Xã hội giống như một sân khấu rộng lớn. Cách chúng ta giao tiếp với người khác quyết định mức độ nổi tiếng, ảnh hưởng thù lao, cũng như chi phối độ dài sự nghiệp biểu diễn của chúng ta. Người khôn ngoan khi giao tiếp thường chú ý những điều sau.
01. Nhìn vào điểm mạnh của đối phương
Khi nhìn người, đừng chỉ nhìn chằm chằm vào điểm yếu, tìm cách công kích và chèn ép người khác. Chỉ khi nhìn vào điểm mạnh của đối phương, bạn mới nhận rõ người mình đang nói chuyện là ai.
Có câu nói rằng: Trên đời không có ai là hoàn mỹ.
Nhân sinh muôn ngàn kiểu người, không có ai là thánh nhân tuyệt đối và ai cũng sẽ có những thiếu sót riêng. Người tốt đến đâu cũng có khuyết điểm, ngược lại, người bình thường cách mấy cũng có sở trường riêng.
Vì vậy, đừng dùng kính lúp để soi xét mọi người, đòi hỏi họ một cách thái quá. Thay vào đó, người khôn ngoan luôn nhìn mọi người với ánh mắt thông tuệ để khám phá ra điểm mạnh của người khác.
Bằng cách này, họ có thể tận dụng điểm mạnh của người khác, bù đắp điểm yếu của bản thân và kết giao thêm nhiều bạn bè. Điều này rất có lợi cho việc mở rộng mạng lưới quan hệ cá nhân.
Hán Cao Tổ Lưu Bang từng không bằng Hạng Vũ về mặt xuất thân và bản lĩnh, nhưng cuối cùng lại thắng được thiên hạ. Có nhiều nguyên nhân trong đó nhưng một trong những nhân tố không thể bỏ qua chính là do Hạng Vũ kiêu căng ngạo mạn, trong khi Lưu Bang lại giỏi phát hiện điểm mạnh của cấp dưới và tận dụng rất tốt.
Vào ngày Lưu Bang đăng cơ, ông đã tổ chức tiệc khánh công ở Lạc Dương và khẳng định rằng: Người thực sự có thể làm nên đại sự là những người giỏi dùng người, biết cách tận dụng ưu điểm và sở trường của người khác.
Ông nói: “Luận về bày mưu lập kế, quyết thắng từ xa, ta không bằng Trương Lương. Luận về an ủi bá tánh, cung cấp lương thảo, ta không bằng Tiêu Hà. Luận về lãnh binh trăm vạn, quyết chiến sa trường, trăm trận trăm thắng, ta không bằng Hàn Tín.
Tuy vậy, ta có thể dùng người, có thể phát huy tài năng của họ. Đây mới là lý do thực sự dẫn đến chiến thắng của chúng ta. Về phần Hạng Vũ, dưới trướng chỉ có Phạm Tăng nhưng hắn lại nảy lòng nghi ngờ, đó chính là nguyên nhân dẫn đến thất bại cuối cùng.”
Điển cố này cho chúng ta biết tầm quan trọng của việc phát hiện điểm mạnh của mọi người trong xây dựng quan hệ giữa các cá nhân.
Khi kết giao với người khác, nếu chỉ dùng ánh mắt soi xét, bạn sẽ trở thành kẻ cô độc. Ngược lại, nếu giỏi phát hiện điểm mạnh, dành cho họ những lời ngợi khen chân thành, mối quan hệ mới bền chặt, gắn kết hơn.
02. Nhìn vào lòng tốt của đối phương
Ở đời, có những kẻ lòng dạ hẹp hòi, chỉ ghi thù chứ không nhớ ân nghĩa. Kiểu cư xử này sẽ khiến những người từng giúp đỡ cảm thấy chạnh lòng. Hãy luôn ghi nhớ lòng tốt của mọi người thì tình bạn mới càng sâu đậm.
Có một câu chuyện kể rằng:
Đôi bạn rủ nhau đi du lịch biển rồi cãi nhau vì chuyện vặt vãnh, một người đã tát bạn mình một cái cho hả giận. Người bạn bị đánh đã dùng gậy viết những lời lẽ tức giận trên bờ cát.
Sau đó, họ đến chơi ở một vách đá, người bạn vừa bị đánh lại trượt chân ngã. Đúng lúc này, người kia đã kịp thời tóm lấy cánh tay và cứu sống bạn mình. Lần này, người được cứu lấy con dao ra và khắc lên đá những lời cảm ơn.
Khi người kia bối rối hỏi lý do tại sao lại viết như vậy, người bị đánh đã nói: “Sự tức giận được viết trên cát có thể tan dần theo thủy triều, trong khi lòng biết ơn được viết trên đá có thể tồn tại mãi mãi. Tôi không muốn sống trong hận thù, vì vậy cứ để sóng giúp tôi mang nó đi. Còn biết ơn một người là hạnh phúc, tôi sẽ khắc nó vào đá để sống cùng ơn nghĩa đó suốt đời.”
Câu chuyện quen thuộc nhưng lần nào cũng khiến mọi người phải suy ngẫm. Quả thật, khi kết thân với bạn bè, nếu chỉ nhìn chằm chằm vào lỗi lầm họ từng mắc phải, nhớ đến những điều than phiền và tức giận thì tình cảm giữa cả hai cũng bị hủy hoại. Bản thân người đó cũng không thể an lòng với suy nghĩ của mình.
Ngược lại, nếu thường xuyên ghi nhớ những điều tuyệt vời mà người khác làm cho mình, bạn lúc nào cũng cảm thấy biết ơn, trái tim tràn đầy hạnh phúc và tình bạn thêm gắn kết bền chặt.
03. Nhìn vào lúc đối phương khó khăn
Tạp chí Khoa học Tâm lý Lâm sàng từng công bố kết quả của một nghiên cứu nhỏ vào năm 2015 cho thấy việc giúp đỡ người khác có thể giảm bớt sự căng thẳng.
Hồ Tuyết Nham (1823-1885) từng được mệnh danh là thương gia giàu nhất Hàng Châu cuối thế kỷ 19. Ông không chỉ được nhắc đến bởi khối tài sản khổng lồ mà còn được biết đến với mạng lưới bằng hữu tâm giao sinh tử có nhau vô cùng rộng lớn. Để làm được điều này, nguyên nhân không thể bỏ qua đến từ đức tính cao cả, tốt đẹp của ông.
Từng có một thương nhân thất bát, sắp bị phá sản tìm tới và muốn bán toàn bộ gia sản với giá thấp cho Hồ Tuyết Nham. Sau khi tìm hiểu rõ ràng, ông không những đồng ý mua lại mà còn trả giá cao, tương xứng đúng với thị trường.
Khi được hỏi nguyên do đằng sau, ông chỉ nói: “Sông có khúc người có lúc. Bất kể là mối quan hệ nào chỉ khi bạn chấp nhận bỏ ra thì người khác cũng sẽ vì bạn mà bỏ ra.”
Với Hồ Tuyết Nham, thương trường không phải chiến trường, trong thương trường cũng có cái đạo.
Có một câu ngạn ngữ nói rất hay: “Hãy thắp một ngọn đèn cho mọi người, chiếu sáng cho người khác, cũng soi sáng cho chính mình.”
Nếu bạn thường giúp đỡ người khác, bạn sẽ có rất nhiều bạn tốt. Khi gặp khó khăn, bất hạnh, tất yếu sẽ có quý nhân giúp đỡ, san sẻ nỗi lo.
*Theo Aboluowang-Thuý Phương–Theo Nhịp sống kinh tế