Đối với một người mà nói, địa vị cao hay thấp, sự nghiệp lớn hay nhỏ, thân phận quý tiện ra sao mấu chốt đều ở chỗ người ấy thực sự có tài đức hay không. Một người là bậc hiền tài thường có 4 dấu hiệu để nhận biết.
- Người có tài thực sự, làm việc gì cũng quang minh chính đại
Người được xưng là hiền tài phải là người bước đi trên con đường chính đạo, làm việc phải quang minh chính đại, sáng tỏ rõ ràng. Cổ ngữ nói: “Ngẩng đầu không hổ với Trời, cúi đầu không thẹn với người”. Cho nên, trong làm người hay làm việc, cổ nhân vô cùng coi trọng đức tính ngay thẳng, chính trực, không ở đằng sau lưng người khác mà làm tổn hại lợi ích của họ.
Từ xưa đến nay, bậc chính nhân quân tử có tu dưỡng đạo đức, hành vi tư tưởng của họ phải như thanh thiên bạch nhật, quang minh lỗi lạc, không có hành vi ám muội nào cần phải giấu, còn tài hoa và năng lực của họ phải như châu ngọc, không dễ dàng hiển lộ ra ngoài làm loá mắt người khác. Cổ nhân cho rằng, người mà hành vi ám muội, lén lút thì không được coi là có tài mà chỉ là mưu kế của kẻ tiểu nhân.
Quang minh chính đại còn phải là có gan đối diện với sai lầm của bản thân mình. Che dấu lỗi lầm của bản thân mình là sai lầm mà hầu hết mọi người đều gặp phải, nhưng người tài thực sự thì không sợ điều ấy.
Bậc thánh nhân coi trọng những người có thể nhận ra sai trái của mình và tích cực sửa sai. Họ cho rằng người biết sửa sai là người dũng, ai cũng kính ngưỡng người biết sửa sai.
Người có tài thực sự quang minh chính đại, xử thế quang minh, cho dù phạm sai lầm cũng sẽ dũng cảm nhận sai, khiến hành vi, tâm tính của bản thân họ lúc nào cũng sáng tỏ như ban ngày.
- Người có tài thực sự, bình tĩnh mà lại quyết đoán
Người tài thường có tính cách vô cùng cởi mở và lạc quan, có tầm nhìn xa rộng, cầm lên được, buông xuống được. Họ biết được lúc nào nên tiến thì tiến và cần lui thì lui, thắng không kiêu, bại không nản. Tâm của họ luôn ổn trọng và trầm tĩnh, “dù núi Thái Sơn có sụp trước mắt, sắc mặt cũng không đổi”.
Bởi vì bình tĩnh, nên khi gặp chuyện họ có thể nhận định được rõ ràng và đưa ra được quyết định tích cực. Đây cũng là một loại dũng khí. Trong đối nhân xử thế, người có tài không vội không nóng nảy, không để sự tình làm nhiễu loạn tâm.
Trận chiến Phì Thủy là một trận chiến lừng danh trong lịch sử. Trong khi quân Đông Tấn chưa đến 10 vạn binh sĩ đã đánh bại được 100 vạn binh sĩ dũng mãnh của quân Tiền Tần ở ngoài chiến trường, thì ở nhà chủ soái Tạ An đang ngồi chơi cờ vây với khách. Đây vừa thể hiện trí tuệ, vừa thể hiện sự bình tĩnh, quyết đoán của Tạ An.
- Người tài thực sự có trí tuệ siêu thoát
Người tài năng đối đãi với sự việc phải siêu thoát, phóng thoáng, không bị trói buộc bởi các loại tình cảm hay bị dính mắc ở trong được mất lợi ích. Cả đời người, những sự tình xảy ra là vô vàn, thất ý có, đắc ý cũng có, người tài năng gặp nguy mà không sợ, gặp chuyện thình lình xảy ra mà không kinh hoảng. Đó là bởi vì trí tuệ của họ đã siêu thoát khỏi những ràng buộc của thế sự.
Một người bình thường khi gặp chuyện vui sẽ mừng lộ rõ, khi gặp chuyện buồn thì nét mặt sầu bi. Người tài thực sự thì tâm thái bình hòa, dù gặp chuyện lớn hay nhỏ, xấu hay tốt đều dũng cảm gánh vác, không trốn tránh.
Thời Hán, Hàn Tín có thể chui dưới hai chân của kẻ vô lại không phải hèn nhát, cũng không phải ngu ngốc. Đó là biểu hiện cao thượng của tâm đại nhẫn và của trí tuệ siêu thoát. Sau này, Hàn Tín trở thành đại tướng quân của Hán Cao Tổ Lưu Bang và giúp ông sáng lập triều Hán. Công lao vĩ đại của Hàn Tín đối với triều Hán đã chứng minh ông là một bậc đại trí, có tài thực sự. Thậm chí ông còn phong cho kẻ vô lại kia chức trung úy. Điều đó chứng tỏ trí tuệ của Hàn Tín đã thoát ra khỏi lợi ích, được mất của một người bình thường rồi.
- Người có tài thực sự không bao giờ khoa trương
Người thực sự có đại trí tuệ thường thường đều là ẩn giấu, không để lộ tài năng ra bên ngoài. Thời khắc quan trọng còn chưa đến thì họ sẽ không tùy tiện sử dụng trí thông minh của mình. Rất nhiều người thích tâm kế, luôn thể hiện chút tiểu thông minh (khôn vặt), không quản điều đó là có cần thiết hay không, vào mọi thời khắc, ở mọi việc đều thể hiện trí thông minh của mình. Điều này không chỉ đối với thành công là vô ích mà còn thường thường chiêu mời tai họa.
Cổ nhân giảng: “Người hiền tài oai mà không mãnh, quang mà không diệu”, đây cũng là một loại tính cách của người thành thục. Người tài thực sự đã trang trọng lại ôn hòa, cho nên cho dù có uy nghiêm nhưng lại không hung mãnh, tỏa sáng mà không khiến người khác lóa mắt. Một người có đạo đức cao thượng, có tài năng thực sự sẽ không tự nói, càng không khoa trương về tài hoa và năng lực của bản thân mình.
Một người bình thường muốn làm được điều này cần phải tu dưỡng, tích lũy qua thời gian lâu dài mới có thể đạt được. Đặc biệt, trong quá trình tu dưỡng ấy, chúng ta cần phải tẩy rửa đi tính cách kiêu căng và khoa trương, tôn trọng quyền lợi của bất kỳ ai dù là lớn hay nhỏ. Xưa nay người càng thành công, càng làm được việc lớn thì càng có tâm khiêm tốn.
An Hòa