hiện tại mới chiếm 4% tổng dự trữ chiến lược của PBOC, do đó khả năng cơ quan này tiếp tục tích trữ vàng là vô cùng lớn.
“Tôi cho rằng các ngân hàng trung ương ngày càng tăng mua vàng và giảm nắm giữ các ngoại tệ khác trong bối cảnh thế giới phân cực, đầy bất ổn”, giám đốc Ryan McIntyre của Sprott nói.
Theo CNBC, nhu cầu tích trữ vàng của các ngân hàng trung ương được cho là yếu tố chính giúp kim loại quý giữ được ngưỡng hỗ trợ 2.000 USD vài tháng qua.
Báo cáo cả năm 2023 của WGC vào tháng 1/2024 cho thấy tổng khối lượng vàng giao dịch trên toàn cầu đạt kỷ lục 4.899 tấn. Trong đó, lượng mua giai đoạn 2022-2023 từ các ngân hàng trung ương vượt 1.000 tấn.
Đặc biệt, báo cáo chỉ ra PBOC là bên mua vàng nhiều nhất với 225 tấn trong năm 2023, mức cao thứ 2 kể từ năm 1950 đến nay, đứng sau con số 1.082 tấn vàng mua ròng của năm 2022..
“Năm 2023 là năm thứ hai liên tiếp các ngân hàng trung ương tăng mua vàng ở mức kỷ lục”, giám đốc nghiên cứu Shaokai Fan của WGC thừa nhận.
Tại thị trường trang sức, bất chấp thị trường toàn cầu đi ngang, lượng tiêu thụ của Trung Quốc vẫn tăng 10% lên 630 tấn, vượt qua cả Ấn Độ (562 tấn) và Mỹ (136 tấn).
Xin được nhắc là nhu cầu vàng trên toàn cầu đã giảm 5% trong năm vừa qua xuống chỉ còn 4.448 tấn, sau đợt thăng hoa của năm 2022. Thế nhưng với người Trung Quốc, nhu cầu vàng vẫn còn mãi bất kể là trong dân chúng hay với PBOC.
*Nguồn: BI, Fortune, CNN-Băng Băng-Theo An ninh Tiền tệ