Những lời chỉ trích thường bị coi là “xấu xí” khi chúng ta nhận được nhưng hầu hết, sự xấu xí đó bắt nguồn từ sự thật có giá trị.
Thomas Keller là một đầu bếp và chủ nhà hàng từng đoạt giải thưởng tại Hoa Kỳ. Anh cũng là một trong những nghệ sĩ ẩm thực lành nghề nhất thế giới.
Nhưng vào năm 2015, Pete Wells – nhà phê bình nhà hàng hàng đầu của tờ New York Times, gây chú ý khi đăng một bài chỉ trích gay gắt đối với nhà hàng Per Se của Keller. Theo đó, Wells đã sử dụng những từ như “nhạt nhẽo”, “vô vị” và “dai như cao su” để mô tả những món ông đã ăn tại nhà hàng của Keller.
Keller vốn nổi tiếng là một người cầu toàn, sẽ phản ứng thế nào khi bị chỉ trích nặng nề như vậy?
Trong tình huống này, Keller gây ngỡ ngàng khi nói lời xin lỗi, đồng thời bày tỏ những suy nghĩ khiêm tốn và đầy cảm hứng.
Đầu tiên, Keller nhận hoàn toàn trách nhiệm. Anh bày tỏ trên trang web của mình: “Chúng tôi tự hào về việc duy trì các tiêu chuẩn cao nhất, nhưng chúng tôi cũng mắc sai lầm trong quá trình thực hiện. Chúng tôi xin lỗi đã làm bạn thất vọng”.
Dĩ nhiên, đó không chỉ là lời nói suông hay chiêu trò PR, Keller đã gặp nhân viên của mình để tìm ra cách họ có thể cải thiện. Phản ứng của Keller tạo một luồng gió mới. Đồng thời, nó bộc lộ sức mạnh to lớn của tính cách: khả năng hưởng lợi từ những phản hồi tiêu cực.
Phản ứng của Keller giải thích tại sao hầu hết những lời chỉ trích giống như một viên kim cương thô, khiến công chúng phải tự đặt câu hỏi: Mình nên làm gì khi ai đó đưa ra phản hồi quan trọng cho mình?
Nếu bạn không phải Keller, bạn sẽ thực sự cảm thấy căng thẳng. Hơi thở của bạn có thể thay đổi. Máu của bạn bắt đầu sôi lên. Điều này không hề dễ chịu chút nào, nhưng nó thực sự là một dấu hiệu tốt.
Hãy thử nghĩ xem, lý do khiến chúng ta bực tức khi nghe ai đó chỉ trích là vì chúng ta quá đam mê. Công việc của ta, ý kiến của ta, cách suy nghĩ của ta – chúng giống như những người bạn thân nhất của ta. Vì thế, không ai được phép gây rối với bạn bè của ta.
Nhưng đây là điều đáng chú ý: Bạn cần sự phản hồi quan trọng. Thực tế, tất cả chúng ta đều cần những lời chỉ trích vì không ai trong chúng ta là hoàn hảo. Chúng ta đều có những khuyết điểm và đều muốn cải thiện.
Lời chỉ trích được so sánh với một viên kim cương thô là hoàn toàn hợp lý. Viên kim cương đó có thể xấu xí khi nhìn bằng mắt thường…nhưng sau quá trình cắt và đánh bóng, giá trị của nó mới trở nên rõ ràng.
Tương tự như vậy, những lời chỉ trích thường bị coi là “xấu xí” khi chúng ta nhận được nhưng hầu hết, sự xấu xí đó bắt nguồn từ sự thật có giá trị.
Và ngay cả khi không phải như vậy, nó vẫn có thể giúp bạn tốt hơn bằng cách cho bạn một cái nhìn về việc người khác đánh giá bạn.
Và đoán xem? Nếu một người nhìn bạn như vậy, bạn có thể chắc chắn rằng có rất nhiều người khác cũng vậy. Đó là lý do tại sao bạn cần trở thành… thợ mài giũa kim cương.
Bạn cần biến những lời chỉ trích thô mộc, chưa được đánh bóng thành một thứ gì đó đẹp đẽ – một trải nghiệm học hỏi.
Nhưng làm thế nào bạn có thể hưởng lợi từ những phản hồi quan trọng nếu cảm xúc của bạn vượt quá tầm kiểm soát?
Mẹo hay nhất là, bất cứ khi nào bạn nhận được phản hồi tiêu cực, thay vì chỉ trích ngược lại, hãy nói điều này:
– Cảm ơn bạn đã bày tỏ suy nghĩ của mình… Vui lòng cho tôi khoảng một ngày để xử lý vấn đề này và tôi sẽ liên hệ lại với bạn.
Lưu ý, phản ứng đầu tiên của bạn là phản ứng cảm xúc của bạn. Nó xuất phát từ hạch hạnh nhân, phần nhỏ hình quả hạnh trong não bạn sẽ hoạt động khi bạn cảm thấy bị tấn công. Nhưng khi thời gian trôi qua đủ lâu, hạch hạnh nhân sẽ bình tĩnh lại… và bạn bắt đầu suy nghĩ lại bằng các phần khác, lý trí hơn trong não.
Chỉ cần cho bản thân một ngày để xử lý phản hồi sẽ giúp bạn nhìn nhận vấn đề khác đi nhiều. Thay vì thấy nó gây tổn thương, giờ đây bạn có thể thấy nó hữu ích.
Sau đó, khi nghĩ về lời chỉ trích, bạn có thể sử dụng nó để giúp mình:
– Tinh chỉnh và cải thiện ý tưởng của bạn.
– Xây dựng thông điệp của bạn theo cách tiếp cận được nhiều đối tượng khách hàng đa dạng hơn.
– Chuẩn bị sẵn sàng cho những lời chỉ trích tương tự trong tương lai.
Cuối cùng, đừng quên phần đầu tiên của câu: “Cảm ơn bạn đã bày tỏ suy nghĩ của mình”. Tuyên bố nhỏ này cũng có tác dụng lâu dài vì nó thể hiện sự đánh giá cao đối với người đã đưa ra phản hồi quan trọng cho bạn – điều này giúp tạo ra phản ứng tích cực với người khác.
Lần tiếp theo, nếu bạn tiếp tục nhận được những phản hồi quan trọng, bạn cảm thấy mình bắt đầu căng thẳng, máu bạn sôi lên, hãy lùi lại một bước và nhớ rằng mình là người mài giũa kim cương. Bạn sẽ biến những phản hồi đó thành điều gì đó có giá trị, và dĩ nhiên điều đó sẽ giúp bạn trở nên hoàn thiện hơn.
Theo linkedin.com- Thúy Kiều–Giáo dục thời đại