Chuyện xảy ra vào thời Bắc Tống, có người phụ nữ họ Lý ở tỉnh Tế Nam kết hôn với một người thợ đá ở làng bên. Nhưng không lâu sau khi kết hôn, chồng cô bị tai nạn trong lúc làm việc và qua đời. Lúc đó, Lý Thị xinh như một bông hoa bỗng trở thành góa phụ…
Tuy nhiên, Lý Thị lại không trở về nhà mẹ đẻ mà ở lại nhà chồng toàn tâm toàn ý chăm sóc cha mẹ chồng.
Vào một đêm nọ, trời đổ mưa to, Lý Thị đứng một mình trong phòng nhìn ra cửa sổ, ngoài trời giông bão dữ dội, sấm sét ầm ầm, cảnh tượng khiến cô không khỏi cảm thấy sợ hãi.
Đúng lúc này, đột nhiên cô nghe thấy có tiếng gõ cửa, thanh âm đột ngột này thực sự khiến cô càng sợ hãi hơn.
Phòng của cha mẹ chồng cách chỗ Lý Thị ở mấy gian, tiếng gõ cửa càng lúc càng nhanh, cô sợ tới mức nghe thấy tim của mình đập thình thịch liên hồi.
“Người tốt bụng! Xin mở cửa cho tôi trú mưa, lão toàn thân rét run, lạnh đến mức không chịu thêm được nữa!” Nghe thấy tiếng kêu của ông lão, Lý Thị cố thả lỏng tinh thần rồi vội ra mở cửa. Cô cúi đầu nhìn xuống thì thấy một ông lão ăn mày đầu tóc rối bù, quần áo tả tơi đang nằm co cuộn tròn ở ngưỡng cửa.
“Ông lão, ông bị sao vậy? Bên ngoài trời mưa to, mau vào đi!” Lý Thị vừa hỏi thăm vừa dìu lão ăn mày vào căn phòng phía Đông.
Hơi thở của người ăn xin già yếu ớt, ông hắt hơi liên tục như thể đã bị cảm nặng. Lý Thị vội chạy vào nhà bếp nấu cho ông lão bát mì, hơn nữa còn cố ý nấu thêm chén canh gừng cho ông.
Lý Thị cẩn thận bưng đồ ăn lên đưa cho lão ăn mày. Người ăn xin già cảm động đến rơi lệ, tay run run vừa lau nước mắt vừa bưng từng bát canh uống hết.
Lý Thị lại lấy chăn bông ra đắp cho lão ăn mày rồi trở về căn phòng phía Tây, khóa cửa cẩn thận rồi đi ngủ.
Sáng hôm sau, Lý Thị rời giường đến thăm lão ăn mày. Nhưng khi cô mở cửa ra thì thấy người ăn xin già không còn ở đó nữa, trên đệm chăn chỉ để một tờ giấy.
Trên đó viết: “Lão nhận được sự cứu giúp của người tốt bụng đêm qua, cho lão nghỉ tạm một đêm, hơn nữa còn nấu canh gừng cho lão để xua đuổi cái lạnh. Lòng tốt này lão ghi nhớ trong tâm, sau này sẽ báo đáp. Lão không dám quấy rầy người tốt bụng nữa, cho nên để lại phong thư này chào tạm biệt”.
“Vì thân thể của ông lão đã khỏe, cho nên để tùy ông đi thôi”. Lý Thị thầm nghĩ, vui vẻ cầm lá thư và đi vào kho củi nấu cơm.
Thời gian thấm thoát trôi qua…
Một ngày nọ, Lý Thị lên núi đốn củi, đến giữa trưa cô bắt đầu xuống núi. Thật kỳ lạ, bầu trời đang quang đãng bỗng trở nên u ám, và một cơn giông bão lập tức ập xuống.
Trên núi không có chỗ trú chân, Lý Thị cảm thấy không ổn nên vội vàng gánh củi xuống núi.
Nhưng khi đi đến chỗ góc cua, Lý Thị bị trượt chân và ngã vật xuống đất, thân thể cô bắt đầu lăn xuống dọc theo con dốc.
Cách chỗ đó không xa là một vách đá, Lý Thị hy vọng có thể bám được vào một gốc cây nào đó để dừng lại, tuy nhiên tay chân luống cuống cô không thể túm được thứ gì.
Nhìn thấy bản thân sắp lăn xuống vách núi, Lý Thị vô cùng sợ hãi và bắt đầu kêu cứu. Nhưng thường ngày, người đi núi đã hiếm, làm sao có người đến đây trong thời tiết khủng khiếp như thế này chứ?
Cảm thấy nản lòng, cô chỉ biết nhắm mắt lại mặc cho số phận định đoạt. Thế nhưng, ngay khi cô sắp rơi xuống vách núi, bỗng có một bàn tay vươn ra túm chặt lấy cô.
Lúc này, thân thể của Lý Thị treo lơ lửng trên vách núi, cô ngước mắt nhìn lên thì phát hiện người cứu cô không ai khác chính là lão ăn mày mà cô cứu giúp đêm nọ.
“Người tốt bụng, đừng nhúc nhích, ta sẽ kéo cô lên ngay!” Lão ăn mày lấy hết sức, dùng hai tay nắm chặt tay Lý Thị và kéo lên.
“Ông ơi, ở đây thật sự rất nguy hiểm, ông không cần cứu cháu đâu, mau mau rời đi đi, nếu không cả cháu và ông đều rơi xuống vách núi này!” Lý Thị lo lắng kêu lên.
Người ăn xin già không trả lời, liều mạng kéo Lý Thị lên. Phía trên hẻm đá lúc này bùn đất mỗi lúc một thêm trơn trượt, lão ăn mày không còn trụ vững được nữa và bắt đầu từ từ trượt xuống.
Thật may, chiếc đòn gánh của Lý Thị khi nãy lại rơi ngay bên cạnh chân của lão ăn mày. Ông vội nhặt chiếc đòn gánh và ngáng vào hai thân cây nhỏ, một tay nắm chặt chiếc đòn gánh, tay còn lại cố lôi Lý Thị lên.
Sau rất nhiều nỗ lực, cuối cùng Lý Thị cũng được kéo lên. Gặp phải kiếp nạn này, cô may mắn thoát chết. Hai người ngồi nghỉ ngơi hồi lâu, mãi cho đến khi mưa ngớt mới cùng nhau xuống núi. Lão ăn mày đưa Lý Thị về đến nhà rồi mới lê tấm thân mệt mỏi rời đi.
Trải qua tai ương lần này, Lý Thị bắt đầu thắp hương lễ Phật. Cô cầu phúc cho cha mẹ chồng, đồng thời cũng cầu phúc cho người ăn xin già, hy vọng ân nhân sẽ được bình an và sống lâu. Tuy nhiên, từ đó về sau cô không còn gặp lại ông lão ăn mày đó nữa.
Câu chuyện này nhắn gửi tới chúng ta một đạo lý, đó là “Thiện ác hữu báo”. Do vậy, sống trên đời này mỗi người nên làm nhiều việc thiện hơn nữa, vì chính mình cũng như vì thế hệ mai sau mà tích chút phúc đức, người có thiện lương, gặp hung hóa cát. Ngược lại, những kẻ làm việc thương Thiên hại lý, tổn hại người khác thì cuối cùng lại hại chính mình.
Theo Vision Times-San San biên dịch