Ông John Rockhold từng tham gia cuộc chiến tranh ở Việt Nam. Hiện tại, ông có vợ, con và công việc ở Sài Gòn. Cũng như ông, nhiều người Mỹ nghỉ hưu chọn sống ở Việt Nam
Sau khi cuộc chiến kết thúc vào năm 1975, lần đầu tiên Rockhold quay lại Việt Nam là vào năm 1992 để thực hiện một chương trình giúp đỡ những người tị nạn kinh tế. Ông định cư tại đây năm 1995 và kết hôn với một phụ nữ Việt Nam vào năm 2009.
Ông Rockhold thích Việt Nam đến nỗi đã thuyết phục mẹ ông ở Santa Maria, tiểu bang California, Mỹ chuyển đến sống ở Việt Nam vào năm 2009. “Bà đến dự đám cưới và quyết định ở lại”, ông cười nói. Bà sống ở Việt Nam cho đến khi qua đời năm 2015 ở tuổi 94.
Ông Rockhold, hiện 66 tuổi, có hai người con 9 và 10 tuổi, hai đứa trẻ được sinh bằng phương pháp sinh mổ, cùng với thời gian nằm viện 4 ngày hết khoảng 1.200 USD, rẻ hơn nhiều so với ở Hoa Kỳ. Gia đình Rockhold sống ở căn hộ tầng 20 trong một chung cư nhìn ra sông Sài Gòn. Căn hộ gia đình ông đang ở có 4 phòng ngủ, 3 phòng tắm, rộng khoảng 170 mét vuông với giá khoảng 250.000 USD vào năm 2011.
Theo tờ Los Angeles Times, sự phát triển nhanh chóng ở Việt Nam và các nước láng giềng Đông Nam Á đã tạo ra một tình huống không thể tưởng tượng được trong quá khứ: Bùng nổ số lượng những người Mỹ đang có cuộc sống như ở Florida, Nevada, Arizona của Mỹ nhưng chuyển đến Việt Nam. Chi phí hàng tháng ở đây hiếm khi vượt quá 2.000 USD, thậm chí cả khi sống trong một căn hộ như của Rockhold, gồm cả đầu bếp và người dọn dẹp.
Ông Rockhold cho biết, đại đa số những người sở hữu căn hộ trong tòa nhà chung cư ông đang sống là tầng lớp trung lưu ở Việt Nam, trong đó có nhiều người làm việc cho chính phủ hoặc ngành giáo dục, và có đủ khả năng để đi du lịch nước ngoài.
“Người Việt Nam rất tốt với tôi”, Rockhold nói với tờ Los Angeles Times.
Khi nghỉ hưu, ông Rockhold luôn bận rộn như tham gia vào một tổ chức thiện nguyện cung cấp năng lượng mặt trời cho các hộ gia đình có thu nhập thấp. Trang trại gia đình của vợ ông, cách nơi ông từng chiến đấu khoảng 45 phút lái xe. “Tôi không bao giờ nghĩ rằng 30 năm sau tôi sẽ sở hữu một vài thứ ở Việt Nam”, Rockhold nói.
Hiện không rõ chính xác có bao nhiêu người Mỹ về hưu đang sống ở Việt Nam. Các cuộc phỏng vấn của tờ Los Angeles Times với khoảng 10 người nước ngoài về hưu đang sống ở Việt Nam cho thấy một số người ở đây với thị thực du lịch một năm, những người khác ở đây chỉ trong một hoặc hai mùa, có người đủ điều kiện cư trú lâu dài bằng cách kết hôn với công dân Việt Nam, như ông Rockhold đã làm.
Một người khác, ông Michael Gormalley, một cựu trung sĩ quân đội, trở về Việt Nam làm giáo viên tiếng Anh tình nguyện cho các trường trung học ở nông thôn vào năm 2008. Vào năm 2014, ông bắt đầu giảng dạy tại một trường đại học ở Việt Nam.
Ông Frederick R. Burke, một luật sư của công ty luật Baker McKenzie, người có mối quan hệ tốt trong cộng đồng người Mỹ ở nước ngoài ở Los Angeles, nhận xét về số lượng cựu chiến binh sống ở Việt Nam: “Họ thường kết hôn với một phụ nữ Việt Nam, và các lợi ích an sinh xã hội của họ hơn nhiều so với họ làm ở Los Angeles”.
ĐKN